Vừa qua, “bom tấn” Cung Tâm Kế 2 - Thâm Cung Kế của TVB đã kết thúc trong sự nuối tiếc của người hâm mộ phim Hong Kong nói chung. Bởi lẽ, người ta cho rằng phim đã đánh mất màu phim cung đấu đặc sắc vốn có của nhà đài xứ Cảng từ Thâm cung nội chiến, Cung tâm kế hay Vạn phụng chi vương. Tuy nhiên, điều khiến khán giả thất vọng nhất lại chính là câu chuyện của nhân vật Nguyên Nguyệt và diễn xuất của diễn viên đảm nhận vai này - Lưu Tâm Du.
Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, dòng phim cung đấu của Trung Quốc - Đại Lục lại bất ngờ xuất hiện một điểm sáng, đó là Diên Hi công lược của nhà biên kịch Vu Chính. Trên thực tế, ở giai đoạn trước khi lên sóng, phim không được đánh giá cao. Tuy nhiên, sau một vài tập phim ra mắt gần đây, điểm của Diên Hi công lược trên trang Douban lại tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, nhân vật trung tâm Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) cũng để lại ấn tượng rất tốt cho người xem bởi sự thông minh, khéo léo và bản tính quật cường.
Một là “bom tấn” xứ Cảng, một bị xem nhẹ ở thị trường Đại Lục, tuy nhiên số phận của hai bộ phim lại đi “lệch quỹ đạo” vốn đã hoạch định ban đầu. Ngay cả hai nhân vật trung tâm của Thâm Cung Kế và Diên Hi công lược cũng có khí chất hoàn toàn trái ngược nhau, dù câu chuyện của họ đều có những nét tương đồng nhất định.
Nguyên Nguyệt ban đầu nhập cung vốn để tìm lại tỷ tỷ của mình - Ân Nhu. Năm xưa vì gia cảnh khó khăn, mẹ cô đành phải để con gái lớn vào cung làm cung nữ. Từ đó, Ân Nhu đều đặn gửi thư và ngân lượng về nhà, nhưng những lá thư cứ thưa dần rồi mất hút. Về sau, khi biết Ân Nhu đã chết trong cung, Nguyên Nguyệt đã quyết tâm đi tìm chân tướng, làm rõ nguyên nhân cái chết của người chị xấu số.
Còn câu chuyện của Ngụy Anh Lạc lại có phần ly kì hơn. Sau khi mẹ mất, một tay tỷ tỷ Ngụy Anh Ninh là người đã chăm sóc, lo lắng cho Anh Lạc. Vì vậy, cô rất xem trọng và yêu thương người chị này. Theo truyền thống gia đình, Anh Ninh nhập cung làm cung nữ, đổi tên thành A Mãn, nhưng lại bị trục xuất vì làm chuyện thất tiết trong cung. Sau đó vì xấu hổ với gia tộc nên cô gái trẻ đã quyên sinh. Nhưng đó là lời của mọi người đồn đoán, riêng Anh Lạc vẫn chưa bao giờ thôi nghi ngờ về cái chết của tỷ tỷ nên đã nhập cung điều tra sự thật.
Mục đích của hai cô gái khi dấn thân vào hoàng cung là khá tương đồng, nhưng cách họ sinh tồn trong cung lại là một câu chuyện khác. Nếu Ngụy Anh Lạc cho thấy cô là người con gái ngay thẳng, khôn lanh, đa mưu túc trí và hiện rõ tâm cơ thì Nguyên Nguyệt lại là nhân vật khá ồn ào, có phần trẻ con và nhanh nhẹn quá mức cần thiết.
Có thể dễ dàng nhận ra, Ngụy Anh Lạc hoàn toàn hội đủ khí chất của con người hoàng tộc. Biết địch biết ta, ý thức rõ ràng vị trí của bản thân, vậy nên những màn đấu tranh sinh tồn trong cung của cô là vô cùng ấn tượng. Mưu sâu kế hiểm Anh Lạc bày ra dẫu có phần cao thâm, nhưng ở giai đoạn này, đó chỉ là cách phòng vệ chính đáng và bảo vệ người yếu thế hơn. Bởi lẽ khi đặt chân vào Tử Cấm Thành, quá lương thiện, thật thà thường thua thiệt, thậm chí là mất cả mạng sống.
Ngụy Anh Lạc ngay từ đầu đã thể hiện mình không phải một nữ nhân tầm thường. Cô sống với cái tâm thanh cao, trong sạch, lòng dạ ngay thẳng, bộc trực nhưng sẵn sàng thị uy và đáp trả những âm mưu “mượn dao giết người”, “ném đá giấu tay” dơ bẩn của tiểu nhân trong cung. Bên cạnh đó, tài năng thêu thùa, mưu trí hơn người và cách ứng phó nhanh nhạy với những tình huống khó của cô đã chiếm được không ít cảm tình của khán giả. Chỉ cần nhìn vào Ngụy Anh Lạc của giai đoạn này, chúng ta đã có thể hiểu được vì sao cô trở thành người vua Càn Long sủng hạnh nhất về sau.
Riêng về Nguyên Nguyệt, dẫu rơi vào tình huống tương tự Anh Lạc nhưng cô hoàn toàn gây thất vọng vì lối ứng xử thiếu chuẩn mực trong cung. Không giỏi giang, cũng chẳng khéo léo, cô cung nữ ngây ngô dường như chỉ sống sót nhờ may mắn và sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Hơn nữa, Nguyên Nguyệt trên màn ảnh nhỏ là nhân vật bốc đồng, không thấu hiểu thế sự; thẳng thắn, bộc trực nhưng quá đơn thuần và lương thiện. Nói cách khác, khí chất hoàng tộc và khí khái của một nữ nhân bất phàm là điều mà Nguyên Nguyệt không thể sánh bằng Anh Lạc.
Thiếu sự gai góc trong tính cách, thiếu đi nét mạnh mẽ pha lẫn sự ngông cuồng, đanh thép và kiên định trong lời nói, nhân vật của Lưu Tâm Du chẳng khác gì những cô gái ngây thơ trong cổ tích, chỉ chực chờ phép màu để một bước lên mây. Nhưng đây là hoàng cung hiểm ác, chứ không phải thế giới cổ tích thần tiên, vì vậy cách khắc họa và thể hiện nhân vật đã khiến vai diễn này hoàn toàn nhạt nhòa trong ý thức khán giả.
Càng về sau, Ngụy Anh Lạc càng cho thấy bản lĩnh hơn người của mình. Can trường, mạnh mẽ nhưng tốt bụng và lương thiện, Anh Lạc hay ngay cả Ngô Cẩn Ngôn đều được đánh giá cao hơn Nguyên Nguyệt và người thể hiện vai diễn này là Lưu Tâm Du.