Theo một cách nôm na, seeder được hiểu là những người quảng bá cho sản phẩm. Công việc chính của họ là xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua những đánh giá tích cực, qua đó giúp sản phẩm tiếp cận được đến nhiều người và có hiệu ứng truyền miệng tốt.
Trên thực tế, đây là công việc cần thiết nếu không muốn nói là cực kỳ quan trọng trong quá trình marketing. Bạn có thể bắt gặp các seeder thông qua những comment hay bài đăng mà phần lớn là dành lời nhận xét có cánh về chất lượng sản phẩm. Tất nhiên, những tác phẩm điện ảnh được đầu tư kinh phí lớn không thể đứng ngoài cuộc đua seeding. Vì suy cho cùng, trong nghệ thuật vẫn có yếu tố kinh doanh và nhà sản xuất nào cũng mong phim có lãi.
Seeding và seeder đã có lịch sử khá lâu đời trong ngành marketing nhưng mới chỉ xuất hiện rầm rộ ở lĩnh vực điện ảnh khoảng 2 năm trở lại đây. Đáng ngạc nhiên hơn, từ chỗ là một cụm từ hết sức bình thường, chúng bỗng chốc trở thành cái mác đầy tiêu cực mà khán giả xem phim sẵn sàng gán ghép cho nhau mỗi khi có ai đó đưa ra ý kiến trái chiều với mình.
Dịp nghỉ lễ vừa qua, Trạng Tí là cái tên gây ra nhiều tranh cãi nhất trên mạng xã hội. Vấn đề này âu cũng là điều dễ hiểu, bởi trước đây phim đã hứng chịu làn sóng tẩy chay khủng khiếp từ phía khán giả sau những lùm xùm về bản quyền hình ảnh và phát ngôn của ekip. Tác phẩm này bị ném đá đã đành, thế nhưng đến khán giả của Trạng Tí cũng bị công kích thì quả là điều không ai có thể lường trước và lý giải nổi.
Sau 3 ngày công chiếu đầu tiên, Trạng Tí thu về xấp xỉ 16 tỷ đồng cùng đầy đủ những lời khen chê. Có người nhận xét đây là phim fantasy (giả tưởng) tốt nhất Việt Nam, có chất lượng tiệm cận với Hollywood. Nhưng cũng có một bộ phận khán giả cho rằng Trạng Tí thực chất chỉ ở mức làng nhàng, kịch bản yếu và dễ đoán. Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng vì dù gì review cũng luôn là cảm nhận cá nhân và chúng ta cần biết cách tôn trọng ý kiến của người khác.
Thế nhưng có một sự thật đáng buồn là sự tôn trọng đó đang bị xâm phạm bởi đám đông giận dữ, những người chỉ trích ekip Trạng Tí vì lỗi lầm trong khâu truyền thông và tiện thể chỉ trích luôn những khán giả yêu thích bộ phim.
Dạo quanh một vòng các group review phim, chúng ta sẽ bắt gặp không ít những bài nhận định khách quan, khen chê công bằng dành cho Trạng Tí. Điểm chung giữa những bài đăng này là đều bị gắn mác seeder. Không căn cứ, không suy nghĩ, không tìm hiểu, họ quy chụp tất cả những ai ủng hộ Trạng Tí là seeder và hùa vào ném đá như chính cái cách họ ném đá bộ phim.
Nếu như việc nói lên suy nghĩ của mình bị ném đá chỉ vì nó đi ngược lại với nhận định của đám đông là chưa đủ tréo ngoe, vậy thì hãy thử nhìn sang những người chê phim bằng lời lẽ vùi dập không thương tiếc. Những suy nghĩ cay nghiệt của họ về bộ phim nhận được rất nhiều lời hưởng ứng, tán dương từ phía cộng đồng mạng.
Từ đây mới thấy một nghịch lý hề hước của điện ảnh Việt Nam. Cứ hễ ai khen phim thì bị quy chụp là seeder, nhận tiền quảng cáo, nhận xét không có tâm Trong khi đó nếu bạn chê phim thì sẽ được tung hô làm sứ giả của sự thật.
Điều này có lẽ bắt nguồn từ tâm lý hoài nghi của phần đông khán giả vào chất lượng phim, đặc biệt là phim Việt. Quả thực chúng ta đã “ăn” quá nhiều cú lừa từ những tác phẩm thảm họa nhưng vẫn được tung hô lên tận trời mây bởi bộ phận seeder. Thế nhưng sẽ thật kém văn minh nếu bạn mù quáng hùa theo đám đông để quy chụp, gắn mác seeder, coi thường cảm nhận của các khán giả khác.
Chê phim không có gì là sai, nhưng nó sẽ sai nếu như bạn chê một cách thiếu căn cứ hay để sự thù ghét che mờ mắt. Hãy chê phim, đừng chửi phim. Hành động như vậy sẽ tạo nên tâm lý sợ hãi cho các nhà làm phim, ngăn cản họ trên con đường sáng tạo nghệ thuật vì sợ hứng chịu búa rìu dư luận.