Năm 2015, Hollywood ghi nhận những kỷ lục phòng vé mới. Jurassic World, Fast and Furious 7, Fifty Shades of Grey, Minions và Spectre đã càn quét khắp các rạp trên toàn cầu, tạo nên những hiện tượng của năm. Tuy nhiên, độ nổi tiếng của các tác phẩm này lại tỉ lệ nghịch với chất lượng của chúng. Một lần nữa, câu chuyện về những bom tấn “thùng rỗng kêu to” trên màn ảnh Hollywood lại tiếp tục trở thành đề tài bàn tán không ngớt.
Jurassic World - Cố thức tỉnh thương hiệu đã ngủ yên
Jurassic World được xem là phần 4 của tượng đài khoa học viễn tưởng Jurassic Park (1993). Sau 22 năm, khán giả có dịp hội ngộ những chú khủng long hung hãn ngày nào. Nhờ tiến bộ về mặt kỹ thuật, Jurassic World mang đến một thế giới khủng long khổng lồ và tuyệt diệu. Phim đã đánh bại The Avengers, trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử điện ảnh.
Mặc dù vậy, độ hoành tráng và mãn nhãn của Jurassic World vẫn không thể làm khán giả mãn lòng. Phim có mô-tip quen thuộc với những tình huống cũ kỹ. Khâu kịch bản để lộ nhiều lỗ hỏng thiếu logic. Bên cạnh đó, hệ thống nhân vật dày đặc nhưng lại chưa cân bằng được vai trò của họ khiến phe người trở nên mờ nhạt.
Cái kết của phim tiếp tục đi theo lối mòn của “người tiền nhiệm” nhưng lại vô duyên và kém thuyết phục. Jurassic World đã khoác lên người cái áo quá rộng của bản phim kinh điển. Dường như hãng Universal chỉ hồi sinh thương hiệu khủng long mà quên đi chất lượng của nó.
Fifty Shades of Grey - 20 phút cảnh nóng làm lên “chuyện”
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn E. L. James, Fifty Shades of Grey đã “nóng” ngay từ lúc rục rịch sản xuất. Nội dung nhạy cảm cùng nhãn R của phim khiến khán giả tò mò kéo đến rạp. Fifty Shades of Grey phá vỡ nhiều kỷ lục, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong ngày lễ Valentine và là tác phẩm đắt giá nhất mọi thời đại do một nữ đạo diễn thực hiện.
Nếu không có 20 phút cảnh nóng, Fifty Shades of Grey sẽ đi về đâu? Chắc chắn nó sẽ là một bộ phim nhạt nhẽo với nội dung lan man và những phân đoạn sến súa. Cảnh nóng chỉ cứu nổi doanh thu phim nhưng không thể nào thay đổi chất lượng của nó. Fifty Shades of Grey không thoát khỏi tai tiếng của phim khiêu dâm rẻ tiền, chẳng khác nào một bộ phim cấp 3 được chiếu trên màn ảnh rộng.
Furious 7 - “Sống” nhờ cái chết của Paul Walker
Furious 7 là phần cuối cùng của loạt phim Fast and Furious có sự góp mặt của tài tử Paul Walker. Bom tấn mùa hè này đã tạo nên cú hit phòng vé khi vượt qua kỷ lục của Avatar, trở thành tác phẩm đạt doanh thu trên một tỷ USD trong thời gian ngắn nhất (17 ngày). Cái chết của Paul Walker khiến thương hiệu phim hành động này đắt giá hơn bao giờ hết. Người hâm mộ kéo nhau đến rạp xem Furious 7 như một bộ phim tưởng niệm đúng nghĩa.
Furious 7 là lời chia tay đẹp với tài tử quá cố Paul Walker, nhưng chưa phải là một bộ phim đẹp dành cho khán giả. Cốt truyện lỏng lẻo, nhiều pha hành động lố bịch cùng sự lạm dụng kỹ thuật shaky-cam khiến Furious 7 “quá nhanh và quá nhạt”. Dường như nỗi đau trước sự ra đi của Paul Walker khiến khán giả chỉ quan tâm đến số phận của chàng quái xế trên màn ảnh mà bỏ qua những khuyết điểm của phim.
Minions - Câu chuyện “ăn theo” muôn thuở của Hollywood
Giống như một phản xạ có điều kiện, khi nhắc đến Despicable Me (2010), người xem ngay lập tức nghĩ đến những chú minion siêu đáng yêu. Nhân vật phụ này bước ra khỏi màn ảnh và trở thành hiện tượng trên toàn cầu. Phần phim spin-off Minions được ra đời như một điều tất yếu khi tham vọng doanh thu của nhà sản xuất chưa bao giờ dừng lại. Những gã tay sai bá đạo này tiếp tục tăng sức nóng vốn có của nó, đồng thời mang về cho hãng phim món hời gấp 6 lần chi phí sản xuất.
Doanh thu khủng của Minions hoàn toàn “phản bội” chất lượng phim. Với một cốt truyện nghèo nàn và những tình tiết nhạt nhẽo, những gã tay sai da vàng dù đáng yêu đến mấy cũng chẳng thể cứu nổi phim. Nhịp phim dàn trải, không có cao trào biến Minions thành một liều thuốc ngủ cực mạnh. Càng về cuối, tác phẩm càng đuối dần và ngã ngựa ở phút chót. Minions đặt dấu chấm hết cho cơn sốt minions và là một cú tự tát vào mặt mình của nhà sản xuất.
Spectre - Khi sự xa hoa làm mờ mắt khán giả
Hành trình thứ 24 của James Bond đã liên tiếp phá vỡ kỷ lục phòng vé trên tất cả các thị trường điện ảnh được công chiếu. Tuy nhiên, Spectre cũng chỉ là một “bóng ma nhạt nhòa” trên màn ảnh. Việc giữ nguyên những đặc sản vốn có khiến phim thiếu bóng dáng của sự sáng tạo.
Mạch phim lủng củng, rời rạc với những pha hành động nhỏ lẻ và chưa thực sự “rửa mắt” khán giả. Spectre xếp mình vào hàng ngũ những bom tấn rỗng ruột che mắt khán giả bằng các cảnh quay tốn kém, mỹ nhân và bối cảnh xa hoa tráng lệ.