Qua rồi thời đại mà “bệnh tật” hoành hành khắp màn ảnh Trung - Hàn, hiện đại có bệnh máu trắng, cổ trang có đủ loại độc bá đạo vô song, khiến cho tình yêu của nam nữ chính dù là oan gia hài hước hay ngọt ngào lãng mạn đều phải có đôi chút hiểu lầm, vì không muốn đối phương đau lòng mà cố tình chia tay… Loại rượu cũ như hiểu lầm, chia tay vì muốn tốt cho đối phương sớm đã bị khán giả với khẩu vị ngày càng khắt khe chán ghét, xa lánh. Phim ảnh Hoa ngữ thời nay muốn làm nên chuyện, cần tìm ra một công thức khác với liều lượng mạnh hơn, đủ để đốn tim người hâm mộ trong ấn tượng đầu tiên mới mong phát hỏa và trụ vững được giữa hàng trăm bộ phim lớn nhỏ ra mắt mỗi năm.
Và từ Đông cung (东宫) đến Bạch phát (白发), dường như các nhà làm phim đã tìm đúng công thức nổi tiếng cho phim cổ trang. Không gì khác, chính là “lừa dối”. Càng yêu càng phải lừa dối thật tàn ác, không có ác nhất chỉ có ác hơn. Nam nữ nhân vật từ chính đến phụ càng dằn vặt, lừa dối nhau bao nhiêu, lượng người hâm mộ “lọt hố” trở thành fan trung thành, điên cuồng theo dõi bộ phim càng lớn bấy nhiêu. Thực tại fan mắc bệnh cuồng ngược như vậy, quả thực khiến các nhà sản xuất phim vừa vui mừng vừa bất đắc dĩ. Bởi để tạo nên một bộ phim cổ trang dưới áp lực tiêu chuẩn ngày càng tai quái của Cục điện ảnh vốn đã không dễ, tạo nên một bộ phim vừa có đủ yêu hận tình thù không sến súa, quyền mưu tranh đấu không “não tàn” còn phải đánh trúng tâm lý không khiến khán giả đau lòng không phải phim hay, từ nhà sản xuất đến biên kịch đều phải bạc đầu mới có được một bộ phim đủ tiêu chuẩn.
Vậy nên không lấy gì làm lạ khi các bộ tiểu thuyết nổi tiếng ngày càng được nhắm đến làm phim chuyển thể nhiều hơn, bởi bản thân các bộ tiểu thuyết ấy đã được chứng thực bởi người đọc và có một lượng fan nguyên tác nhất định. Phần chuyển thể cũng không mất nhiều công sức như tạo ra một kịch bản mới hoàn toàn. Thực chất với công thức “lừa dối” lần này, những bộ phim tiên phong đi đầu có lẽ phải kể đến Tam sinh tam thế thập lý đào hoa khi đưa được phân cảnh đắt giá, được mong chờ nhất phim là Tố Tố (Dương Mịch) bị Tố Cẩm hãm hại, bị Dạ Hoa (Triệu Hựu Đình) lấy mắt, nhảy Tru Tiên Đài kết thúc một đoạn nghiệt duyên lên màn ảnh và gây được xúc động mạnh cho khán giả. Hay trong Hương mật tựa khói sương, Cẩm Mịch (Dương Tử) vì hiểu lầm Húc Phượng (Đặng Luân) giết chết cha mình, lừa chàng cướp hôn lại đâm lén sau lưng, giết chết chàng. Cái tinh túy của những màn lừa dối này chính là nỗi đau đớn bị tình yêu phản bội và sự hối hận trong muộn màng của người ở lại. Với Tố Tố là sự âm thầm hi sinh nhưng ngụy trang dưới lớp vỏ thiếu tin tưởng của Dạ Hoa, còn với Húc Phượng là sự vô tình của người chàng yêu thương nhất.
Đến Đông cung và gần đây nhất là Bạch phát, khả năng khai thác sự lừa dối dẫn đến tổn thương không thể vãn hồi càng đạt tới một tầm cao mới. Công chúa Tiểu Phong (Bành Tiểu Nhiễm) của Đông cung vốn dĩ là một bông hoa rực rỡ của thảo nguyên, sự hồn nhiên, ngây thơ và thiện lương của nàng vốn dĩ nên được che chở bởi một chàng dũng sĩ ngay thẳng, phóng khoáng. Thế nhưng sư phụ nàng - người mà Tiểu Phong tin yêu không khác gì cha mẹ lại chính là người đưa đến họa sát thân cho gia đình nàng. Cố Kiếm cũng từ đó mà mất đi tư cách được yêu thương, bảo vệ Tiểu Phong.
Với Lý Thừa Ngân (Trần Tinh Húc) - hoàng tử Lễ triều, hắn núp dưới cái bóng tình yêu đến lợi dụng Tiểu Phong, biến hôn lễ nàng mong chờ nhất thành buổi lễ tế đẫm máu người thân nàng. Đan Xi bị diệt, ông ngoại nàng bị chính tay Cố Tiểu Ngũ nàng tin yêu giết chết, mẹ đau khổ tự vẫn, cha dằn vặt cố chống cự vẫn phải gả nàng tới Lễ triều hòa thân. Còn Lý Thừa Ngân (Cố Tiểu Ngũ), hắn dùng một đoạn tình cảm, diệt trừ mối họa cho quốc gia, củng cố địa vị trong triều, tiếp tục lớn mạnh chờ ngày nuốt trọn giang sơn. Cả Cố Kiếm và Lý Thừa Ngân đều sai ở chỗ không chỉ lừa dối Tiểu Phong, phá hủy cuộc sống của nàng, mà điều khiến bọn họ đều không thể có được sự tha thứ của Tiểu Phong là một bên hi sinh hạnh phúc và tình yêu đơn thuần của một cô gái vì cái gọi là giang sơn đại nghiệp, một bên lại luôn cố gắng “bù đắp sau”, thậm chí còn hi vọng xa vời muốn nàng tiếp tục tin tưởng, yêu thương mình.
Sang đến Bạch phát, lại tiếp tục là câu chuyện giang sơn - mỹ nhân, hận thù truyền kiếp nhưng lần này câu chuyện lừa dối được cấp số nhân lên nhiều lần, nữ chính Dung Lạc (Trương Tuyết Nghênh) - công chúa Tây Khải, không biết nên coi là đáng thương hơn hay may mắn hơn Tiểu Phong. Cùng là công chúa, cùng bị gả đi hòa thân, nếu nỗi đau của Tiểu Phong là thân nhân bị giết thì nỗi đau của Dung Lạc lại toàn bộ ứng nghiệm trên người nàng. Dung Tề (La Vân Hi) từ một hoàng huynh yêu thương nàng nhất, bỗng biến nàng thành con rối trên bàn cờ chính trị của hắn. Dung Tề hứa chỉ cần lấy được Sơn Hà Chí (cuốn sách chưa bản đồ chi tiết của các quốc gia) sẽ đưa nàng trở lại quê hương. Chỉ vài tháng sau lại bỗng trở mặt, dùng một công chúa giả, ở trước mặt nàng định ra một cuộc hôn nhân không mong muốn, ép nàng gả cho Phó Trù (Kinh Siêu). Tiếp đó, giết chết những người bạn nàng quan tâm để uy hiếp nàng thực hiện theo kế hoạch, hạ độc nàng, còn sử dụng chút tin tưởng cuối cùng của Dung Lạc, đưa nàng vào kế hoạch tuyệt mọi đường sống.
Phó Trù - tướng quân Bắc Lâm mang trong mình thân thế bí ẩn và mối hận thù khắc sâu với hoàng thất Bắc Lâm dù yêu Dung Lạc cũng không khiến hắn có chút nào chùn tay khi lợi dụng nàng đạt được mục đích. Xuất hiện khi nàng bị tập kích hay trong đêm mưa nàng đau lòng rời khỏi phủ Lê Vương để tạo ấn tượng tốt, lấy được sự tin tưởng của nàng. Dẫn dắt nàng đến hồ Thanh Lương, dùng sự xuất hiện của nàng phá hỏng kế hoạch ám sát hoàng tử Thần quốc của Tây Khải. Hay sự vô tình khi dùng nàng làm con bài ép Tông Chính Vô Ưu (Lý Trị Đình) từ bỏ hoàng vị ngay trước mắt, khuất nhục chịu hàng.
Lại đến cả hộ vệ và tì nữ thân cận là Tiêu Sát và Linh Nguyệt cũng mang nhiệm vụ giám sát, âm thầm khống chế hành động của Dung Lạc. Tri kỷ Nhã Ly lại mang lòng hãm hại, tranh đoạt người yêu với Dung Lạc… Cuộc đời nàng từ khi mất trí nhớ tỉnh dậy là cả chuỗi dài của sự lừa dối, lợi dụng. May mắn là Tông Chính Vô Ưu, người Dung Lạc dành trọn tình yêu dù từng vì Sơn Hà Chí mà lừa nàng nhưng cuối cùng lại là người duy nhất sẵn sàng từ bỏ mọi thứ vì nàng.
So với Đông cung, tuyến nhân vật của Bạch phát có vẻ ít lôi kéo thù hận hơn khi ai cũng mang trong mình một nỗi niềm bất đắc dĩ khi lừa dối Dung Lạc. Đặc biệt là yếu tố tình cảm được đặt khá nặng, không vì một giang sơn hào nhoáng mà hi sinh hạnh phúc của một cô gái vô tội, thậm chí nam chính/ nam phụ đều sẵn sàng vì Dung Lạc mà từ bỏ ngai vàng. Chính sự “tình thánh” này lại khiến bộ phim ít vô tình và các nhân vật cũng dễ được thông cảm hơn. Dù “nghiệp” vẫn ứng lên Dung Tề, Phó Trù và Vô Ưu đều đều.
Không được coi là đại bạo như Đông cung nhưng từ dàn diễn viên đến kịch bản của Bạch phát đều được đánh giá khá cao. Mong rằng khi Bạch phát đã đi vào hồi gay cấn như hiện tại sẽ càng nhận được sự chú ý nhiều hơn của khán giả, đưa lại kết quả xứng đáng cho bộ phim, tiếp tục chứng tỏ sức hút của công thức “lừa dối” thú vị này. Cũng mong rằng tiếp theo, các bộ cổ trang Hoa ngữ sẽ tiếp tục khai thác được những chủ đề hay, đưa đến cho người xem những bộ phim chất lượng hơn nữa.