Phim Ảnh

Điểm danh những tiệm mì ramen nổi tiếng từng xuất hiện trong Ramen Daisuki Koizumi-san (P.1)

Yasha
Chia sẻ

Ramen Daisuki Koizumi-san đã đem đến cho khán giả thông tin, kiến thức về những cửa hàng ramen hàng đầu tại Nhật Bản.

Ramen Daisuki Koizumi-san là bộ phim được chuyển thể từ manga cùng tên của nữ tác giả Narumi Naru. Nội dung kể về Koizumi (do Hayami Akari thủ vai), một cô nữ sinh với vẻ ngoài xinh đẹp nhưng lại khá lạnh lùng và ít nói. Nhưng ẩn đằng sau vẻ lạnh lùng đó, thì Koizumi lại là một chuyên gia về ramen với sở thích đi trải nghiệm các loại ramen khác nhau vào mỗi ngày.

Đồng hành cùng cô là hai người bạn nữ: Osawa Yuu (do Miyama Karen thủ vai) và Nakamura Misa (do Furuhata Seika thủ vai). Ban đầu, hai người họ chỉ đơn thuần là những kẻ nghiệp dư, chẳng có kiến thức gì nhiều về ramen. Nhưng do một lần tò mò, hai cô nàng đã vô tình bước vào những chuyến đồng hành cùng với Koizumi trên chặng đường thưởng thức tinh hoa của ẩm thực.

Đặc biệt là, các tiệm ramen xuất hiện trong bộ phim này đều là những tiệm ramen có thật tại đất nước Nhật Bản. Bộ phim không những đem đến cho các bạn thông tin về những cửa hàng ramen tại Nhật, mà còn cung cấp cho ta kiến thức, cũng như các thuật ngữ liên quan đến món ăn này.

Vậy, hãy cùng điểm danh những tiệm ramen nổi tiếng từng xuất hiện trong bộ phim này nhé.

Konjiki Hototogisu

Món mì soba của Konjiki Hototogisu có thể nói là ví dụ điển hình cho việc: Không được đánh giá ramen qua vẻ bề ngoài. Khi chế biến nó, người đầu bếp sẽ đem giò heo cùng thịt heo ninh hầm trong súp hải sản, kết hợp cùng nhiều loại nghêu sò khác nhau.Vị ngọt của xương heo cùng với mùi thơm của hải sản, kết hợp với vị ngon của nghêu sò sẽ hòa quyện cùng nhau tạo nên 1 sự kết hợp vô cùng tuyệt vời.

Bên cạnh đó, thành phần tạo nên món mì này còn có dầu nấm truffle trắng của Ý, sốt nấm porcini, thịt xông khói và sốt inca berry. Chính vì thế, đây là một trong những cửa tiệm đứng đầu nước Nhật, là nhà hàng ramen thứ 3 trên thế giới được gắn sao Michelin (năm 2019, sau Tsuta và Nakiryu). Tuy nhiên, món ăn này không quá đắt, chỉ có giá 900 yên. Có điều, nơi đây chỉ có 7 chiếc ghế ngồi ở quầy và 1 vài chỗ ngồi dành cho 2 người mà thôi, tức bạn phải chịu khó chờ đợi để đến lượt của mình.

Trong quá khứ, Konjiki Hototogisu Ramen từng có 1 cửa tiệm nhỏ rất nổi tiếng tại Hatagaya, thuộc khu vực Shibuya, Tokyo, được vô số thực khách từ khắp nơi lui tới. Đó chính là địa điểm mà Ramen Daisuki Koizumi-san đã quay đấy.

Yoroiya

Thực đơn của Yoroiya thường là ramen muối ăn cùng bánh gạo nướng, thịt gà nướng xá xíu, trứng gà 2 lòng đỏ luộc chín, cà rốt trang trí, rau cần,... được chế biến theo phương thức nấu món canh Ozoni của vùng Kanto. Trong khi đó, sợi mì ramen này còn được trộn chung với quả thanh yên nhằm khiến hương vị này trở nên tuyệt diệu hơn.

Cửa hàng này thường được thực khách lui tới vào mỗi ngày đầu năm mới, để có thể thưởng thức món ramen giới hạn của nó: Ozoni Ramen.

Ramen Jiro

Ramen Jiro là 1 chuỗi cửa hàng ramen được thành lập bởi Takumi Yamada, với cửa tiệm đầu tiên tại Meguro, Tokyo vào năm 1968. Vào những năm 70, tiệm mì này được chuyển đến Mita, Minato-ku và nổi tiếng với danh "Tâm hồn ẩm thực", vốn được rất nhiều sinh viên trường Đại học Keio ưa thích. Tính đến năm 2018, thương hiệu này có khoảng 40 chi nhánh trên khắp Nhật Bản và hơn 30 trong số đó nằm ở khu vực Tokyo.

Ramen Jiro nổi tiếng với nước dùng có hương vị đặc trưng độc nhất vô nhị, lôi cuốn hết người này đến người khác đến mức có thể nổi danh nhờ hình thức truyền miệng, trong khi không cần bất cứ hình thức quảng bá truyền thông nào. Trong số đó, cửa hàng số 2 nằm tại Hachioji, quốc lộ Yaen có lẽ là nổi tiếng nhất.

Thương hiệu này thường sử dụng nước dùng xương heo đậm đặc hòa lẫn cùng với xì dầu nhằm tạo nên thứ nước lèo thơm ngon khó có thể cưỡng lại; sợi mì dày, dai và tràn đầy sức sống. Khi chế biến cho thực khách, đầu bếp cũng sẽ hỏi bạn về topping ăn kèm (phần trên của tô ramen sau khi hoàn thành).

Tại Ramen Jiro, khi họ hỏi về tỏi, tức có nghĩa là họ cũng sẽ muốn biết về lượng rau giá và mỡ mà bạn muốn dùng. Khi trả lời, bạn hãy sử dụng những thuật ngữ như "abura" (đầy), "karame" (đậm đà), "mashi" (nhiều) và mashimashi (cực nhiều).

Nhưng tuy nhiên, đó không phải là công thức cố định. Hương vị tinh tế của Ramen Jiro sẽ thay đổi ngày qua ngày, lúc thì đậm đà, lúc thì nhiều dầu mỡ, lúc thì thêm trứng, trong khi hương vị và chất lượng của mỗi quán Ramen Jiro lại hoàn toàn khác nhau. Do đó, tờ báo uy tín tại nước Anh, The Guardian đã xếp ramen của chuỗi cửa tiệm này vào top "50 món ăn mà ta buộc phải nếm thử trong đời".

Do sợi mì của Jiro dày và dễ hút nước lèo, cho nên thực khách phải đảo phần mì từ dưới lên trước và đẩy phần rau củ xuống để tránh sợi mì bị nở. Trong khi đó, rau củ sẽ thấm hút hương vị của nước dùng và trở nên đậm đà hơn rất nhiều. Đây là kỹ năng được gọi là "tenchikaishi" (tạm dịch là "đảo ngược càn khôn").

Những người hâm mộ nhiệt tình với ramen của tiệm này sẽ được gọi là "Jirorian", vốn là những người có thể coi là "không thích ramen, chỉ thích ramen của Ramen Jiro". Đối với họ, ramen tại đây không chỉ là 1 món mì bình thường, mà là 1 món ăn thú vị thay đổi qua từng ngày và họ sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Một lời khuyên cho thực khách là không nên thử cấp "Dai-buta" (phần ăn lớn kèm thịt heo) tại Ramen Jiro nếu không có khả năng ăn nhiều, đặc biệt là với con gái. Bạn sẽ phải bỏ dở giữa chừng nếu cố thử đó, vì nó được mệnh danh là "ngọn núi ramen". Bạn có thể tưởng tượng được về 1 tô mì to cỡ... cái đầu của bạn không?

Còn tiếp...

Chia sẻ

Bài viết

Yasha

Tin mới nhất