Cuộc sống của Vijay Salgaonkar (Ajay Devgn), ông chủ của tiệm Truyền hình cáp Mirage có thể nói là hoàn toàn viên mãn: cô vợ Nandini (Shriya Saran) xinh đẹp, hai con gái ngoan ngoãn cùng với mối kinh doanh riêng nho nhỏ để chu cấp cho cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Mồ côi cha mẹ, mù chữ, ấu thơ nghèo hèn vất vả, Vijay trân trọng cuộc sống của mình và những gì mình đang có, dù có đôi lúc anh xao nhãng gia đình “chút đỉnh” vì niềm đam mê xem phim đến gần như ám ảnh.
Mọi thứ cứ tiếp diễn êm đềm như vậy cho đến một ngày, khi trở về nhà sau buổi làm việc, Vjay phải đối mặt với sự việc khủng khiếp có thể tàn phá hoàn toàn gia đình ông. Anju (Ishita Dutta), cô con gái xinh xắn vừa đến tuổi cập kê bị Sam (Rishabh Chaddha), một chàng công tử nhà giàu hư hỏng để mắt.
Trong buổi cắm trại với trường, Sam đã quay lén Anju tắm và dùng đoạn clip để đe dọa và đòi hỏi cô bé phục tùng hắn. Trong cơn sợ hãi và tuyệt vọng, Anju đã vô tình giết chết Sam trước sự chứng kiến của Nandini (Shriya Saran). Hai mẹ con quá sợ hãi đã đem giấu xác của Sam và chôn sau vườn. Xui xẻo thay Sam lại không phải là một gã công tử bình thường, mà chính là con trai của Tổng thanh tra vùng Goa, nữ cảnh sát trưởng Meera (Tabu), nổi danh vì trí tuệ cực kỳ sắc sảo.
Loay hoay nghĩ cách bảo vệ gia đình, Vijay huy động toàn bộ trí óc và những kinh nghiệm ông đã từng được học trên phim ảnh để dựng lên một kế hoạch hoàn hảo để che giấu tấm thảm kịch này trước sự nghi ngờ và những mánh điều tra của cảnh sát. Cuộc đấu trí của người đàn ông cục mịch, ít học với người đàn bà thép của ngành điều tra quả thực gay cấn và hồi hộp đến từng phút.
Đan xen với những tình tiết giật gân và đấu trí, Drishyam vẫn đậm đà bản sắc phim Ấn với những trường đoạn phim tình cảm và xúc động về tình yêu gia đình. Diễn xuất của tài tử Ajay Devgn thật sự là điểm sáng của phim với những phân đoạn tâm lý tinh tế, thể hiện sự đấu tranh giữa khát khao bảo vệ gia đình và sự giằng xé của lương tâm.
Nổi tiếng từ hơn 10 năm trước bởi những hình tượng anh hùng, cảnh sát, chiến binh, nhưng Ajay lần này xuất hiện với phong cách hoàn toàn khác lạ: một người đàn ông tưởng như thô tháp, khù khờ, nhưng khi sự việc đến, lại sắc sảo, đa mưu, đáng gờm.
Bên cạnh đó, diễn xuất của nữ diễn viên Tabu trong vai Tổng thanh tra Meera cũng không hề kém cạnh, khi thể hiện một lúc hai mặt đối ngược của tâm lý: một bên là một phụ nữ thép, cảnh sát trưởng uy quyền, máu lạnh, một bên là người mẹ yêu con, yếu đuối và sẵn sàng làm cả những việc trái nguyên tắc vì con.
Đến Việt Nam, phim được dịch là Nhân danh công lý, tuy nhiên tựa này có vẻ không hoàn toàn chính xác. Thực ra đây là một bộ phim công lý ngược: tội ác trong phim hoàn toàn không xuất phát từ sự ác độc, còn phe cảnh sát, với những thành phần “phản diện” như nhân vật cảnh sát Gaitonde, Tổng thanh tra Meera lại gây cảm giác máu lạnh, đáng ghét… và khó lòng nhận được sự ủng hộ của người xem.
Phim không có nội dung hài nhưng ẩn chứa nét cười hóm hỉnh: một người đàn ông ít học, khù khờ chỉ bằng những kiến thức phim ảnh mà có thể biến cả một cục Điều tra thành trò hề.
Cuối cùng, công lý đã không sờ đến được gia đình Vijay, xác của Sam - bằng chứng tội ác duy nhất, đã được che giấu hoàn toàn ngay dưới chân Sở cảnh sát mới xây dựng, và câu nói cuối cùng của Vijay “Tôi tin ông và đồn cảnh sát của mình sẽ luôn bảo vệ chúng tôi” trở thành đoạn thoại trào phúng nhất của phim.
Khi nhìn qua thời lượng 162 phút phim, người xem sẽ cảm thấy… hơi nản lòng nhưng xin hãy yên tâm, nếu tập trung theo dõi và gắn kết các tình tiết, các bạn sẽ hoàn toàn hài lòng với kịch bản chặt chẽ, logic, hồi hộp đến phút chót cùng diễn xuất tuyệt vời của tài tử nổi danh Ajay Devgn.
Tuy vẫn còn nhiều hạt sạn logic, thậm chí còn bị coi là một bản sao chép vụng về của tác phẩm điện ảnh Nhật Suspect X (2008) nhưng Drishyam vẫn là một bộ phim Bollywood đáng để bạn thưởng thức đầu năm 2016.