Trái với định kiến “hài, nhảm, cảnh nóng” của những năm trước, 2015 là năm chúng ta chứng kiến nhiều sự đổi thay tích cực của nền điện ảnh Việt Nam. Những bộ phim kém chất lượng dù được PR nhiều cỡ nào cũng sớm bị đào thải khỏi rạp chiếu. Khán giả trở nên “thông minh” và khó tính hơn do có nhiều sự lựa chọn nên họ không nhất thiết phải bỏ tiền cho những phim Việt dở. Trong khi đó, cạnh tranh từ phim ngoại tăng lên mãnh liệt do số lượng các nhà phát hành tham gia chia sẻ “miếng bánh” thị trường ngày càng nhiều. Bởi thế, các nhà làm phim Việt Nam cũng buộc phải trăn trở suy nghĩ hướng đi mới cho tác phẩm của mình.
Tổng kết lại năm 2015, ta có thể thấy hai tác phẩm có chất lượng tốt hơn mà doanh thu cũng đạt mức “đáng mơ ước” đối với phim Việt là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (TTHVTCX) và Em là bà nội của anh (ELBNCA). Hai phim đại diện cho hai xu thế làm phim trái ngược: một thiên về tinh thần dân tộc, bối cảnh dân dã, rất thuần Việt, còn một được làm lại từ kịch bản Hàn Quốc , dù đã được Việt hóa khá nhiều nhưng vẫn còn đâu đó bóng dáng của văn hóa xứ sở Kim Chi. Tuy nhiên, cả hai đều được khán giả đón nhận nhiệt tình và trở thành “hiện tượng của năm” khi TTHVTCX nhận giải nhất do Ban giám khảo bình chọn còn ELBNCA cũng lĩnh giải Phim được yêu thích nhất do người xem bình chọn trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.
Nguồn gốc
TTHVTCX được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều người Việt Nam - đặc biệt là các bạn trẻ - đã lớn lên trong sự nuôi dưỡng tâm hồn từ những áng văn dung dị, bay bổng của Nguyễn Nhật Ánh: Kính vạn hoa, Mắt biếc, Buổi chiều Windows, Cô gái đến từ hôm qua, Bồ câu không đưa thư, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… Bởi vậy, thế mạnh của TTHVTCX bản điện ảnh là… chưa cần quảng cáo cũng đã “hot” do số lượng người hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh quá đông đảo. Đặc biệt, đây là một trong số những dự án đầu tiên được ra đời dưới sự đặt hàng, đầu tư vốn của Nhà nước (cụ thể là Cục điện ảnh) và hãng phim tư nhân sản xuất (Galaxy Media & Entertainment).
Cũng làm lại từ một bộ phim nổi tiếng trước đó của Hàn Quốc là Miss Granny, nhưng con đường đến với khán giả của ELBNCA lại trắc trở hơn nhiều so với TTHVTCX. Miss Granny do tập đoàn CJ Entertainment sản xuất, ra mắt tại Hàn đầu năm 2014 và nhanh chóng giành được thắng lợi lớn. Độ nổi tiếng của phim vượt ra cả phạm vi quê hương của nó, lan khắp Á châu. CJ Entertainment quyết định biến đây thành thương hiệu điện ảnh toàn cầu mang dấu ấn của hãng. Tại mỗi quốc gia có chi nhánh của CJ Entertainment, hãng sẽ thuê những ekip làm phim bản địa để “địa phương hóa” Miss Granny. Ở Việt Nam, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được tin tưởng giao phó nhiệm vụ này, biến Miss Granny thành ELBNCA.
Nội dung
Lấy bối cảnh một làng quê nghèo miền Nam Trung Bộ thập niên 80, TTHVTCX xoay quanh cuộc sống của hai anh em Tường (Trọng Khang) - Thiều (Thịnh Vinh). Những câu chuyện vụt vặt của hai đứa trẻ, trò chơi thưở thơ ấu, cánh đồng, con diều, mùa nước lũ lên ngập ngôi nhà nhỏ, tình anh em gắn bó hay rung động giới tính đầu đời được lồng ghép với nhiều cảm xúc đa dạng: mâu thuẫn, day dứt, giận hờn… nhưng đọng lại cuối cùng trong khán giả vẫn là sự dịu êm, thân thuộc của tuổi thơ, nhất là đối với thế hệ 7x, 8x.
ELBNCA thì vừa hoài cổ, vừa hiện đại. Bà già Đại (NSƯT Minh Đức) góa chồng, cả đời chăm nom cho cậu con trai, bỗng một ngày được “trẻ hóa” nhờ một tiệm ảnh thần kỳ. Quay trở lại với thân hình cô gái tuổi đôi mươi, bà lấy tên là Thanh Nga (Miu Lê đóng) và dự định tận hưởng cơ hội trời ban này để bù đắp cho những tháng ngày gian lao trước kia. Tuy kịch bản và khung hình không khác biệt mấy so với bản Hàn, ELBNCA với bối cảnh, thời trang và âm nhạc gợi nhắc Việt Nam xưa vẫn có thể chạm tới trái tim khán giả. Phân cảnh Miu Lê hát Còn tuổi nào cho em - một sáng tác kinh điển của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi rơi lệ.
Ekip làm phim
Dẫn dắt TTHVTCX là Victor Vũ - một đạo diễn người Mỹ gốc Việt. Trước đó, anh đã làm khá nhiều phim nhưng chủ yếu thiên về hài, hành động và kinh dị như Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scandal, Quả tim máu... Anh không lớn lên với văn của Nguyễn Nhật Ánh, càng xa lạ với bối cảnh làng quê Việt Nam thập niên 80 nên đây là một thử thách vô cùng lớn cho Victor Vũ khi nhận lời đạo diễn TTHVTCX.
Đã từng có nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của dự án này cho tới khi teaser đầu tiên của phim được tung ra và ngay lập tức tạo ra cơn sốt trong công chúng. Những thước phim đẹp như tranh kết hợp với âm nhạc du dương mang đến hoài niệm về một thời kỳ nghèo khó nhưng yên bình của đất nước ta. Và rồi tiếp nối hiệu ứng đó, sau khi ra mắt bộ phim ngay lập tức lên ngôi “bá chủ” phòng vé, đạt doanh thu lên tới gần 80 tỷ đồng và khiến giới truyền thông “chao đảo” trong suốt một thời gian dài.
Không được dày dặn kinh nghiệm như Victor Vũ, ELBNCA là dự án đầu tay do chính Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn. Anh từng có thời gian học làm phim tại Mỹ, có kiến thức rộng rãi về điện ảnh và đã theo dõi thị trường phim Việt trong một thời gian dài. Tuy là tác phẩm đầu tiên nhưng đạo diễn họ Phan đã chứng tỏ được khả năng của mình qua những khung cảnh, trường đoạn đầy cảm xúc, tròn vẹn và khả năng Việt hóa đáng kể một bộ phim nước ngoài. Có thể tin rằng với “cú nổ” này, sự nghiệp tương lai của anh đang được mở rộng và rất sáng sủa.
Dàn diễn viên
Bộ ba diễn viên nhí trong TTHVTCX Thịnh Vinh, Trọng Khang, Thanh Mỹ bỗng trở thành những em bé “hot” nhất Việt Nam sau thành công của bộ phim này. Mặc dù ở độ tuổi rất nhỏ, các em đã sở hữu sự nghiệp diễn xuất vô cùng phong phú. Đây được đánh giá là thế hệ diễn viên tài năng trong tương lai của điện ảnh nước nhà. “Diễn mà như không diễn”, những cô bé cậu bé này đã hóa thân trọn vẹn vào nhân vật của mình, “bắt” người xem phải khóc cùng, cười cùng trong từng khoảnh khắc.
Dàn diễn viên trong ELBNCA lại tương đối có tiếng tăm hơn. Tuy nhiên, ẩn số gây bất ngờ nhất lại là diễn viên - ca sĩ trẻ Miu Lê. Sự nghiệp điện ảnh của cô gái này trước đó khá mờ nhạt với những vai phụ trong các bộ phim hài nhảm, không để lại mấy ấn tượng. Việc trao vai chính của một bộ phim tương đối lớn như ELBNCA cho Miu Lê cũng là quyết định khá mạo hiểm của ekip làm phim, tuy nhiên cô đã không phụ sự kỳ vọng của mọi người. Dù còn đôi chút vụng về trong cách xử lý, đây vẫn được đánh giá là vai diễn đột phá và đưa tên tuổi Miu Lê lên một tầm cao mới.
Hiệu ứng lan tỏa
Thành công của TTHVTCX đã đánh tan định kiến của người xem về “phim Nhà nước” nói riêng và phim Việt Nam nói chung. Rất nhiều khán giả từng tuyên bố “Nói không với phim Việt” sau đó đã chấp nhận gia nhập vào hàng ngũ… xếp hàng đợi xem phim ngoài rạp. Doanh thu kỷ lục 80 tỷ và những suất chiếu phụ còn kéo dài tới tận ngày hôm nay là minh chứng cho sức hút của bộ phim. Phim cũng mở ra con đường mới cho dòng phim chuyển thể văn học và khẳng định rằng, khán giả Việt không hề quay lưng với những tác phẩm tốt, được đầu tư chu đáo.
Trong khi đó, ELBNCA “sưởi ấm” thị trường phim cuối năm, thậm chí vượt mặt bom tấn Star Wars nhờ nội dung sạch sẽ, hướng tới tình cảm gia đình, những giá trị đạo đức xưa cũ nay đang dần mai một. Tuy còn đó đây những ý kiến phê bình tác phẩm này gần như “nhái lại” y hệt bản Hàn, ít tính sáng tạo, thì thành công của ELBNCA mang đến hướng đi mới cho điện ảnh Việt: học tập, gặp gỡ, giao thoa với những nền điện ảnh tiên tiến hơn trong khu vực và thế giới. Kể cả nếu ban đầu chúng ta chỉ có thể làm những phiên bản từa tựa, thì sự tiếp xúc lâu dài với cách làm phim chuyên nghiệp cũng sẽ giúp điện ảnh Việt dần tiến bộ, giống như cách mà rất nhiều nước đã từng làm.
Kết
Dù đi theo hướng nào, thuần Việt hay lai Hàn, sáng tạo rất nhiều hay học hỏi không ít, thì thành công của TTHVTCX và ELBNCA vẫn là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh nước nhà trong năm 2015. Dưới sự tác động của hai bộ phim này, nhiều đạo diễn khác cũng dành thời gian nhìn nhận lại phong cách làm phim của mình để đổi mới, tìm ra hướng đi tích cực hơn cho các tác phẩm sau này. Nó cũng khiến khán giả tìm lại lòng tin về điện ảnh nước nhà, về một tương lai sáng sủa nơi mà chúng ta có được những bộ phim thực sự chất lượng, sẵn sàng đi thi thố với quốc tế.