Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm kể về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé An. Trong hành hình tìm cha đầy chông gai không kém phần thú vị cùng người bạn đồng hành tên Cò, cậu có cơ duyên được gặp những người con Nam Bộ hào sảng, chất phát và đầy lòng nghĩa hiệp. Đây sẽ là một dự án điện ảnh làm sống lại ký ức của hàng triệu khán giả khi lên màn ảnh rộng.
Năm 1997, Đất rừng phương Nam từng được chuyển thể thành phim truyền hình với tên gọi Đất phương Nam. Tác phẩm gây được tiếng vang lớn, các nhân vật An, Cò, bé Xinh, ông Ba bắt rắn hay chú Tư "Võ Tòng" như bước ra từ trang sách, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả một thời.
Xem thêm: 13 phim Hàn hài hước nhất năm 2021: 'Our Beloved Summer' vui nhộn, 'Vincenzo' như rạp xiếc trá hình
Được biết, đạo diễn Nguyên Quang Dũng đã ấp ủ suốt 5 năm để đưa Đất rừng phương Nam lên màn ảnh rộng. Tác phẩm sẽ đánh dấu màn hợp tác giữa vị đạo diễn trăm tỉ với những tên tuổi lớn của làng điện ảnh Việt như nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, đạo diễn hình ảnh Diệp Thế Vinh, giám đốc âm nhạc Đức Trí. Đồng thời, dự án điện ảnh này còn có sự tham gia đặc biệt ở vai trò cố vấn sản xuất của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người từng làm nên thành công của Đất phương Nam bản truyền hình.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, anh cùng với các cộng sự mình mong muốn Đất rừng phương Nam bản điện ảnh sẽ kế thừa và phát triển trên nền tảng vững chắc của tiểu thuyết nguyên tác và bản phim truyền hình. Là một người con của vùng đất Nam Bộ, anh muốn một lần nữa tái hiện câu chuyện hào hùng của quê hương trên màn ảnh rộng, đưa khán giả đi qua vùng đất Nam Kì Lục Tỉnh, ngắm nhìn sự trù phú của thiên nhiên phương Nam, nơi đã nuôi dưỡng nên những con người hào sảng, trượng nghĩa, nơi đã ghi dấu một cuộc phiêu lưu kì thú của một cậu bé mất mẹ phải đi tìm cha, để rồi hoà mình vào dòng chảy cách mạng yêu nước.
Sự khác biệt đầu tiên khán giả có thể nhận thấy được ở bản điện ảnh đến từ chính tựa phim Đất rừng phương Nam, so với tựa Đất phương Nam của bản truyền hình năm 1997. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ, vì điều kiện vào thời điểm 25 năm trước còn nhiều hạn chế nên đoàn phải “liệu cơm gắp mắm” bỏ đi yếu tố “rừng” trong tác phẩm gốc.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng tiết lộ, ê-kíp của anh đã nắm bản quyền chuyển thể phim từ 5 năm trước nhưng lúc đó bản thân anh và ekip chưa đủ tự tin về kinh phí và kĩ thuật để tiến hành sản xuất. Chỉ cho đến hiện tại khi nền điện ảnh nước nhà phát triển, anh mới tin rằng mình có thể thực hiện một Đất Rừng Phương Nam đúng với tinh thần của tiểu thuyết nhất. Do đó, tựa phim của bản điện ảnh được đưa về tựa gốc với tham vọng có thể làm được những gì bản truyền hình đã từng tiếc nuối bỏ lỡ.
Với tinh thần kế thừa và phát huy để tạo nên một Đất rừng phương Nam sinh động và mang màu sắc hiện đại hơn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng quyết tâm tìm ra bằng được các diễn viên nhí trong vai An, Cò, Xinh cho phiên bản đặc biệt này.
Anh nhấn mạnh: “Nếu không tìm được An, tôi sẽ không quay.” An là vai chính xuyên suốt phim, cậu học trò thành phố lần đầu biết đến chốn dân dã được chính ngòi bút của nhà văn Đoàn Giỏi dùng để khắc hoạ nên bức tranh Đất rừng phương Nam, là linh hồn của cả bộ phim. Vì vai diễn này đặc biệt hơn hẳn các lần casting của những phim trước, nên đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng với các cộng sự của mình đã đưa ra tiêu chí phải chọn được diễn viên vào vai An thì mới quay phim.
Với tiêu chí đó, Đất rừng phương Nam tổ chức tuyển chọn vai diễn ở cả 3 hình thức: trực tuyến, trực tiếp và tập huấn. Ở vòng cuối, các ứng viên sẽ được học kĩ năng diễn xuất cũng như huấn luyện thể lực để đảm bảo cho vai diễn của mình. Đây cũng là lần đầu tiên một phim điện ảnh tổ chức tuyển chọn vai bằng hình thức tập huấn cho các ứng viên của phim. Liệu ai sẽ là ứng viên phù hợp để vào vai bé An trong Đất rừng phương Nam?