Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đừng bị cuốn theo 'jump-scare' mà bỏ qua cả biển sạn trong ‘The Nun - Ác quỷ ma sơ’

Dù mở màn với doanh thu khổng lồ trên toàn thế giới, nhưng phim kinh dị "The Nun - Ác quỷ ma sơ" đang bị giới phê bình chê tơi bời vì quá nhiều sạn nội dung.

The Nun (tên Việt: Ác Quỷ Ma Sơ) là bộ phim kinh dị mới ra mắt của loạt phim nổi tiếng The Conjuring. Lấy bối cảnh thập niên 1950, bộ phim xoay quanh sự hoành hành của Valak - ác quỷ trong trang phục nữ tu - tại một tu viện cổ kính. Một linh mục (Demian Bichir) và một nữ tu tập sự trẻ tuổi (Taissa Farmiga) được tòa thánh cử tới để tìm cách đánh bại Valak, trước khi nó thoát ra và gây hại cho những người dân bên ngoài tu viện.

Vào năm 2016, xơ Valak đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người hâm mộ, dù chỉ xuất hiện trong đoạn cuối ngắn ngủi của The Conjuring 2. Sang tới The Nun, ác quỷ này đã có cả một bộ phim hai tiếng để thỏa sức tung hoành, dọa khán giả sợ đứng tim. Chưa hết, bối cảnh tu viện cổ với những căn phòng, hành lang heo hút, tranh tối tranh sáng đậm phong cách gothic càng khiến người xem cảm thấy rùng rợn. Bởi thế nên sau khi xem bộ phim, nhiều khán giả đã nhận định đây là bom tấn kinh dị khiến họ phải khóc thét nhiều nhất của loạt phim The Conjuring.

Tuy nhiên dọa khán giả sợ chưa hẳn đã làm nên một bộ phim hay. Trên các chuyên trang phê bình, The Nun bị đánh giá là có diễn xuất tốt, âm hưởng rùng rợn và bối cảnh thuyết phục, tuy nhiên quá lạm dụng Jump-scare (tức những cảnh phim hù dọa bất ngờ khiến khán giả “nhảy dựng”), cùng nội dung vô lý và tình tiết thiếu nhất quán. Điểm số mà các trang web phê bình này dành cho The Nun cũng vô cùng khiêm tốn, từ 27% (Rotten Tomatoes) tới 46/100 (Metacritics) C (CinemaScore). Đây là những điểm số thấp nhất trong số các bộ phim thuộc series The Conjuring từ trước tới nay.

Nhiều nhà phê bình đã chỉ ra những cảnh phim “sạn” rõ ràng trong The Nun. Ví dụ như trong đêm đầu tiên nghỉ chân tại tu viện, cha Burke đã bắt gặp bóng dáng cậu bé từng bị ông ngộ sát trong quá khứ (khi trừ tà cho cậu). Lập tức, ông không nghĩ ngợi gì mà đuổi theo bóng dáng ấy tới tận… nghĩa trang giữa buổi đêm tối như mực. Tại đây, Valak bằng cách nào đó kéo ông vào một chiếc quan tài mở sẵn, trong một mộ huyệt đào sẵn, đóng nắp lại, lấp đất lên chỉ trong một cái nháy mắt. Chưa hết, con quỷ còn khuyến mãi cho cha Burke một tấm bia mộ ghi đầy đủ tên tuổi ông bằng tiếng Anh thẳng đẹp, cùng một cái chuông rất chỉn chu để nếu cha Burke chán nằm dưới đất quá, ông có thể rung lên và nhờ người tới cứu.

Lẽ ra ở cảnh phim này, cách xử lí logic nhất sẽ là để cho cha Burke thức dậy và nhận ra mình nằm mơ. Nhưng không, ông thực sự bị nhốt dưới một nấm mồ, sâu hàng thước dưới đất và phải nhờ xơ Irene dùng xẻng đào lên. Chưa hết, cả quãng thời gian dài cha Burke bị chôn sống thì chẳng ma nào thèm để ý, nhưng trong vài phút xơ Irene đang đào bới cứu ông lên thì Valak lại quyết định ghé thăm một chuyến, xuất hiện trong quan tài để quàng vai bá cổ cha Burke.

Xơ Valak quả là một người tận tâm với khách. Không chỉ kỳ công mua quan tài mới, chuẩn bị bia đá khắc tên mà xơ còn tặng kèm cha Burke một đống sách quý hiếm viết về mình để ngay trong quan tài. Dường như xơ muốn vị linh mục biết thêm về con người xơ, để chuẩn bị cho lần hẹn hò tới. Chẳng trách vì sao sau khi thoát khỏi nấm mồ, cha Burke chẳng tỏ ra tí sợ hãi hay dè chừng nào. Có lẽ, cha đã thấu hiểu tấm lòng của xơ Valak dành cho mình rồi chăng?

The Nun còn vô số “hạt sạn” vô lý hoặc thừa thãi khác mà khán giả có thể dễ dàng nhặt ra khi xem phim. Khi tòa thánh Vatican khuyên cha Burke tới nhờ xơ Irene đi cùng, họ lấy cớ xơ Irene biết đường đi lối lại ở tu viện St. Carta, một lời nói dối vô dụng tới mức cả hai người kia đều biết sự thật chỉ một phút sau khi họ gặp nhau. Tòa thành nói dối để làm gì? Chẳng phải sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu họ cứ nói thẳng cho cha Burke biết xơ Irene có tài linh cảm, qua đó bớt cho họ một giây bỡ ngỡ hay sao? Thậm chí, nếu cha Burke biết về những linh cảm của xơ Irene từ đầu, ông có khi đã cảnh giác và chủ động hơn khi cùng cô đối mặt với Valak cũng nên.

Chưa hết, khi đến tu viện St. Carta, dù đã biết nơi này ẩn chứa điều gì đó đáng sợ, nhưng cả xơ Irene lẫn cha Burke cứ thấy bóng ai là bất chấp tất cả đuổi theo người ấy, dẫu là dẫn ra nghĩa địa, xuống hầm mộ hay phòng thờ đầy nguy hiểm. Ngay cả câu chuyện quá khứ đầy day dứt của cha Burke, liên quan tới cậu bé vong mạng do ông trừ tà bất cẩn cũng chẳng dẫn tới đâu. Nếu cha Burke hy sinh mình trong cuộc đối đầu với Valak, vừa để cứu hai người bạn đồng hành, vừa để tạ lỗi với cậu bé ngày nào thì ít ra chi tiết nho nhỏ ấy còn mang đôi chút ý nghĩa.

Không thể phủ nhận rằng The Nun là một bộ phim đáng sợ, với bối cảnh tu viện cổ u ám, những pha nhát ma bất thình lình, cùng đề tài thiên chúa giáo vốn chẳng bao giờ lỗi thời đối với thể loại kinh dị. Tuy nhiên, ngần ấy cảnh “jump-scare” cũng khó lòng che đi cả một biển sạn trong nội dung. Nếu cứ tiếp tục đi theo hướng bất cẩn như vậy, loạt phim The Conjuring sẽ rất khó giữ phong độ, và có nguy cơ chìm xuống mức “kinh dị rẻ tiền”, chỉ tìm cách dọa ma, làm khán giả ghê sợ, còn nội dung thì nông cạn và rỗng tuếch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuấn Vũ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc