5 năm lên ý tưởng, 1 năm casting, 2 năm nghiên cứu, 1 năm hậu kỳ, 3000 diễn viên quần chúng, 30 bản Trịnh ca được làm mới, 78 bối cảnh, 700 bộ phục trang cho các nhân vật trải dài suốt 3 thập niên… những con số ấn tượng này đã phần nào nói lên quá trình đầu tư đồ sộ cũng như quy mô của Trịnh Công Sơn lẫn Em và Trịnh.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng của khán giả dành cho tác phẩm nói về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có quá nhiều điều sâu nặng khiến dự án ngay từ khi ra mắt đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trên diễn đàn bàn luận phim, một số khán giả nhận định như sau: “Bộ phim này có quá nhiều chi tiết hư cấu, đến chính danh ca Khánh Ly còn không xem thì nói gì là khán giả”, “Nếu sợ, không dám làm phim về Trịnh Công Sơn, thế hệ sau này sẽ không biết Việt Nam đã từng có 1 nhạc sĩ tài năng, chỉ vì làm là bị chê không giống, bị nói lăng mạ. Mà chính ra gia đình nhạc sĩ cũng có ý kiến khen chê bộ phim trên cơ sở xây dựng rất rõ ràng, nhưng trên cơ sở góp ý và cảm kích vì đã góp phần cho xây dựng lại hình ảnh của cố nhạc sĩ, và cũng cho thế hệ đời sau biết rằng chúng ta đã từng có một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tài danh”, “Sự ngây thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là cái chất ngây thơ thuộc về thiên tính và trí tuệ. Học sao cho được, diễn sao cho ra cái khí chất ấy thì thực sự khó lắm, chẳng dễ chút nào. Em và Trịnh chưa phải là hoàn hảo nhưng cũng không thể phủ nhận công sức của cả ê-kíp”.
“Đừng mang tâm lý xem Em và Trịnh như xem phim Hàn Quốc là chỉ yêu 1 người từ đầu tới cuối phim thì mới gọi là đỉnh là hay. Tôi trân trọng bộ phim này và mình thấy rất đáng xem”, “Yếu tố nhạc phim khá hay khi làm mới những ca khúc đã đi vào năm tháng, nhưng cách triển khai, xây dựng hình tượng từ đời thực bước lên màn ảnh quả thật có nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm”, “Hình tượng của Trịnh Công Sơn đang khiến khán giả nghĩ ngay đến một nhân vật trap boy đời đầu, nhưng sự thật đó là cái tài hoa xuất phát từ chính con người lẫn các tác phẩm của ông”.
Có quá nhiều điều đáng phải suy ngẫm xoay quanh những lời bình luận của khán giả. Khen có, chê có, nhưng chung quy, người ta cho rằng cái lãng mạn về hình ảnh chàng Trịnh trong Em và Trịnh vẫn chưa đủ tầm để khắc họa cuộc đời tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn. Dĩ nhiên một tác phẩm nghệ thuật khi tái hiện cuộc đời của một nhân vật có thật bằng phim ảnh, ít nhiều sẽ gây ra tranh cãi. Có thể nó đến từ khâu thương mại, nội dung dễ gây hiểu lầm, hoặc có thể thông điệp phim chưa đủ sức nặng để làm thỏa mãn người xem.
Nhà sản xuất có tâm với Trịnh Công Sơn nhưng chưa đủ tầm?
Vốn dĩ, sự hoài nghi: “Có hay không nước đi sai lầm về mặt thương mại” đã được dấy lên ngay từ đầu, lúc nhà sản xuất công bố dự án trên bao gồm hai phiên bản. Em và Trịnh khắc họa cuộc đời Trịnh Công Sơn với những đắm say đời thường, trong khi Trịnh Công Sơn lại mang hơi hướng phim thần tượng. Tuy nhiên, đến khi bản phim Trịnh Công Sơn “được” rút khỏi rạp từ ngày 17/6, chỉ giữ lại Em và Trịnh, người ta mới cho rằng phim đã thất bại về khâu thương mại.
Rõ ràng hai phiên bản này đều dựa trên những câu chuyện, nhân vật có thật đó là cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng có những tình tiết giả định, hư cấu để đảm bảo người xem ở mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tiếp thu, thẩm thấu.
Tuy nhiên nhiều khán giả sau khi thưởng thức 2 phiên bản đều cho rằng nội dung của hai bộ phim không khác nhau là mấy. Họ đặt dấu hỏi rằng bản Em và Trịnh gần như bao hàm cả Trịnh Công Sơn nên cần gì phải chia làm hai phiên bản?
“Tôi đã xem cả hai bản rồi, nó không khác nhau là mấy, nên rút là đúng. Biết đâu nó đã nằm trong kịch bản của nhà sản xuất không chừng”, “Ê-kíp chắc cũng đã lường trước được điều này rồi, chỉ có điều nó khiến cho khán giả khó chịu mà thôi”, “Chiếu hai phim bộ phim hao hao nhau, cùng ê-kíp vào cùng một đợt, người thông minh ai làm thế bao giờ”.
“Phim Trịnh Công Sơn là bản sao của Em và Trịnh nhưng được lồng thêm lời tự sự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên dễ gây ức chế”, “Tôi thấy được cái tâm của nhà sản xuất khi muốn mang hình ảnh tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn đến nhiều khán giả ngày nay, tuy nhiên cách làm của họ thật sự chưa đủ đẳng cấp nên đã biến phim trở thành chủ đề tranh cãi”. - Đây là những lời bình luận của khán giả vào thời điểm nhà sản xuất công bố phiên bản Trịnh Công Sơn rút khỏi rạp.
Đại diện một đơn vị phát hành phim cho rằng nguyên nhân bản Trịnh rút khỏi rạp là vì doanh thu chỉ bằng 1/10 so với Em và Trịnh. Tuy nhiên, theo như nhiều khán giả, cái “tầm” đội ngũ làm phim mới là nguyên nhân dẫn đến thất bại thương mại trên và điều này xuất phát từ yếu tố chủ quan.
Nhiều khán giả đều cho rằng họ nhìn thấy cái tâm của nhà sản xuất khi đầu tư rất nhiều về hình ảnh Trịnh Công Sơn nhưng chỉ nên làm một phiên bản duy nhất, dài cũng được, nhưng nó phải sâu sắc. Bởi đã cất công chi tận 50 tỷ để làm thì nhà sản xuất nên có một sự tính toán kỹ lưỡng chứ không thể đem con bỏ chợ, gây nên nhiều tiếc nuối trong lòng người xem.
Khán giả đang hiểu lầm hình tượng chàng Trịnh trong phim
Mục đích làm phim ngay từ lúc công bố dễ khiến người ta cảm thấy hào hứng, khi hứa hẹn sẽ mang đến câu chuyện về lý tưởng - âm nhạc - tình yêu của người nghệ sĩ tài hoa. Tuy nhiên đã có một sự hiểu lầm khi phim được truyền tải đến khán giả.
Còn nhớ trong buổi Gặp gỡ đoàn làm phim cách đó không lâu, phía nhà sản xuất đã giới thiệu rằng họ dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời Trịnh Công Sơn, với những thời đại lịch sử, đời sống, văn hóa… Tuy nhiên khi theo dõi 130 phút của Em và Trịnh, khán giả chỉ thấy phim khai thác về tình yêu đôi lứa, còn về tư tưởng yêu nước - sự nghiệp âm nhạc - tình bạn của Trịnh Công Sơn lại chỉ là sự... nhỏ giọt.
“Theo như tôi biết thì Em và Trịnh đã cắt đi vài đoạn, khiến người xem nghĩ rằng ông Trịnh khi tiếp xúc với các nàng thơ trở thành một kẻ đào hoa thứ thiệt”, “Nếu xem theo kiểu cảm thụ hơi hướng nhạc xưa và nỗi niềm của một người nghệ sĩ sẽ cảm thấy Em và Trịnh hay. Phim có nhiều góc quay đẹp, nhạc cổ hoài niệm nghe bắt tai lắm, nhiều phân cảnh có lồng xíu lịch sử chiến tranh thấy khá cuốn. Thay vì nghĩ bác Trịnh là một trap boy đời đầu, tôi hãy nghĩ tâm hồn của người nghệ sĩ luôn lãng mạn, bay bổng nên họ dễ dàng rung động trước những mỹ lệ nhân gian để viết nên khúc tình ca nồng nàn cháy bỏng cho nàng thơ của mình, tháo bỏ định kiến sẽ thấy phim hay”,
“Một cách công tâm thì hình ảnh Trịnh Công Sơn đang chưa làm thỏa mãn được tôi”, “Không gì là hoàn hảo, Em và Trịnh cũng vậy, chắc chắn sẽ có những hạt sạn. Nhưng hạt sạn đó có thể được lấp đầy sau này”, “Với 1 vũ trụ phim hài nhảm, không có nội dung thì Em và Trịnh rõ ràng là một điểm sáng, chỉ là nhiều khán giả chỉ biết Trịnh Công Sơn qua sách báo nên đặt sự kỳ vọng cao về hình tượng của ông” - Khán giả đưa ra những nhận định về hình tượng Trịnh Công Sơn trong phim.
Nói theo ý kiến của khán giả thì nhân vật chàng Trịnh trong Em và Trịnh đang bị rất nhiều người hiểu lầm là một kẻ đào hoa, nói lời ong bướm. Tuy nhiên ít ai nghĩ đến tâm hồn nghệ sĩ cũng phần nào là tác nhân khiến cho ông được lòng rất nhiều nữ giới.
Chỉ đáng tiếc là cách triển khai của đạo diễn, biên kịch Em và Trịnh chưa đầy, chưa làm rõ về cuộc đời Trịnh Công Sơn không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn là những lý tưởng về lòng yêu nước - nhân sinh - những triết lý mang tầm vóc lớn lao được ví như bậc vĩ nhân, mà cả đời ông theo đuổi, khiến nhiều khán giả khi xem phim, nhất là những người trẻ, chưa từng tìm hiểu về Trịnh Công Sơn từ trước, hầu như chỉ nhìn thấy một tấm chân dung “đào hoa” chứ không phải “hào hoa nhạy cảm” của chàng Trịnh.
Những tác phẩm của Trịnh Công Sơn nổi tiếng nhất, được mọi người biết đến nhiều nhất hiện nay đó là nhạc tình. Tuy nhiên, hai khía cạnh âm nhạc quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến thời cuộc của Trịnh Công Sơn chính là lòng yêu hòa bình và các triết lý nhân sinh.
Những tác phẩm về tình yêu chỉ là một mảng nhỏ trong gia tài âm nhạc lớn, đầy trăn trở của Trịnh Công Sơn. Nếu chỉ có tình ca thôi, Trịnh Công Sơn đâu thể trở thành một tượng đài âm nhạc sừng sững như thế.
Các tác phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn được công chúng chú ý từ giữa những năm 1960. Trước đó, có nhiều tác phẩm mang thông điệp yêu hòa bình được rất nhiều người yêu thích.
Trên các diễn đàn, người ta sau khi xem Em và Trịnh đều đánh giá cao phần nhạc của phim, khi làm mới rất nhiều các tác phẩm đã theo đi từng năm tháng. Tuy nhiên nhiêu đó là chưa đủ, bởi kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn rất nhiều và có chiều sâu.
Đúng là nhà sản xuất không thể biến Em và Trịnh trở thành một bộ phim ca nhạc. Tuy nhiên điều mà khán giả cần nhất chính là những ca khúc trong phim phải xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm, như thế sẽ làm thỏa mãn hơn cho người xem cả về phần hình lẫn phần nghe.
Không chỉ giành được sự yêu mến của nhiều thế hệ khán giả Việt, con người và âm nhạc Trịnh Công Sơn còn vượt ra biên giới, chiếm trọn trái tim bạn bè quốc tế. Em và Trịnh có khai thác nhưng chưa đủ.
Lấy một ví dụ cụ thể trong phim, đó là nàng thơ Michiko - người đóng vai trò khơi gợi câu chuyện về cuộc đời người nhạc sĩ trong Em và Trịnh, là một ví dụ điển hình về sự ảnh hưởng đến giới yêu nhạc quốc tế của Trịnh Công Sơn.
Cô đến với cuộc đời chàng Trịnh khi ông đã ở tuổi tứ tuần, đã có vị trí nhất định trong giới, đủ tầm vóc để mở các buổi ký tặng, triển lãm.
Việc Michiko tìm đến và chọn Trịnh Công Sơn để làm luận án nghiên cứu đã cho thấy sự rung cảm và tâm hồn đồng điệu của cô, đối với một thứ âm nhạc không chỉ nằm trong phạm vi của đất nước hình chữ S mà đã lan rộng ra cả quốc tế.
Michiko bước vào cuộc đời Trịnh Công Sơn nhờ sự đồng điệu trong cảm quan âm nhạc trước tiên, kế đó mới đến sự rung động trong tình cảm đôi lứa. Tuy nhiên vấn đề này chưa được đào sâu.
Nhiều khán giả bình luận rằng: “Michiko xuất hiện đem lại rất nhiều hoài niệm cho Trịnh Công Sơn nhưng người ta lại không quên mất Michiko cũng cảm được phần đời của Trịnh”, “Nếu Michiko được khai thác sâu thêm một xíu sẽ giúp Em và Trịnh có góc nhìn sâu hơn vì ít nhất nhân vật này là tác nhân khiến ông Trịnh nhớ về những hoài ức cũ”, “130 phút thì không thể đòi hỏi được nhiều cho phim thật”.
Đúng như những gì mà khán giả nói về Michiko trong Em và Trịnh, vai trò của cô trong phim có được khai thác, nhưng chỉ chủ yếu xoay quanh chuyện tình yêu giữa cô với chàng Trịnh.
Khán giả nhận được gì từ Em và Trịnh
Tất nhiên sản xuất một bộ phim ra rạp phải mang tính giải trí. Với Em và Trịnh, nhà sản xuất đã làm được điều này khi “cân” được yếu tố giải trí. Tuy nhiên cái thiếu ở đây chính là thông điệp của bộ phim này mang đến cho khán giả là gì vẫn còn là một dấu hỏi lớn mà nhiều người thắc mắc.
Khoan nói về những phát ngôn của danh ca Khánh Ly, cái mà khán giả cần là hình ảnh của Trịnh Công Sơn khi bước lên màn ảnh phải thật nhất, đời nhất nhưng nhà sản xuất lại chưa nhất quán về phát ngôn, lúc thì chia sẻ đây là bộ phim khai thác đúng về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi lại nói nó là tác phẩm hư cấu, khiến nhiều người nghĩ đến việc nhà sản xuất đang cố tìm "kim bài" đối phó.
Dĩ nhiên phim có tranh cãi, có bàn luận thì mới gây được nhiều sự chú ý, khiến nhiều người tò mò và ra rạp. Thế nhiên nếu áp vào những dòng phim mang tính tự sự, đề cao về một huyền thoại được nhiều người yêu quý thì rất dễ trở thành con dao 2 lưỡi.
Em và Trịnh có đầy đủ yếu tố để trở thành tác phẩm vượt ra khỏi phạm vi Việt Nam khi có cảm gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hậu thuẫn.
Tuy nhiên cái khó là nhà sản xuất khai thác chưa sâu, chưa đầy sự yêu quý của khán giả dành cho tượng đài âm nhạc này quá lớn khiến mọi thứ trở nên bị rối. Đây cũng là lý do mà chính danh ca Khánh Ly cho rằng bản thân bà không đi xem Em và Trịnh, trong khi đây là bộ phim có nói về con người của chính bà.
Thậm chí theo lời kể của Bùi Lan Hương, danh ca Khánh Ly đã nhận được nhiều email, cuộc gọi của ê-kíp Em và Trịnh về nhân vật trong phim.
Thế nên cũng vì điều này mà nhiều người đặt nghi vấn vì sao danh ca Khánh Ly không xem Em và Trịnh, trong khi trước đó, bà đã hỗ trợ cho Bùi Lan Hương để hóa thân vào chính mình trong phim. Và phải chăng nữ danh ca cảm thấy có chút chạnh lòng khi bản thân được đặt chung với những mối tình của chàng Trịnh, nhưng những đóng góp về âm nhạc của bà lại không được nhắc nhiều hay có quá nhiều tình tiết hư cấu khiến bà không "cảm" được?
Chia sẻ về Em và Trịnh, danh ca Khánh Ly chỉ nói đơn giản bản thân bà đã có một Trịnh Công Sơn ngoài đời nên cần gì phải xem phim. Bà cũng rất trân trọng thành ý của ê-kíp đã làm nên một tác phẩm để tri ân Trịnh Công Sơn. Với bà, chàng Trịnh chỉ là một người bình thường, không phải vĩ nhân hay hiện tượng nghìn năm có một, nhưng ông đặc biệt ở chỗ gìn giữ tình cảm nơi trái tim mình để lan tỏa đến mọi người.
Có thể nói, Em và Trịnh là một tác phẩm tốt nhưng chưa phải là xuất sắc.. Biết đâu được, trong tương lai sẽ có những tác phẩm làm tốt hơn, truyền tải thông điệp sâu sắc hơn về cuộc đời Trịnh Công Sơn, giống như danh ca Khánh Ly đã nói, biết đâu sau Em và Trịnh sẽ có phiên bản khác - Trịnh và Em nào đó thì sao?