Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đóng phim 'Mẹ chồng': Thanh Hằng không ác thì ai ác?

Là một nhân vật phản diện, không thể phủ nhận Thanh Hằng đã ác đến nơi đến chốn, khiến bất cứ ai xem phim "Mẹ chồng" xong cũng phải rùng mình. 

Quả thực, lâu lắm rồi điện ảnh Việt mới có một vai chính phản diện thú vị như như cô Ba Trân trong Mẹ chồng. Là người đàn bà nắm quyền khuynh đảo cả gia tộc, cái ác trong nhân vật Ba Trân không tồn tại sẵn như bản năng mà là quá trình thoái hóa về tính cách sau những xô đẩy, vùi dập của số phận.

Cái khéo của biên kịch là đã xây dựng cho Ba Trân một câu chuyện cuộc đời với những ẩn ức phía sau đủ để khán giả thấu hiểu, đồng cảm với những quyết định của cô. Tuy nhiên, là một nhân vật phản diện, không thể phủ nhận Thanh Hằng đã ác đến nơi đến chốn, khiến bất cứ ai xem phim xong cũng phải rùng mình.

Để mặc mẹ chồng lên cơn bạo bệnh

Một trong những phân đoạn kịch tính nhất trong phim là khoảnh khắc Ba Trân buông tay bỏ mặc mẹ chồng trong cơn tai biến. Trước đó, ta đã biết Ba Trân có một người cha làm thầy thuốc, cô cũng được học chút ít y thuật từ cha mình. Tuy nhiên, trong giây phút mang tính quyết định, giữa lương tâm và khao khát trả thù, Ba Trân đã chọn trả thù.

Đây là phân đoạn then chốt trong sự chuyển biến tâm lý và tính cách nhân vật. Rõ ràng nàng dâu cả không tự tay hãm hại mẹ chồng mình nhưng điều này cũng không giảm bớt đi tội lỗi của cô. Từ đây, Ba Trân không còn là một cô con dâu ngoan hiền, bị bức đáp hết lần này đến lần khác nữa. Khi đã nắm quyền, cô hành hạ bà Hai Lịnh tật nguyền bằng cách ngày ngày ném vào mặt mẹ chồng những lời tàn nhẫn ngày xưa bà từng nói với cô. Hình thức tra tấn tâm lý khiến cho bà Hai Lịnh vô cùng đau khổ, sống không bằng chết.

Giống như đóa sen đã lấm bùn, Ba Trân của những ngày tháng về sau chỉ có thể tàn độc và nhẫn tâm hơn nữa với những người xung quanh mình để bước từng bước lên nấc thang quyền lực.

Thẳng tay hạ sát gia nhân vì trái lệnh

Sau khi bà Hai Lịnh bị liệt nửa người, Ba Trân nắm toàn quyền trong gia đình. Cô nhanh chóng nhận được sự phục tùng của toàn thể gia nhân ngoại trừ Chín Tị, người đầy tớ trung thành của bà Hai. Chín Tị nhiều lần thể hiện sự bất mãn thông qua hành động và lời nói.

Dĩ nhiên sự phản loạn ngấm ngầm không thể qua mắt Ba Trân. Tuy nhiên, phải chờ đến khi gã đầy tớ trong một lần say rượu gây nên cuộc bạo loạn, Ba Trân mới tận dụng cơ hội này để xử lý cái gai trong mắt. Dĩ nhiên cái kết cho người đầy tớ ương bướng chỉ có một con đường là chết. Sự chuyên quyền, tàn nhẫn của Ba Trân còn thông qua việc cô không tự tay diệt trừ mối họa mà để cho người đầy tớ của mình là Hai Đìa ra tay.

Thủ tiêu người tình để bảo vệ thanh danh

Không chỉ với kẻ thù mà ngay với những người bên cạnh mình, Ba Trân cũng không chừa cho họ đường lui. Hai Đìa vì say đắm bà chủ mà nguyện làm đầy tớ, người tình, thậm chí là tay sai xử lý những việc mờ ám. Về phần Ba Trân, chắc hẳn trong tim cô cũng có hình bóng người đàn ông si tình này. Thế nhưng chỉ vì bỏ quên một chiếc khăn tay rồi bị cô con dâu bắt thóp, Ba Trân sẵn sàng vứt bỏ người duy nhất trung thành với mình. Cô ra lệnh cho Hai Đìa bỏ xứ ra đi để tránh tai tiếng mặc anh ra sức năn nỉ, cầu xin được ở bên cạnh.

Nhưng có lẽ sau khi về nghĩ lại, Ba Trân cho rằng diệt cỏ phải diệt tận gốc thì mới mong không có hậu họa. Ngay trong đêm Hai Đìa giong thuyền ra đi, Ba Trân đã lại một lần nữa lợi dụng tấm chân tình của người yêu để bắt anh uống chén thuốc độc. Phản bội người thân tín nhất để đổi lại sự im lặng vĩnh viễn, sự độc ác của Ba Trân giờ đây đã dần chuyển sang trạng thái mê muội.

Mù quáng với quyền lực, với địa vị, với hư danh ảo vọng, Ba Trân đã tự tay đánh mất đi hạnh phúc chân thực của đời mình. Phân cảnh người đàn bà quyền lực xứ Đại Điền chôn mình trong phòng khóc trắng đêm khiến khán giả vừa thương vừa giận. Nhưng vẫn là giận nhiều hơn thương.

Gián tiếp bức ép vợ lẽ đến con đường chết

Gia đình dưới bàn tay xoay vần của Ba Trân đã trở thành một địa ngục trần gian, bi kịch nối tiếp bi kịch. Những mâu thuẫn vốn ẩn sâu dưới mặt hồ phẳng lặng nay bị khuấy động tạo nên những cơn sóng dữ.

Sau cái chết của Hai Đìa, Ba Trân ngày càng vô cảm. Mợ cả nhà họ Huỳnh giờ đây chỉ còn là một cỗ máy thi hành luật lệ gia phong. Phát hiện Thiện Khiêm và Tuyết Mai nảy sinh quan hệ ngoài luồng, Ba Trân ra mặt xử tội. Dù một mặt vẫn nói để bà Hai Lịnh phán xử, nhưng Ba Trân lại một mực đuổi đôi trẻ ra khỏi nhà. Chính sự ra tay tuyệt tình này của Ba Trân đã khiến người vợ lẽ Bảy Loan uất ức chọn thắt cổ tự vẫn.

Ép con dâu phá thai, đuổi ra khỏi gia tộc

Về phần Tuyết Mai, không chỉ hủy tư cách dâu con, Ba Trân còn đòi cô phải bỏ đứa con trong bụng vì nghi ngờ đây là kết quả của một mối tình tội lỗi. Việc tuyết định ra tay giết chết một đứa trẻ còn chưa thành hình có lẽ là đỉnh điểm của sự độc ác trong con người Ba Trân. Thời trẻ, cũng từng một lần suýt sẩy thai, cũng nếm trải cảm giác đau đớn, mất mát tột cùng đó, nhưng Ba Trân của hiện tại đã hoàn toàn giống như Mẹ chồng của cô: Không có tình người, chỉ có luật lệ.

Trailer phim Mẹ chồng.

Kết

Trong 90 phút phim Mẹ chồng, Ba Trân đã ra tay hạ sát tổng cộng năm người (cả gián tiếp và trực tiếp). Đây quả là một tiền lệ chưa từng có trong điện ảnh Việt. Thanh Hằng hóa thân vào hình ảnh Mẹ chồng rất mượt, cho thấy được đầy đủ những sắc thái của một người phụ nữ đang từ ánh sáng thiện lương bước vào bóng tối của tội lỗi và thủ đoạn. Có lẽ hiền mãi cũng sẽ nhạt nhòa. Với vai phản diện đầu tiên trên màn ảnh, Thanh Hằng đã khẳng định được tài năng diễn xuất, điều mà trong suốt 13 năm vào nghề cô vẫn chưa làm được.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thu Phương

Được quan tâm

Tin mới nhất