Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Em gái mưa' và phim Nhật 'Thầy ơi, em yêu anh' có thực sự giống nhau?

Từ khi công bố dự án, phim điện ảnh "Em gái mưa" của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh đã vướng phải nghi vấn "mượn" ý tưởng từ "Sensei" của Nhật. Song trên thực tế, ngoài việc dùng chung một chất liệu thì mọi thứ giữa hai phim đều rất khác biệt.

Táo bạo ngay từ poster phim

Sensei/My teacher (tên tiếng Việt: Thầy ơi, em yêu anh!) là phim điện ảnh được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của Nhật Bản. Chuyện phim xoay quanh mối tình thầy trò giữa cô học sinh trung học Hibiki Shimada (Suzu Hirose) và Ito (Toma Ikuta) - giáo viên bộ môn Lịch sử thế giới. Thầy Ito vốn là mẫu người ngoài lạnh trong nóng, ít nói nhưng nồng nhiệt và ấm áp; còn Hibiki lại hiền lành, nhút nhát nhưng dịu dàng, trong sáng đến đáng yêu. Có lẽ, điều can đảm nhất Hibiki từng làm trong đời chính là yêu thầy Ito.

Khoảnh khắc ngọt ngào của thầy trò Ito

Đi theo motif quen thuộc, Sensei khắc họa bức tranh tình yêu, tình bạn tuổi học trò với gam màu ấm nóng, mang đến cảm giác yên bình cho khán giả. Nhìn chung, cả Em gái mưaSensei có cốt truyện tương tự nhau, song hướng phát triển của câu chuyện lại hoàn toàn khác nhau.

Ngay từ poster phim, khán giả có thể đoán được đây không chỉ là chuyện của hai người

Những năm trở lại đây, dường như tình thầy trò đã không còn là đề tài quá xa lạ đối với điện ảnh thế giới nói chung. Song cách thể hiện nó trên màn ảnh ở từng quốc gia tồn tại rất nhiều sai khác. Vẫn là câu chuyện học sinh yêu thầy giáo, vẫn được xây dựng trên những lề lối và chuẩn mực xã hội, song Sensei lại thể hiện trực tiếp và có phần táo bạo, phá cách hơn rất nhiều. Trong khi đó, ở Em gái mưa tình cảm của thầy Minh Vũ (Mai Tài Phến) và Hà Vy (Lê Thùy Linh) được khắc họa với tất cả sự ý nhị, kín đáo và tinh tế.

Thái độ của thầy Minh Vũ trong những tình huống căng thẳng thường chỉ là im lặng hoặc xin lỗi

Thái độ không rõ ràng của thầy Minh Vũ

Thầy Minh Vũ ngay cả một tiếng yêu cũng chưa bật thành lời trong suốt 90 phút của phim, vậy mà thầy Ito lại chẳng thể đè nén được tình cảm, ôm hôn cô học trò Hibiki trong vô thức. Ở phân cảnh gần cuối phim, Ito còn có một câu thoại đắt giá mà ai đã xem phim hẳn đều nhớ rõ: “Tôi đã yêu Shimada Hibiki mất rồi”.Chưa dừng lại ở đó, khi tình cảm ngang trái bị phát hiện, phản ứng của hai người thầy là hoàn toàn khác nhau.

Cảnh phim gây bất ngờ cho khán giả khi thầy Ito ôm hôn Hibiki

Ito thừa nhận mình đã quên mất cương vị người thầy vì vẻ đẹp trong sáng này

Nếu thầy Minh Vũ chỉ biết xin lỗi rồi giữ im lặng trước những lời khiển trách, thì thầy Ito lại đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Trước hội đồng kỉ luật của trường, thầy Ito đã dõng dạc thừa nhận không thể ngừng quan tâm đến Hibiki được. Cho đến khi nhận ra tình cảm thật sự của mình, đó cũng là lúc thầy phát hiện bấy lâu mình đã quên mất cương vị làm thầy của bản thân trước một cô bé trong sáng như Hibiki. Đây hoàn toàn là thứ tình cảm rất tự nhiên, rất-con-người, rất trong sáng giữa họ.

Thái độ lo lắng và tức giận của mẹ Hà Vy

Trong hoàn cảnh của cô Kim Châu, phản ứng này là hoàn toàn dễ hiểu

Điều phải kể đến tiếp theo chính là thái độ của các bậc phụ huynh. Ở Em gái mưa, khi mọi chuyện còn chưa thật rõ ràng thì cô Kim Châu (Việt Hương) - mẹ của Hà Vy đã phản ứng vô cùng gay gắt trước việc con gái mình tự ý đến nhà thầy Minh Vũ chơi. Trái lại, thái độ của mẹ Hibiki lại có phần ôn hòa đến mức hơi phi lý. Hình ảnh con gái và thầy giáo hôn nhau được lan truyền trên mạng, nhưng bà chỉ nói với con: “Bố mẹ không có ý định phạt con đâu. Bố mẹ chỉ muốn con có quãng thời gian trung học thật vui vẻ”. Sự khác biệt này một phần xuất phát từ quan niệm giáo dục con cái, bối cảnh xã hội và hoàn cảnh của từng gia đình.

Hình ảnh kết thúc phim của “Sensei”

Phải đến tận 10 năm sau, thầy Minh Vũ mới gặp lại Hà Vy. Nhưng kết thúc mở khiến khán giả không khỏi hụt hẫng.

Cuối cùng, sự sai khác rõ ràng nhất thể hiện ở cái kết của hai bộ phim. Đều là “happy ending”, song kết cuộc của Em gái mưa là kiểu “hạnh phúc tắc đường nên đến muộn”; còn kết thúc viên mãn của Sensei lại đến từ sự kiên nhẫn và tình yêu bền bỉ hai nhân vật dành cho nhau. 10 năm đằng đẵng xa cách, thầy Minh Vũ mới gặp lại Hà Vy trong tâm thế những người trưởng thành; nhưng chỉ sau khi tốt nghiệp, Hibiki đã có thể tự tin gọi Ito bằng “anh” và quang minh chính đại trao nhau một nụ hôn viên mãn.

Ekip thật sự rất biết cách “chiều chuộng” cảm xúc khán giả

Nếu đã xem cả hai bộ phim, tôi biết bạn cảm thấy thế nào. Trên thực tế, Sensei có nhiều điểm thu hút khán giả hơn bởi cách làm phim phóng khoáng và “chiều chuộng” cảm xúc khán giả của ekip xứ Phù Tang. Thêm vào đó, khi chọn cách thể hiện tình yêu giữa thầy giáo và học sinh một cách công khai, trực tiếp Sensei dễ dàng chạm đến trái tim khán giả, tạo được sự rung cảm và đẩy cảm xúc người xem lên rất cao.

Cảnh phim thân mật hiếm hoi của hai nhân vật trong phim. Song cũng chỉ là… trí tưởng tượng của nữ chính

Tuy nhiên, trước khi so sánh hai phim với nhau, chúng ta hãy nhìn vào bối cảnh xã hội của từng quốc gia. Đặt giả thuyết nếu Em gái mưa làm “tới” như Sensei, thì truyền thông nước nhà sẽ được một phen “dậy sóng”. Có người cho rằng đó thật sự là bước tiến mới của điện ảnh Việt khi táo bạo “phá vỡ” những quy củ và khuôn mẫu, tạo nên một bộ phim giàu cảm xúc. Nhưng ở phía bên kia của dư luận, sẽ xuất hiện tràn lan những cụm từ: “sai lệch chuẩn mực”, “phá hoại thuần phong mỹ tục”, “suy đồi đạo đức giáo dục”,… Đó là kết quả có thể dự đoán trước.

Chuyện tình gây nhiều tranh cãi giữa hai nhân vật

Điển hình, trong phim điện ảnh Cô gái đến từ hôm qua - tác phẩm được chuyển thể từ trang sách Nguyễn Nhật Ánh, chuyện tình cảm giữa Chiêu Minh (Hạ Anh) và thầy Lực (Tùng Min) cũng nhận không ít “gạch đá”. Bởi lẽ, Phan Gia Nhật Linh đã xây dựng câu chuyện giữa hai người một cách phóng khoáng và “ngược dòng” lối ứng xử thông thường. Đây cũng là tình tiết được sáng tạo thêm, hoàn toàn không có trong nguyên tác. Vậy nếu là đạo diễn hoặc nhà đầu tư, bạn sẽ chọn phát triển một dự án nhẹ nhàng, an toàn hay một bộ phim với những rủi ro đến từ ồn ào dư luận đã được dự báo trước?

Sẽ thế nào nếu “Em gái mưa” được dàn dựng “bạo” như “Sensei”?

Ở bất kì lĩnh vực nào cũng vậy, việc đối chiếu và so sánh có thể trở thành động lực để thúc đẩy con người ta hoàn thiện chính mình và cả sản phẩm họ làm ra. Nhưng suy cho cùng, chúng ta không thể đặt ra những tiêu chí đối sánh khi những điểm khác biệt đã được phô bày quá rõ ràng. Hơn nữa, nghệ thuật bị chi phối rất nhiều bởi bối cảnh xã hội, cũng như nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Việc hội nhập văn hóa chỉ có thể khiến tư tưởng, lối sống và suy nghĩ của bộ phận nào đó trở nên phóng khoáng hơn, chứ không hoàn toàn trở thành chuẩn mực chung của toàn xã hội. Vì vậy, trước khi “ngưỡng mộ” Sensei, chúng ta hãy tự hỏi, nếu Em gái mưaSensei phiên bản Việt, thì có bao nhiêu phần trăm khán giả chấp nhận, yêu thích và ủng hộ phim?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Jin Yin

Được quan tâm

Tin mới nhất