Phim Ảnh

Để có vai diễn chảnh và đỏng đảnh như 'Cô Ba Sài Gòn' là cả một quá trình lột xác của Lan Ngọc

Bạch Vân
Chia sẻ

Những ngày gần đây khi độ phủ sóng của bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" ngày một lớn thì vai nữ chính do Ninh Dương Lan Ngọc đảm nhận lại càng được bàn luận sôi nổi.

Cô Ba Sài Gòn là bộ phim kể về quá trình tìm thấy chính mình trong nét đẹp truyền thống của một tiểu thư “nhà nòi” vốn được sinh ra trong một gia đình 9 đời may Áo Dài nổi tiếng bậc nhất Sài Thành. Thế nhưng cô không hề có hứng thú với nghề may áo dài của gia đình, thậm chí còn căm thù nó khi ý tưởng mở một tiệm may Âu phục bị phản đối gay gắt bởi người mẹ nghiêm khắc.

Như một phép lạ, Như Ý được đưa đến khoảng thời gian 50 năm sau (chính là xã hội hiện đại bây giờ) và gặp chính mình trong bộ dạng bê tha, thất bại. Cô đã quyết tâm lấy lại danh hiệu quý cô đệ nhất thanh lịch khi xưa. Như Ý dần yêu mến và cảm nhận được nét đẹp duyên dáng, khác biệt mà tà áo dài truyền thống mang lại. Cô đã học may áo dài, trở thành truyền nhân của nhà may Thanh Nữ, hóa giải sự xung đột giữa hiện đại và truyền thống và khẳng định giá trị bền vững của tà áo dài Việt hay chính bản sắc của quê hương.

Một kịch bản phim không có nhiều kịch tính, yếu tố lãng mạn gần như được loại bỏ làm cho khán giả đổ dồn mọi lời khen chê vào nhân vật. Đã có những ý kiến vội vàng cho rằng Lan Ngọc “bê nguyên” thần thái và biểu cảm của Cám trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể vào vai Như Ý trong Cô Ba Sài Gòn. Hay có những nhận định thiển cận hơn, cho rằng nữ diễn viên quá nhạt nhòa đến nỗi chỉ giữ nguyên một màu sắc trong phim, chưa thể hiện rõ cá tính nhân vật.

Thế nhưng nếu tinh tế quan sát và có cái nhìn bao quát hơn về vai diễn của Lan Ngọc trong Cô Ba Sài Gòn và cả quá trình đóng phim của cô hơn 7 năm qua, khán giả sẽ nhận ra những bước tiến bộ vượt bậc trong mỗi vai diễn mà cô đảm nhận.

Không phải vô cớ mà Ninh Dương Lan Ngọc được nhận giải thưởng Cánh diều vàng ở hạng mục Nữ chính phim truyện nhựa từ năm 2010, giải thưởng Mai vàng ở hạng mục Nữ diễn viên điện ảnh năm 2011, là Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 17 (2011) và mới đây là Giải “Gương mặt châu Á” tại Liên hoan phim Busan nhờ vai nữ chính trong Cô Ba Sài Gòn.

Ninh Dương Lan Ngọc nhận giải Gương mặt châu Á.

Ninh Dương Lan Ngọc xuất hiện lần đầu tiên trên màn ảnh Việt khi chỉ mới 20 tuổi nhưng cô đã chinh phục được khán giả bởi vai diễn Nương trong phim Cánh đồng bất tận, một vai diễn đầy cảm xúc và ám ảnh. Có lẽ chính tuổi 20 trong sáng và thuần khiết đã làm nên một nhân vật Nương hiền lành, nhân hậu, giỏi cất giấu nỗi đau.

Trong Cánh đồng bất tận, khán giả hoàn toàn bị chinh phục bởi lối diễn tự nhiên, chất giọng nhẹ nhàng thể hiện đúng tính cách nhân vật mà không một chút gượng gạo của Lan Ngọc. Có lẽ thách thức lớn nhất của cô trong bộ phim này là thể hiện được nội tâm giằng xé bên trong nhân vật, nỗi đau, nỗi mất mát và nỗi nhục của cô gái miền Tây mà sau tất cả vẫn giữ được vẻ hiền hậu, bao dung. Nhưng cô đã tinh tế cảm nhận được mọi cảm xúc ấy và thể hiện trọn vẹn trên màn ảnh, ghi dấu tên tuổi mình ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề.

Lan Ngọc trong Cánh đồng bất tận.

Sau vai diễn Nương, Lan Ngọc tiếp tục hóa thân vào những nhân vật trong sáng, hiền lành và có phần nhu mì như Minh Minh trong Tèo em, Lụa trong Vừa đi vừa khóc hay Thơm trong Trúng số. Những màn hóa thân “không lệch đi đâu được” ấy dường như đã khiến khán giả găm vào trí nhớ hình ảnh một Lan Ngọc thật dịu dàng, thật nữ tính và hội tụ đầy đủ những phẩm chất của người con gái Việt truyền thống.

Nhưng đến năm 2016, Ninh Dương Lan Ngọc đã hoàn toàn lột xác khi ra mắt khán giả với vai diễn Cám trong bộ phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân sản xuất. Cám đã hiện ra đích xác là một con người toan tính, chua ngoa và đanh đá. Vai phản diện ấy đã ra được cái chất riêng, không hề lẫn lộn với những nhân vật hiền lành trước đây do cô đóng. Cái sắc sảo, mưu mô và chanh chua của Cám đã được Lan Ngọc thể hiện hoàn hảo. Có lẽ vì bước chuyển biến đột ngột này mà trong một vài khoảnh khắc, diễn xuất của Lan Ngọc còn khô cứng, thiếu linh hoạt. Tuy nhiên vai Cám của cô vẫn được khán giả đánh giá cao, thậm chí còn gây chú ý hơn vai Tấm do Hạ Vi đóng.

Không thỏa mãn với những vai diễn của mình, Lan Ngọc tiếp tục thử thách mình trong một cá tính mới: nhân vật “đả nữ” trong bộ phim hành động Găng tay đỏ. Ở đây cô đã thể hiện đúng thần thái của một nữ sát thủ quyết liệt, táo bạo nhưng cũng rất lôi cuốn.

Và đến Cô Ba Sài Gòn, Lan Ngọc trở về là một cô tiểu thư kiêu sa, sang chảnh bậc nhất Sài Thành trong vai Như Ý. Sự nhí nhảnh, đỏng đảnh của cô trong những giây phút đầu tiên xuất hiện có thể đã khiến nhiều khán giả ghét. Nhưng đó mới là tính cách của con gái rượu nhà may Thanh Nữ, là đệ nhất thanh lịch trên đất Sài Gòn thuở ấy.

Nếu ban đầu khán giả khó chịu, ngán ngẩm bao nhiêu với cô tiểu thư kiêu kì ấy thì càng về sau lại càng thấy thiện cảm và yêu mến bấy nhiêu. Bởi sự kiêu căng của cô gái luôn cho mình là nhất đã trở thành lòng kiêu hãnh, sự tự tôn của một người không biết cúi đầu, không chấp nhận thất bại. Thần thái của Như Ý lúc nào cũng tỏa rạng đúng như bản chất của một Cô Ba Sài Gòn. Vì thế, đòi hỏi sự thay đổi đa sắc của nhân vật trong bộ phim này là một điều phi lí. Nói như thế không có nghĩa là Như Ý chỉ hiện lên đơn điệu với duy nhất một nét tính cách, sau khi sống ở Sài Gòn năm 2017, cô đã trở nên sâu lắng hơn, bớt nông cạn và nóng nảy hơn, nhưng thần sắc kiêu sa, tự tôn thì không bao giờ thay đổi.

Trong bộ phim, từng cử chỉ, điệu bộ nhỏ nhất của nhân vật cũng được Lan Ngọc chăm chút. Cô không chỉ đứng để diễn trước máy quay mà còn nhập tâm thực sự vào nhân vật. Lan Ngọc và Ngô Thanh Vân đã cất công tìm đến những nghệ nhân may áo dài xưa để học hỏi và trau dồi kiến thức. Cô cũng học thêm phát âm tiếng Pháp để mỗi lời thoại bồi vào thật chuẩn xác, tự nhiên. Và với gương mặt khả ái, phúc hậu, đôi mắt biết cười vừa sắc sảo vừa dễ thương, dường như vai diễn Cô Ba Sài Gòn không thể dành cho ai khác ngoài Lan Ngọc.

Hậu trường của Ninh Dương Lan Ngọc trong quá trình quay phim Cô Ba Sài Gòn.

Có thể nói, với vai Như Ý, Ninh Dương Lan Ngọc không chỉ diễn cho tròn trịa mà còn gây hứng thú đặc biệt cho người xem. Hình tượng Như Ý - truyền nhân của nhà may Thanh Nữ đã làm nên một Lan Ngọc thật khác, thật linh hoạt và đa dạng. Ngược lại, chính bản thân cô đã thổi hồn vào nhân vật, làm nên cá tính khó phai của hình ảnh cô Ba nổi tiếng thời bấy giờ.

Qua những nhân vật từng hóa thân, Lan Ngọc không bao giờ gồng mình để tự làm lố, làm nổi vai diễn. Mọi thứ rất tự nhiên như không hề có sự khập khiễng giữa nhân vật trong phim và con người ngoài đời. Nếu nói những vai diễn kể trên sinh ra đã dành cho cô thì có lẽ hơi thiên vị. Mà đúng hơn là Lan Ngọc đã chủ động trau dồi bản thân, đi sâu khai thác năng lực của mình để biến hóa phù hợp, chinh phục những vai diễn khó nhất.

Với tất cả những nỗ lực và thành quả được công nhận qua bấy nhiêu năm, có lẽ Ninh Dương Lan Ngọc chẳng cần lên tiếng giải thích nhiều về những ồn ào tranh giành vai diễn. Những gì cô đã và đang làm đều là niềm tự hào và hy vọng của người hâm mộ. Một lần nữa, qua Cô Ba Sài Gòn, Lan Ngọc càng khẳng định mình xứng đáng với danh xưng “ngọc nữ” của màn ảnh Việt.

Teaser phim Cô Ba Sài Gòn.

Phim Cô Ba Sài Gòn hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Bạch Vân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất