Phim Ảnh

Điện ảnh Việt có đang trở về thời kỳ mì ăn liền?

Chia sẻ

Số lượng phim điện ảnh Việt Nam ra đời trong một năm ngày càng nhiều khiến nhiều khán giả tự hỏi liệu chất lượng của các tác phẩm sẽ giảm sút?

Dù bây giờ chỉ mới tháng 9, nhưng với những ai có quan sát thị trường điện ảnh, sẽ không khó để nhẩm tính được con số “tròm trèm” 30 bộ phim Việt Nam đã và sẽ ra rạp trong năm 2015. Con số này, so với thời kỳ năm 2002, khi Bộ Văn hóa - Thông tin bắt đầu mở cửa cho thành lập các hãng phim tư nhân, hay so với năm 2006, khi Luật điện ảnh ra đời, có thể được xem là một con số trong mơ.

Con ma nhà họ Vương của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là một trong những bộ phim Việt sắp ra mắt trong năm nay.

Con ma nhà họ Vương của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là một trong những bộ phim Việt sắp ra mắt trong năm nay.

Quả bong bóng điện ảnh đang căng

Thực tế cho thấy, nếu cách đây khoảng trên dưới chục năm, các nhà làm phim Việt Nam chỉ mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để thực hiện những bộ phim chiếu rạp trong mùa Tết, thì giờ đây khái niệm “mùa phim Việt” đã không còn nữa. Điện ảnh Việt nở rộ từ khoảng 15, 16 tác phẩm ra rạp trong năm 2012, cũng chừng đó số lượng trong năm 2013, tăng đến gần 30 phim trong năm 2014 và tiếp tục duy trì số lượng này trong năm 2015. Điều này có nghĩa là cứ mỗi tháng lại có khoảng “2,5 bộ phim” Việt Nam ra rạp để phục vụ cho khán giả đại chúng. Đã qua rồi cái thời người ta phải đợi đến ngày Tết, lễ lộc hay Giáng Sinh mới được nhìn thấy những minh tinh Việt Nam trên màn ảnh rộng.

imax_QSAP

Rạp chiếu phim ngày càng hiện đại và đa dạng hơn đã góp phần giúp tăng doanh thu cho điện ảnh Việt.

Một trong những lý do chính của việc gia tăng về số lượng này chính là việc bùng nổ của các hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc, từ các thành phố lớn cho đến các tỉnh thành vùng xa. Chưa bao giờ việc “đi xem phim” của khán giả Việt Nam lại trở nên tiện nghi và dễ dàng đến vậy. Không chỉ có các hệ thống rạp chiếu phim lớn như CGV, Lotte Cinema hay Galaxy Cinema so kè quyết liệt trên từng cây số, mà một số hệ thống khác như BHD, Cinestar hay Platinum cũng bắt đầu đẩy mạnh việc mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng mạnh mẽ của khán giả.

gainhay

Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng đánh dấu thời điểm điện ảnh Việt Nam chuyển từ giai đoạn hậu khủng hoảng sang giai đoạn thương mại

Rạp chiếu phim xuất hiện nhiều nghĩa là việc đảm bảo doanh thu cho các nhà làm phim lại càng được hứa hẹn hơn. Điện ảnh Việt trở thành “miếng bánh ngon” với những con số hàng chục tỷ doanh thu khiến bất kỳ nhà làm phim nào cũng thèm khát. Còn nhớ, năm 2004 khi bộ phim Gái nhảy của Lê Hoàng thu về được tận…. 13 tỷ đã là một con số kỳ tích và gây chấn động khủng khiếp. Tuy nhiên, kỷ lục ấy nhanh chóng bị phá vỡ bởi Nụ hôn thần chết vài năm sau đó với 16 tỷ, Giải cứu thần chết với 20 tỷ vào năm 2009 rồi Công chúa teen và ngũ hổ tướng với 25 tỷ vào năm 2010.

Những kỷ lục về doanh thu đang ngày càng bị phá vỡ một cách thường xuyên hơn. Năm 2011, Long Ruồi của đạo diễn Charlie Nguyễn trở thành bộ phim đầu tiên trên thị trường cán mốc doanh thu hơn 40 tỷ chỉ trong vòng 1 tháng. Năm 2013 đánh dấu sự so kè quyết liệt giữa Mỹ nhân kế 3D của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Nhà có 5 nàng tiên với mức doanh thu “hàng khủng” xấp xỉ 60 tỷ. Đây cũng là năm xuất hiện “hiện tượng” Tèo em dù bị giới chuyên môn đánh giá thấp nhưng lại là bộ phim đầu tiên thu về lên đến hơn 80 tỷ đồng. Chưa đầy một năm sau đó, hai bộ phim liên tiếp có sự xuất hiện của Thái Hòa tiếp tục “phá vỡ mọi giới hạn” là Quả tim máu với 85 tỷ và Để mai tính 2 với doanh thu hơn 100 tỷ đồng.

Để Mai tính 2 hiện là bộ phim đang giữ kỷ lục doanh thu phòng vé với hơn 100 tỷ đồng

Để Mai tính 2 hiện là bộ phim Việt Nam đang giữ kỷ lục doanh thu phòng vé với hơn 100 tỷ đồng

Và sẽ xì hơi bất cứ lúc nào?

Sự tăng trưởng về doanh thu của làng điện ảnh Việt sau một thập kỷ biến động là điều đáng mừng, nếu không muốn nói là đang khởi sắc tích cực. Tuy nhiên, cùng với việc bùng phát nhanh chóng đó, một số chuyên gia cho rằng quả bong bóng điện ảnh kỳ thực đang tăng quá nhanh so với sức chứa của nó nên có thể sẽ bùng nổ và mang lại những hậu quả khó lường vào bất cứ lúc nào.

Các nhà làm phim Việt Nam có lẽ nên sáng suốt hơn trước khi bắt tay đổ tiền vào đầu tư một dự án điện ảnh nào đó, bởi sau cú hít Để mai tính 2 trị giá 100 tỷ vào năm ngoái thì từ đầu năm 2015 đến nay, người ta chưa thực sự bắt gặp bộ phim nào có thể cán được mốc doanh thu đó hoặc tương đương. Điều này có thể là một dấu hiệu cho việc doanh thu thị trường điện ảnh đang chạm tới mốc tới hạn của nó. Ngay cả 49 ngày, bộ phim được cho là mang lại thành công đột phá của đạo diễn Nhất Trung cũng chỉ mới loay hoay được ở mức vài chục tỷ, đó là chưa nói đến chuyện con số doanh thu phim Việt thường thiếu chính xác bởi chưa có hệ thống thống kê doanh thu độc lập mà hầu hết đều chỉ là con số công bố bằng miệng của nhà phát hành.

49ngay

49 ngày là bộ phim mang điểm sáng về doanh thu năm nay nhưng vẫn chưa thể lập nên kỷ lục mới mẻ nào

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là các nhà làm phim nên… ngưng làm phim, nhưng có lẽ đã đến lúc giới điện ảnh bắt đầu nên đi chậm lại để tiến từng bước một chắc chắn hơn, thay vì cứ tăng trưởng như vũ bão trong vòng 10 năm qua. Hậu quả của việc tăng trưởng quá đà và chạy theo lợi nhuận đã khiến thị trường sinh ra hàng loạt những bộ phim đầu voi đuôi chuột, thiếu chất lượng, đạo diễn hành nghề chưa sạch nước cản nhưng đã vội vã tuyên bố hoành tráng nọ kia. Hello cô ba, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Ranh giới trắng đen, Nàng men chàng bóng… là những bộ phim vừa thiếu đầu tư vừa nông cạn được lưu lại trong lòng người xem với danh từ “thảm họa”, còn những tác phẩm chỉn chu hơn như Tèo em, Mỹ nhân kế 3D, Để mai tính 1, 2, Cô dâu đại chiến… dù có phần khá khẩm hơn nhưng vẫn không thoát được cái mác hài nhảm cố tình câu khách bằng tiếng cười thiếu chiều sâu và những tên tuổi ăn khách trong làng hài.

teoem

Tèo em dù thành công về mặt thương mại nhưng lại là bộ phim bị đánh giá thấp về mặt chuyên môn.

Cần tránh đi vào vết xe đổ

Hẳn rất nhiều người còn nhớ trào lưu làm phim mì ăn liền từng rất thịnh hành ở Việt Nam trong thập niên 1980 - 1990, khi các nhà làm phim đua nhau làm ra hàng trăm cuốn phim video (và từ chối làm phim chiếu rạp) để có thể thu hồi vốn nhanh, chạy theo lợi nhuận. Phim mì ăn liền thường bị đánh giá là dòng phim cấp thấp, ít đầu tư, nội dung hời hợt và được tạo ra từ “tinh thần” ăn xổi của những người làm phim. Dù phát triển rất mạnh và đầy tiềm năng, chỉ sau đó ít lâu, dòng phim mì ăn liền ngay lập tức “phá sản” vì gặp phải sự quay lưng của nhiều tầng lớp khán giả.

mianlien

Dòng phim mì ăn liền ở Việt Nam bùng nổ từ cuối thập niên 1980 và nhanh chóng thoái trào vào giữa thập niên 1990

Sẽ hơi… bất công với điện ảnh Việt ở giai đoạn hiện tại khi so sánh với thời kỳ làm phim mì ăn liền, bởi hiện nay hầu hết các nhà đầu tư đều vẫn đang tâm huyết và dành ra khá nhiều tiền, công sức để thực hiện các bộ phim của mình. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, so sánh này cũng đúng bởi tư duy của các nhà làm phim ở hai thời đại hầu như đều giống nhau: muốn lời thật nhiều và thu hồi vốn thật nhanh.

Thế nên mới có chuyện các đạo diễn tên tuổi gần như bị “vắt kiệt sức”. Nếu như Lưu Huỳnh khi xưa khoảng 3, 4 năm mới làm một phim thì trong 4 năm trở lại đây anh có tới 3 phim và rồi “ngã ngựa” với tác phẩm mới nhất là Hy sinh đời trai.

hysinhdoitrai

Hy sinh đời trai là cú “ngã ngựa” khá đau của đạo diễn Lưu Huỳnh trong năm nay.

Còn Victor Vũ vốn có “năng suất” rất cao mỗi năm một phim trong khoảng 2009 - 2012 sau này cũng bắt đầu có dấu hiệu đuối về mặt ý tưởng khi phải làm đến 3 phim trong cùng 1 năm 2014. Phim của Victor Vũ thường ít khi thất bại về doanh số nhưng về mặt nghệ thuật, giới phê bình khó lòng có thể đánh giá cao khi anh không có đủ độ lùi về thời gian để chiêm nghiệm và trau chuốt cho tác phẩm của mình hoàn hảo. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sắp ra mắt tới đây cũng là một “phép thử” dành cho Victor Vũ khi anh tạm xa rời dòng phim giải trí để thử sức với nghệ thuật bay bổng, nhưng dù được yếu mến cỡ nào, vẫn còn đâu đó nhiều ánh nhìn nghi ngại dành cho anh đằng sau chất lượng của tác phẩm này.

toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một ẩn số của điện ảnh Việt 2015.

Người ta nói, bạo phát thì bạo tàn. Nền điện ảnh Việt dĩ nhiên là không thể và khó lòng tàn lụi khi niềm tin và nhiệt huyết của các nhà làm phim vẫn đang hừng hực cháy. Chỉ đếm riêng con số các bộ phim sẽ ra mắt từ đây đến Tết 2016 đã thấy nhiều hơn 10 ngón tay, thế nên khán giả vẫn có thể yên tâm là họ sẽ được “phủ phê” về mặt món ăn tinh thần trên màn ảnh rộng trong một thời gian dài nữa. Thị trường cũng đang bắt đầu “nhen nhóm” nhiều nhà sản xuất mới nổi và đang tìm mọi cách câu khách ngay từ cái tên phim như Già gân, mỹ nhân và găng tơ (Thanh Thúy, Đức Thịnh), Điệp vụ 3 lờ (Thủy Tiên), Em là bà nội của anh (CJ)…

Tuy nhiên, việc quá đủ đầy đôi khi sẽ dẫn đến tình trạng… chán ngán, và nếu các nhà làm phim cứ chạy theo số lượng hay những chiêu trò PR mà quên đi chất lượng, thiếu đầu tư cho sự mới lạ, sâu sắc thì khán giả cũng sẽ nhanh chóng mất hứng và quay lưng ngay. Và khi đó, giấc mơ làm giàu từ điện ảnh sẽ từ từ vỡ vụn mà một cái tên quen thuộc như Nguyễn Chánh Tín là trường hợp tiêu biểu.

Suy cho cùng thì, dù bước vào con đường làm điện ảnh với tâm thế của một người làm nghệ thuật hay kinh doanh, các nhà làm phim vẫn cần có sự sáng suốt. Sáng suốt để hiểu rằng bất cứ quả bong bóng nào cũng có giới hạn của riêng nó.

Chia sẻ
Tin mới nhất