Tôi chọn Adrift (Giành anh từ biển) vì có Sam Claflin, cái tên mà tôi rất ấn tượng và xúc động từ thời xem Love Rosie, Me Before You. Adrift đón tôi bằng cái nắng gắt của trưa hè, hoá ra bộ phim được chiếu hầu như ở những khung giờ vắng khán giả, như suất mà tôi xem, suất 12h. Thiếu tính giải trí cũng như đi ngược với thị hiếu công chúng là nguyên nhân khiến bộ phim không được ưu ái xếp lịch chiếu vào các khung giờ đẹp. Thế nhưng là một người yêu điện ảnh chân chính, tôi không cho phép bản thân lười nhác trong việc trải nghiệm những thước phim hay thật sự, dù cho điều đó có ngang trái như thế nào.
Khác với mọi người, tôi không xem trailer và tìm hiểu quá nhiều về phim, chỉ biết đây là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Trong tôi chỉ có thế và tâm thế khi bước vào rạp của tôi là: “Đừng quá câu nệ, hãy đón nhận nó thật nhẹ nhàng thôi, phim bình thường mà”. Nhưng không, tôi đã lầm! Những đoạn phim đầu tiên đã làm tôi nhận ra rằng Adrift là sự pha trộn giữa chủ nghĩa xê dịch và chủ nghĩa tình cảm, thể loại phim mà tôi vẫn rất thích lâu nay.
“Cuộc sống vắng bóng tình yêu như biển rộng mênh mông không thuyền về”
Một câu chuyện tình yêu vừa ngọt ngào vừa khắc nghiệt là những gì chúng ta sẽ được chứng kiến trong Adrift (Giành anh từ biển). Adrift kể về chuyến hành trình có thật của Tami (Shailene Woodley) và Richard (Sam Claflin), họ tình cờ gặp nhau giữa biển trời mênh mông và rồi nên duyên trăm năm cũng bên bờ cát vàng ấm áp. Họ là hai tâm hồn đồng điệu: một người thì không muốn quay về nhà, muốn được lang thang khắp nơi; một người thì xem thuyền là nhà, muốn được mãi lênh đênh trên biển để nghe sóng vỗ êm đềm bên mạn thuyền. Sóng gió kéo đến khi Tami và Richard nhận lời đem con thuyền Hazana đến San Diago. Cao trào phim dâng lên cùng cơn bão lớn và sóng đại dương dữ dằn, đẩy hai nhân vật chính vào bi kịch của cuộc đời.
Giống như những bộ phim theo chủ nghĩa xê dịch khác, Adrift tái hiện lại cảnh Tami và Richard đánh vật với đại dương hung tợn để giành lấy sự sống mong manh, tìm đường về với đất liền hiền hoà. Nhưng nếu chỉ có như vậy thì không đủ làm bộ phim trở nên hấp dẫn và quyến rũ, sự bứt phá của đạo diễn Baltasar Kormákur trong cách sử dụng cách kể chuyện song song đã tạo nên sự khác biệt. Không để trọng tâm bộ phim nghiêng hẳn về hành trình lênh đênh trên biển, vị đạo diễn người Iceland đã khéo léo đan xen diễn biến tình cảm của hai nhân vật vào đấy, tạo nên sự thú vị, khó đoán cho mạch phim. Khán giả như được lạc giữa một không gian đất trời rộng lớn, lúc thì hồi hộp, căng thẳng; lúc thì ngọt ngào, tình cảm.
Hơn hết, phim đề cao bản năng sinh tồn của con người, đặc biệt là ý chí vượt khó của người phụ nữ. Điều đó được khắc hoạ sắc nét qua hình ảnh Tami, người lèo lái cả con thuyền từ đầu đến cuối bộ phim. Tami chính là linh hồn của Adrift. Cuối phim, nhà sản xuất đã chèn thêm một đoạn phim tư liệu ngắn về chuyến hành trình mà Tami phải thật sự trải qua. Tôi cực kì xúc động với câu nói của cô: “Có một tiếng nói nào đó thôi thúc tôi phải sống!” và đó là tình tiết làm tăng thêm tính chân thật cho bộ phim.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật nên nó không có quá nhiều tình tiết thêm thắt phi lý và khó hiểu. Bên cạnh đó, việc Adrift không sở hữu quá nhiều những phân cảnh gay cấn làm người xem thót tim hay những phân cảnh lâm li, bi đát đến mức phải khóc lóc, khiến tôi lầm tưởng rằng bộ phim sẽ kết thúc trong nhàm chán. Song suy nghĩ đó chỉ tồn tại trong tâm trí tôi cho đến thời khắc đạo diễn “lật-kịch-bản”, tôi vỡ lẽ ra rằng nhân vật Richard trong suốt chuyến đi chỉ là ảo ảnh Tami tự tạo ra! Đây có lẽ là tình tiết làm tôi phải ngồi phắt dậy và tập trung vào mạch phim nhiều hơn. Tôi hoàn toàn bất ngờ và có phần hụt hẫng sau khi biết được sự thật bi kịch ấy.
Phải chăng vì quá mệt mỏi và chơi vơi giữa biển khơi nên Tami cần một niềm tin và động lực để nương vào? Tôi nhớ mãi câu nói của Tami: “Nếu không chọn anh thì em sẽ chẳng còn gì để nhớ”, cô ấy không hề hối hận vì đã dám điên cuồng và hết mình cho tình yêu của đời mình! Bộ phim làm cho tôi thấy tình yêu quan trọng đến nhường nào, giúp tôi thêm trân trọng mỗi khoảnh khắc yêu và được yêu.
Báu vật làm nên chiều sâu biển cả…
Diễn xuất của Shailene Woodley và Sam Claflin đã làm cho bộ phim thêm phần sâu sắc. Ngay ở những phút đầu phim, tôi cảm thấy ngoại hình Shailene Woodley rất đỗi bình thường, nhưng càng về sau, những ánh mắt trìu mến, những nụ cười sảng khoái và những cử chỉ ngọt ngào như nụ hôn nhẹ nhàng dành cho Sam khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ. Có lẽ với tính cách nhân vật hơi mạnh mẽ, quyết đoán và bản lĩnh như Tami, thì một tạo hình rắn rỏi, khoẻ khoắn là ổn nhất.
Còn về phần Sam Claflin, lần đầu chiêm ngưỡng poster, tôi cứ nghĩ anh sẽ có nhiều đất diễn như những bộ phim trước đây, song điều đó đã không xảy ra trong bộ phim này. Ở Adrift, anh bước ra khỏi khung hình như một chàng trai xứ biển thứ thiệt, từ ánh mắt toả nắng cho đến những câu thoại mặn mà, đậm đà vị gió biển. Và Adrift lại là một bộ phim điện ảnh “ngược đãi” Sam Claflin khi buộc anh phải ra đi khá sớm, nhưng sự hy sinh của anh hoàn toàn xứng đáng vì nó đã giúp cao trào cảm xúc của không chỉ nhân vật Tami mà còn có khán giả được bột phá.
Kĩ xảo cũng góp riêng phần sức của mình trong việc tạo chiều sâu cho Adrift. Âm thanh và hình ảnh của phim tạo cảm giác chân thật đến độ, tôi như được nhìn thấy biển xanh trải rộng trước mắt và tôi tưởng như mình cũng là một thành viên trong chuyến hành trình gian nan này. Có nhiều phân cảnh thực đến mức khiến tôi cảm thấy như đang say sóng theo mạch phim. Để tăng thêm tính sống động cho bộ phim, ekip hoá trang đã rất đầu tư cho những chi tiết vết thương, mang đến trải nghiệm rùng mình cho khán giả.
Về phần âm nhạc, những khúc nhạc vang lên theo những trạng thái khác nhau của biển cả, khi thì êm đềm, du dương; khi thì cuồn cuộn, dữ dội giúp khán giả thật sự tin rằng xung quanh mình là đại dương mênh mông. Xuyên suốt 96 phút lênh đênh giữa biển cùng Tami, dòng cảm xúc trong tôi thay đổi liên tục, rất khó tả, nó cứ nghèn nghẹn và có phần hụt hẫng, tiếc nuối. Thật may là tôi không xem nó vào buổi sáng, nếu không tâm trạng một ngày sẽ tụt dốc không phanh!
Có thể nói Adrift là một bộ phim vừa phải với nội dung đủ làm bạn bất ngờ bên cạnh kĩ xảo sinh động, chân thật, mang cả biển xanh, sóng trào đến tận ghế ngồi của bạn trong rạp chiếu. Nếu bạn muốn có một nốt trầm nhẹ nhàng giữa mùa hè sôi động, náo nhiệt, đây sẽ là một lựa chọn phù hợp. Chắc chắn tôi sẽ quay lại xem thêm một lần để trải nghiệm trọn vẹn hơn toàn bộ bộ phim.
Trailer bộ phim.