Trong số những bộ phim về đề tài ẩm thực, Ramen Daisuki Koizumi-san có lẽ là drama nổi bật về ramen nhất. Với lịch sử phát triển hàng trăm năm, món mì này đã trở thành 1 trong những biểu tượng văn hóa của Nhật Bản và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng những con người sành ăn nhất trên thế giới.
Vậy, hãy khám phá những cửa tiệm ramen nổi tiếng nhất Nhật Bản cùng Ramen Daisuki Koizumi-san trong phần cuối của loạt bài này nhé.
Menya Shichisai
Khác với những cửa tiệm khác vốn thường chuẩn bị mì từ trước đó, Shichisai sẽ làm mì ngay khi nhận được yêu cầu của thực khách. Lý do là bởi sợi mì tươi nhất có thể sẽ tạo ra được cảm giác nhai ngon miệng nhất, và đó là nguyên nhân khiến Shichisai trở thành 1 trong số những tiệm ramen có sức tác động mạnh nhất lên vị giác của thực khách.
Không chỉ riêng sợi mì, mà ngay cả nước dùng cũng vô cùng đặc biệt khi nó có 100% hương vị của cá cơm khô - 1 tuyệt phẩm không thể bỏ qua. Dĩ nhiên, các nguyên liệu đi kèm như trứng, măng và thịt lợn đều rất ngon.
Men Gekijou Genei
Được thành lập bởi Irie Hideki, Men Gekijou Genei vốn là cửa tiệm tương đối sang trọng. Ramen xương heo tại đây được chế biến từ lợn Iberia, là thứ có mùi vị thơm ngon độc nhất vô nhị.
Thứ quý giá nhất trong tô mì của tiệm này nằm ở phía dưới - nước xốt được tạo ra từ hỗn hợp tôm khô và cồi sò điệp khô. Khi trộn mì từ phía dưới lên, mùi vị sẽ thay đổi và trở nên đậm đà hơn rất nhiều.
Yakusen Ramen Dragon
Với cái tên có nghĩa là dược phẩm (Yakusen), cửa tiệm này chú trọng vào việc phối hợp thực phẩm lành mạnh cho thực khách. Về mặt cơ bản, những gì chứa trong món ramen này đều là thượng hạng, rất dễ ăn và có hương vị tươi tắn.
Bằng cách dùng nước súp được tạo ra từ các dược liệu, cơ thể sẽ được làm ấm từ bên trong và gia tăng sự trao đổi chất. Kết hợp với việc tập thể dục, thực khách có thể giảm tới... 30kg mà không quá khó khăn.
Hàm lượng calories trong ramen của cửa tiệm này chỉ bằng 1/3 hàm lượng của ramen thông thường. Nước súp của món này 100% là rau củ khô và thảo dược thay vì thịt gà và thịt heo, được nấu trong dầu nguyên chất thượng hạng. Trong khi đó, sợi mì tại đây lại được nhào trộn với ớt đỏ và nghệ, vì thế mà nó tạo thành 4 màu bao gồm đỏ, vàng, xanh lá và tím.
Mouko Tanmen Nakamoto
Khác với những quán ăn ramen khác có đặc trưng là mặn, đậm vị, Mouko Tanmen Nakamoto có đặc trưng chủ yếu là "cay". Phải, đây là 1 thương hiệu mì cay phong cách ramen đúng nghĩa, thích hợp với sở thích của 1 bộ phận giới trẻ hiện tại. Mouko nghĩa là Mông Cổ, Tanmen là 1 loại ramen đặc trưng tại Tokyo, và Nakamoto chính là tên của vị chủ nhân công thức làm mì.
Năm 1968, Nakamoto đã mở 1 nhà hàng đồ Trung mang tên ông tại Itabashi và đến năm 1998, ông đã đóng cửa nhà hàng này vì lý do sức khỏe. Một trong những fan trung thành nhất của ông trong thời điểm đó, Makoto Shirane - chủ nhân của Mouko Tanmen Nakamoto sau này - đã mất tới 1 năm để cầu xin ông chia sẻ công thức làm món mì cay nổi tiếng của nhà hàng đó. Thấy được ngọn lửa trong mắt người đàn ông trẻ, Nakamoto đồng ý chia sẻ công thức và từ đó, Shirane trở thành người kế nhiệm và Mouko Tanmen Nakamoto ra đời.
Giống như nhiều tiệm mì cay khác, Mouko Tanmen Nakamoto có rất nhiều cấp độ. Để khởi đầu, thực khách nên chọn lựa cấp 5 với phần ăn Mouko Tanmen, bởi nếu không vượt qua được nó thì sẽ không có cơ hội ăn những cấp cao hơn.
Cấp 9 của Mouko Tanmen Nakamoto được gọi là Hokkyoku Ramen và cấp 10 là mì lạnh cay (mì để riêng chứ không cho vào trong nước dùng sẵn) Hiyashi Hokkyoku, vốn được xưng tụng như những "trùm cuối" của tiệm mì này. Để chinh phục được 2 cấp độ ấy, nhiều người đã phải "tăng cấp" dần dần suốt hàng năm trời mới có thể chịu được mức cay đó.
Mouko Tanmen Nakamoto thường sử dụng mapo tofu (đậu hũ ma bà), thịt heo băm nhỏ, các loại rau và trứng làm nguyên liệu ăn kèm với mì. Nước dùng ở đó là nước súp miso được làm theo công thức bí mật, và ở cấp độ càng cao thì lượng ớt được trộn vào sẽ càng nhiều. Ở cấp độ Hokkyoku, bát mì sẽ đỏ đến mức được thực khách phương Tây gọi là "Dung nham đỏ".
Mặc dù rất ngon, nhưng tốt nhất bạn nên cân nhắc kỹ. Có rất nhiều người thậm chí còn không chịu nổi trong lần gắp đầu tiên và phải uống nước lọc thay vì nước súp, chỉ vì không nghe theo cảnh báo của nhà hàng.
Japanese Soba Noodles Tsuta
Trong bài trước, có lẽ nhiều bạn đọc sẽ có chút tò mò về "Tsuta", khi đọc đến câu "nhà hàng ramen thứ 3 trên thế giới được gắn sao Michelin (năm 2019, sau Tsuta và Nakiryu)".
Japanese Soba Noodles Tsuta đứng thứ nhất trong số 23 tiệm ăn tham gia cuộc thi "Ramen Walker" ở Tokyo vào năm 2014, là tiệm ramen đầu tiên được gắn sao Michelin tại Nhật Bản, được mệnh danh là Ramen Đệ Nhất. Không những thế, nó còn giành được giải Bib Gourmand, vốn là giải thưởng dành cho các quán ăn ngon nhưng có giá thành rẻ.
Mặc dù có giá thành rẻ, nhưng vì nó là 1 tiệm được gắn sao Michelin nên lượng người xếp hàng chờ mỗi ngày là vô cùng khủng khiếp. Chuyện có hàng dài xếp hàng đợi 1 tiếng trước khi mở cửa, hay xếp hàng đợi tới 2, 3 tiếng là chuyện... quá bình thường. Dù gì, việc chờ đợi để ăn 1 món mĩ vị với giá thành không quá đắt đỏ cũng không phải chuyện gì tệ cho lắm.
Mì Tsuta được làm thủ công với 4 loại lúa mì nội địa khác nhau, được pha trộn trong 1 chiếc cối xay bằng đá. Ở mỗi chi nhánh, cách nhào bột cũng theo những phong cách khác nhau, và cách làm của Tsuta sẽ khiến mức thủy phân của mì đạt được ở mức tốt nhất.
Đơn giản nhưng lại có hương vị vô cùng độc đáo, đây chính là phong cách của tiệm mì này. Vị của nước súp đậm đà và tuyệt vời, sợi mì được làm thủ công có độ dai đỉnh cao, nấm truýp đen có mùi hương vô cùng tinh tế, thịt gà thơm ngon có nguồn gốc tuyển chọn gắt gao... chính là lý do khiến món ăn hảo hạng này được coi là "vua của những vị vua".
Manpuku
Manpuku là 1 tiệm ramen có lịch sử khá lâu đời, khi được khởi nghiệp từ thời Taishou (Đại Chính, kéo dài từ năm 1912 đến 1926) và chính thức được dựng nên vào năm 1929. Trải qua rất nhiều năm, công thức của món súp vẫn được giữ nguyên và những thành phần trong đó vẫn không đổi.
Manpuku nổi tiếng với món soba Trung Hoa mang hương vị hoài cổ.