Baby Driver kể về chàng tài xế với cái tên đáng yêu Baby bị cuốn vào một phi vụ cướp ngân hàng “bất đắc dĩ”. Kế hoạch trộm cướp vỡ lỡ, Baby phải tìm cách tẩu thoát khỏi vụ án cũng như hướng đến giấc mơ “bỏ trốn” cùng người tình nhỏ xinh.
Edgar Wright - vị đạo diễn 43 tuổi người Anh là một người yêu phim ảnh đến mức tôn sùng. Luôn muốn sáng tạo, tìm kiếm thử thách và căm ghét sự gò bó, Edgar Wright đã đem đến cho chúng ta một Baby Driver “có một không hai” trong thời buổi Hollywood đang chết dần những ý tưởng độc đáo.
Nhưng để có được Baby Driver chỉn chu, toàn vẹn như thế vào mùa hè năm 2017, đạo diễn Edgar Wright đã phải mất đến… 22 năm cuộc đời. Và quá trình tạo ra Baby Driver cũng “gay cấn” y như cuộc “đào tẩu” kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ của chàng Baby.
Gã người Anh “dị biệt” với giấc mơ làm phim về tội phạm Mỹ
Edgar Wright bắt đầu viết kịch bản vào năm 2007, nhưng cảm hứng về phim đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Ý thức được bản thân là người Anh thuộc tầng lớp trung lưu nhưng lại muốn làm một bộ phim tội phạm đậm chất Mỹ, Edgar Wright đã tìm gặp một cựu tù nhân tên Joe Loya để tham khảo ý kiến chuyên môn.
Edgar thừa nhận Baby Driver chịu sự tác động khá nhiều của hai đạo diễn Martin Scorsese và Quentin Tarantino. Thế nhưng, người góp công lớn nhất lại là nhà làm phim Mỹ Walter Hill với hai tác phẩm The Driver và The Warriors. Baby Driver là “sự tri ân lớn” mà Edgar muốn gửi trực tiếp tới Walter.
Trước khi bắt tay vào thực hiện phim, Edgar Wright đã thử nghiệm ý tưởng của mình bằng một…video ca nhạc. Anh đã làm đạo diễn cho ca khúc Blue Song của nhóm nhạc Mint Royale vào năm 2011. Đoạn video này cũng đã được “chiếu lại” trên chiếc tivi ở trong căn hộ của Baby.
Phiên bản ngắn và đầu tiên của “Baby Driver”. Ca khúc “Blue Song” - Mint Royale
Phim được chọn ghi hình ở Atlanta, Mỹ bởi chỉ có ở Mỹ, các ngân hàng mới nằm sát trên các con phố lớn. Đường phố cũng rộng rãi, thênh thang đủ sức cho những chiếc xe tung hoành. Một điều không thể xảy ra ở Anh, nơi các nhà băng được canh giữ cẩn thận ngày và đêm. Còn đường phố thì nhỏ hẹp, ngập tràn xe máy và xe tay ga.
Một MV ca nhạc… kéo dài 2 tiếng
Baby Driver được ví von như là “Fast and Furious kết hợp với La La Land” để tạo ra một phim đua xe lồng ghép âm nhạc. Thực ra, âm nhạc mới là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phim. Chính âm nhạc là thứ được Edgar Wright chú trọng xây dựng trước, và mọi cảnh phim diễn ra đều chỉ là minh họa cho nó.
Ca khúc truyền cảm hứng cho Edgar Wright là Bellbottoms của Jon Spencer Blues Explosion. Ngoài ra, tựa đề phim - Baby Driver- được đặt theo tên của ca khúc Bridge Over Troubled Water của Simon & Garfunkel. Bạn có thể nghe bài hát này trong đoạn credit khi phim hết.
Edgar Wright: “Tôi luôn muốn làm một phim hành động âm nhạc. Đó chắc chắn sẽ là một cuộc đua xe tuyệt vời“.
Phim gắn bố chặt chẽ với âm nhạc. Nhiều tới mức nó “len lỏi” trong việc xây dựng nhân vật lẫn lời thoại: nhân vật chính Baby là một người gặp chấn thương khi còn bé và phải dùng âm nhạc để tăng khả năng tập trung.
“Âm nhạc lèo lái kịch bản, và nó thực sự đã thúc đẩy phim diễn ra“. Kịch bản phim thì giống như giai điệu của một bài hát với “ca từ” là lời thoại đối đáp của chính các diễn viên. Các cảnh hành động, cháy nổ cũng diễn ra theo đúng trình tự ca khúc được dành cho nó. “Mọi người phải thực hiện chính xác từng hành động trong từng tiết tấu, vì chúng tôi không thể thay đổi bài hát“.
Phim đua xe “không giả dối”
Khác với loạt phim Fast and Furious đang ngày càng trở nên giống với phim siêu anh hùng, Baby Driver lại hướng đến một cuộc đua tốc độ “thật nhất có thể“.
Có khoảng 150 chiếc xe được huy động để phục vụ công tác ghi hình. Và mỗi chiếc lại được thiết kế lại kết cấu bên trong, theo cách đặc biệt để phục vụ cho từng cảnh quay.
Những chiếc xe xuất hiện trên phim khá đa dạng về mẫu mã lẫn thương hiệu như: 5 chiếc Chevrolet Avalanches, 5 chiếc Subaru, Dodge Charger, Toyota Prius, Mercedes…Hãng Mercedes từng gọi điện thoại đề nghị cung cấp miễn phí nhiều xe hơi để đoàn làm phim “phá dùm cho vui”, trong đó có khá nhiều chiếc có giá trị tầm 140.000 USD. Thế nhưng, đội ngũ kỹ thuật của phim lại chỉ yêu cầu quyền được can thiệp vào hệ thống xe hơi đời mới của Mercedes (đời 2014 - 2015) để “chỉnh sửa” chút đỉnh.
Sean Ryan nhớ lại: “Tôi gọi cho Mercedes và nói với họ, ' Nè, đây là chuyện tụi tôi đang làm và tôi cần mã số bên anh“. Đại diện Mercedes đã cười và nói: “Tất nhiên là không nhé!“. Tuy nhiên, đoàn phim đã sử dụng vài mẹo nhỏ để “đánh lừa” hệ thống của Mercedes và làm điều đó tới ba lần. Sau đó, chiếc xe được “khôi phục” và trở về “nguyên trạng ban đầu”.
Các cảnh hành động được thực hiện trên 4 con đường cao tốc và 40 đường phố. Jon Hamm, một trong những diễn viên phim nhớ lại các cảnh đua xe nghẹt thở: “Thật là vui khi lúc nào bạn cũng phải leo lên một chiếc xe đang chạy với vận tốc 128km/h rồi lạng lách“.
Những bộ phim như Mad Max: Fury Road và Baby Driver gợi nhắc đến thời kỳ xưa cũ, khi CGI chưa từng tồn tại.
Trang phục đậm chất “đường phố”
Mỗi nhân vật trong phim lại có màu sắc riêng dành cho mình. Baby được mô tả trong kịch bản như là “Gene Kelly vừa chạy vừa uống cà phê” nên cậu ta sẽ có tạo hình thật là cổ điển. Ngoài ra, anh chàng này thuộc dạng luôn nhìn thế giới theo hai màu “trắng - đen” nên đây là màu sắc chủ đạo cho quần áo của cậu.
Gã Bats giận dữ của Jamie Foxx mang màu đỏ, phù hợp với miêu tả là “anh chàng giận dữ, lúc nào cũng muốn giết người”. Darling của Eiza Gonzalez thì pha trộn giữa hồng và tím, Buddy của Jon Hamm thì có màu xanh dương.
Ngoài quần áo, hình xăm cũng là thứ xuất hiện có dấu ấn quan trọng trong phim. Chúng vừa là phụ kiện toát lên khí chất nhân vật, vừa mang ý nghĩa sâu xa mà đạo diễn muốn gửi gắm.
Mất khoảng 25 phút để hóa trang những hình xăm cho Jamie Foxx trước khi ghi hình. Nhân vật Flea có một hình xăm 51-50 trên cơ thể, đây là mã của cảnh sát dành cho từ “điên rồ”.
Nhân vật thú vị, hấp dẫn với nhiều quan hệ phức tạp
Điều gây bất ngờ cho khán giả khi xem Baby Driver là họ lại không hề nghĩ tới việc một bộ phim về đua xe, trộm cướp lại đậm cái “tình” đến thế. Những cái tình trong tình bạn, tình yêu và tình thương giữa những con người với nhau.
Mối quan hệ giữa Baby (Ansel Elgort) và Buddy (Jon Hamm) về cơ bản, là tình anh em. Vai diễn Buddy được viết riêng cho Jon Hamm. Anh cũng là diễn viên duy nhất còn gắn bó với phim sau buổi đọc kịch bản vào năm 2012.
Lý giải về việc Ansel Elgort vào vai Baby, Edgar nói rằng vì “cậu ấy có gương mặt như trẻ con, chỉ mới 22 tuổi, biết chơi nhạc cụ và còn có thể nhảy nữa”. Ngoài đời, Ansel cũng là một ca sỹ và đã phát hành một single có tựa đề Home Alone vào năm 2016.
Chuyện tình giữa Darling (Eiza González) với Buddy (Jon Hamm) cũng là một điểm sáng, tạo ra ấn tượng trong phim. Mối quan hệ này được Eiza mô tả như là một phiên bản hiện đại của “Bonnie and Clyde“.
Baby Driver hiện nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình lẫn khán giả. Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.