Phim Ảnh

'Em là bà nội của anh': Không có chỗ cho sự sáng tạo

Chia sẻ

Khán giả sẽ đặt câu hỏi: Tại sao họ phải bỏ tiền ra rạp xem một phiên bản copy y chang bộ phim gốc vốn đã rất thành công của Hàn Quốc?

Miss Granny là thương hiệu điện ảnh mang tính toàn cầu của CJ Entertainment. Hãng đặt làm nhiều phiên bản khác nhau để phù hợp với khán giả nội địa của từng thị trường. Hiện tại, cả hai bản Hàn và Trung đều vô cùng thành công, gây được tiếng vang tại châu Á, mở đường cho hãng tiếp tục làm các phiên bản Nhật, Thái, Indonesia, Ấn Độ và Đức.

miss-granny-2014_95821396866414

Ở Việt Nam, Miss Granny được đổi tên thành Em là bà nội của anh, do ca sĩ - diễn viên Miu Lê đảm nhiệm vai chính. Phim do CJ Entertainment và HK Film hợp tác sản xuất còn ghế chỉ đạo được giao lại cho Phan Gia Nhật Linh. Anh đã cùng với hai người bạn cùng tốt nghiệp khoa Điện ảnh trường Đại học Nam California (Mỹ) là Nguyễn Thái Hà và Vũ Quỳnh Hà tiến hành Việt hóa kịch bản gốc, với mong muốn mang lại cảm giác gần gũi nhất cho khán giả nước nhà.

Em là bà nội của anh kể về cuộc phiêu lưu ngược dòng thời gian đầy nhiệm màu của Thanh Nga khi được trở về với hình hài của cô gái 20 tuổi (Miu Lê) để sống lại với những ước mơ và đam mê một thời tuổi trẻ mà cô chưa thực hiện được.

Sự xuất hiện của Thanh Nga - cô gái xinh đẹp, kỳ lạ có giọng hát làm rung động lòng người và có hành tung vô cùng bí hiểm - gây xáo trộn mạnh mẽ cho cuộc sống vốn dĩ bình yên của cậu ca sĩ nhạc rock nổi loạn Trí Tùng (Ngô Kiến Huy), nhà sản xuất âm nhạc Mạnh Đức (Hứa Vĩ Văn) và ông già 70 tuổi vui tính (NSƯT Thanh Nam). Cả ba người cùng quyết tâm theo đuổi cô gái vừa đáng yêu mà cũng vừa “kỳ quái” đầy sức hút này.

vxhkXqXJeo

Có sẵn nền tảng là kịch bản và bản phim khá thu hút của Hàn, công việc ekip sản xuất “dễ thở” hơn rất nhiều. Nhưng không biết do yêu cầu hợp đồng từ phía Hàn Quốc hay sự “e dè” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mà dấu ấn cá nhân của anh trong tác phẩm này khá mờ nhạt. Đối với các khán giả từng thưởng thức qua bản gốc, có thể nói Em là bà nội của anh giống hệt đến từng… khuôn hình. Mặc dù đã có cố gắng Việt hóa thông qua những chi tiết như gian nhà ngói, lũy tre làng, áo dài… nhưng tổng thể, phim vẫn còn bị gượng và khán giả thì hoang mang: đây là Việt Nam thời kỳ nào? Thật khó hiểu khi bà Đại được xây dựng như một phụ nữ nghèo miền Bắc, với bối cảnh đậm chất Bắc Bộ nhưng sau khi trở lại thành cô gái trẻ, cách ăn mặc của bà lại y hệt một quý cô miền Nam trước 1975?

em-la-ba-noi-cua-anh-miu-le-720x360

Những bộ váy vintage đẹp, cầu kỳ nhưng không hợp thời điểm trong phim.

Có thể thấy, style ăn mặc của “bà” Đại y hệt nhân vật Oh Doo-ri trong phiên bản Hàn Quốc. Ngay cả chiếc ô màu tím là đặc trưng của nhân vật cũng được “bê nguyên xi” vào, mặc dù dễ nhận thấy rằng, chiếc ô của Việt Nam có màu sắc quê mùa và nhăn nhúm chứ không sang trọng như của Hàn.

1

Không nhất thiết phải “nhái” lại y chang từng chi tiết nhỏ như bản Hàn.

Nếu so sánh thì bản Trung đã mạnh dạn cải biên nhiều chi tiết hơn, dù tổng thể vẫn giữ nguyên. Ví dụ, trang phục của nhân vật hầu hết là xường xám, còn chiếc ô tím được biến thành chiếc ô nhiều màu xinh xắn, phù hợp với những trang phục đơn sắc và trẻ trung của nhân vật.

Untitled

20onceagain01

Giữ đúng tinh thần của bản gốc nhưng vẫn có sự chỉnh sửa hợp lý để phù hợp với khán giả Trung Hoa

Cùng sở hữu vẻ đẹp cổ điển và tròn trịa, Miu Lê đã hoàn thành nhiệm vụ ở mức chấp nhận được chứ không thể có cái duyên như người đồng nghiệp Shim Eun Kyung. Sự “làm lố” của cô thể hiện rõ trong cách nói nhái giọng miền Bắc khô cứng, hay với dáng đi lòng khòng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện xuyên suốt chiều dài phim. 

maxresdefault (1)

Ngoài ra, những câu thoại hay hành động của nhân vật bên Hàn có phần không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ví dụ như khi bà Đại - lúc này là cô gái trẻ Thanh Nga - ăn chung với gia đình Trí Tùng và liên tục có những lời nói, hành động hỗn hào. Mặc dù vẫn mang trong mình tâm hồn của một người già nhưng Thanh Nga vẫn khiến khán giả khá khó chịu trước cách cư xử của cô.

Ngoài Miu Lê, các diễn viên khác cũng có màn trình diễn vừa phải do thời lượng xuất hiện hạn chế và kiểu nhân vật không có gì đột phá. Ngô Kiến Huy vẫn đóng khung trong những vai hài giản đơn còn Hari Won tiếp tục vai trò “bình hoa di động” trong phim. 

IMG_01021-e1444209156722

hua-vi-van-em-la-ba-noi-1447042073

Điểm đáng khen của phim nằm ở phần âm nhạc với nhiều thể loại đan xen: nhạc Trịnh Công Sơn, rock, pop hay thậm chí là vài trích đoạn cải lương, vọng cổ.

IMG_8117

Xét một cách tổng thể, Em là bà nội của anh có chất lượng khá ổn bởi dàn diễn viên hợp vai, nhạc hay, cảnh quay đẹp, vừa có hài vừa có ý nghĩa nhân văn, đặc biệt đề cao tình cảm gia đình và có thể lấy được nước mắt khán giả ở một số phân đoạn. Tuy nhiên, phim lại đi theo con đường quá an toàn khi gần như làm lại y chang bản Hàn, không dám mạnh dạn thay đổi để phù hợp hơn với bối cảnh trong nước như bản Trung đã làm. 

Doanphim

Tình cảm gia đình là điểm sáng của phim

Nếu là một khán giả chưa từng xem qua bản Hàn hay bản Trung, Em là bà nội của anh có thể vẫn lấy được nước mắt và nụ cười của bạn. Còn nếu đang trông chờ một sự sáng tạo hơn so với những gì mình đã từng được thưởng thức thì có lẽ bạn sẽ hơi thất vọng. Phim dự kiến công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 11/12.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất