Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Diên Hi công lược': Vén màn bí ẩn về tấm ảnh được cho là 'nhan sắc thật' của Càn Long, Phó Hằng và Hoằng Trú

Mọi người đang truyền tay nhau tấm ảnh được cho là chân dung của Càn Long, Phó Hằng và Hoằng Trú trong lịch sử. Tuy nhiên đây có phải là sự thật?

Từ sau khi Diên Hi công lược trở thành một hiện tượng web drama tại Việt Nam, đã có một “cơn sốt” nho nhỏ trong việc tìm hiểu lịch sử Thanh triều nói chung và về triều đại Càn Long nói riêng. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng chê trách khi mấy ngày vừa qua, cư dân mạng đang chuyền tay nhau tấm hình này với tốc độ chóng mặt với lời… khẳng định “chắc nịch”: Đây là ảnh của Càn Long, Phú Sát Phó HằngHoằng Trú! Đồng thời bày tỏ sự… thất vọng trước chân dung thực tế khác xa với phim ảnh!

Càn Long

Hoằng Trú

Phú Sát Phó Hằng.

Sự thật thì, bạn đã bị “chơi một vố” quá đau rồi, đây chắc chắn 100% không phải là ảnh của Càn Long, Hoằng Trú và Phú Sát Phó Hằng. Cụ thể, sau khi truy tìm nguồn gốc, ta biết được bức ảnh này được lưu trữ tại thư viện của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (London Natural History Museum). Bên cạnh đó, Bảo tàng đã chú thích rất rõ ràng nội dung của bức hình như sau:

“Ba người đàn ông Trung Quốc. Cạo trọc đầu, tay cầm quạt. Được chụp tại Trung Quốc trong cuộc viễn dương của tàu HMS Challenger trong khoảng thời gian từ năm 1872 - 1876. Chuyến thám hiểm khoa học này do Hiệp hội Hoàng gia (Royal Society) tổ chức, kéo dài bốn năm nhằm khảo sát các đại dương trên toàn thế giới. Trên con tàu này được trang bị một buồng tối giúp nó ghi lại ảnh của các dân tộc, con người và miền đất mỗi nơi nó đi qua…”

Như vậy, ta có thể thấy, bức ảnh này được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1872 - 1876, và 3 nhân vật này hoàn toàn không phải là thành viên Hoàng gia mà chỉ là cư dân hoặc có thể là quan viên ở một tỉnh ven biển Trung Quốc, nằm trên hải trình của chiếc tài HMS Challenger.

Lần lại lịch sử Trung Hoa, ta có thể thấy đây ứng với giai đoạn trị vì của Thanh Mục Tông - Đồng Trị Hoàng đế và nối tiếp là Thanh Đức Tông - Quang Tự Hoàng đế. Cụ thể Đồng Trị đế - Ái Tân Giác La Tải Thuần trị vì Đại Thanh từ ngày 11/11/1861 đến 12/1/1875, kế tiếp là Quang Tự đế - Ái Tân Giác La Tải Điềm trị vì Đại Thanh từ ngày 25/2/1875 đến 14/11/1908. Và đây chính là giai đoạn buông rèm nhiếp chính của Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu cực kì nổi tiếng thế giới.

Chân dung Hoàng đế Đồng Trị trong triều phục mùa hè.

Hoàng đế Quang Tự trong triều phục mùa đông.

Trong khi đó, Thanh Cao Tông - Càn Long Hoàng đế - Ái Tân Giác La Hoằng Lịch trị vì từ ngày 8/10/1735 đến 9/2/1796, sau đó nhường ngôi lại cho con trai mình là Hoàng đế Gia Khánh, trở thành Thái thượng Hoàng, dọn từ Dưỡng Tâm điện đến Ninh Thọ cung sinh sống, cho đến khi qua đời vào ngày 7/2/1799 ở tuổi 89. Hòa Thân vương - Ái Tân Giác La Hoằng Trú qua đời ngày 2/9/1770, Đại học sĩ Phú Sát Phó Hằng trong lịch sử cũng qua đời tại Bắc Kinh cùng năm 1770. Như vậy, nếu nói bức ảnh trên chụp vị Hoàng đế nổi tiếng nhất Thanh triều cùng Phó Hằng và Hoằng Trú thì quá… oan cho các ngài vì sau khi Hoàng đế qua đời gần 80 năm, Phó Hằng và Hoằng Trú qua đời hơn 100 năm - thì bức ảnh trên mới được chụp!

Chân dung Hoàng đế Càn Long thời trẻ, vẽ bởi họa sĩ người Ý Lang Thế Ninh.

Hòa Thân vương Hoằng Trú.

Đại học sĩ Phó Hằng.

Nếu bạn vẫn bán tin bán nghi, thì đây chính là bằng chứng thứ hai:

Lịch sử thế giới ghi nhận bức ảnh đầu tiên được chụp bởi loài người vào khoảng năm 1827 - 1826 tại nước Pháp, bức ảnh hoàn thiện đầu tiên mãi đến năm 1838 mới xuất hiện - cũng tại Pháp.

Quang cảnh nhìn từ cửa sổ tại Le Gras, chụp bởi Nicéphore Niépce vào năm 1826 - 1827.

Đại lộ du Temple, chụp bởi Daguerre vào năm 1838 được công nhận là bức ảnh hoàn thiện đầu tiên của loài người.

Tức là khi Càn Long qua đời, mãi đến gần 40 năm sau, thế giới mới xuất hiện được bức ảnh chụp đầu tiên, mà bức ảnh đầu tiên lại là một bức ảnh nhòe nhòe, chả có thể thấy được gì mãi cho đến năm 1838 mới có được bức ảnh đàng hoàng. Như vậy, làm sao mà bức ảnh trên chụp Càn Long - Phó Hằng - Hoằng Trú cho được khi thời đại của họ đã làm gì có khái niệm về chụp ảnh?

Cùng ngắm nhìn lại nhan sắc của 3 đại nam nhân trong Tử Cấm Thành đã bị “bóp méo” bởi… cư dân mạng để bình tâm lại nào!

Hãy tỉnh táo trước khi chia sẻ một thông tin xuyên tạc lịch sử đến như vậy - bạn nhé!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm
NewJeans cảm ơn Min Hee Jin