Thể loại cổ trang luôn là chủ đề tranh luận của nhiều người, đặc biệt là phim cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc - hai “thủ phủ” của nền điện ảnh Châu Á. Tuy nhiên mỗi nền điện ảnh đều có những đặc trưng khác nhau để chiếm lấy cảm tình của khán giả
Thời lượng phát sóng
Thời lượng phát sóng là yếu tố nổi bật nhất, dễ nhận thấy nhất ở nền điện ảnh lẫn truyền hình Trung - Hàn. Nếu khán giả không thể quên được những bộ phim truyền hình trung Quốc dài 50 - 60 tập, thì thỉnh thoảng lại có đôi chút hụt hẫng, vì diễn biến phim Hàn xảy ra quá nhanh, chỉ gói gọn trong 20 tập phim.
Phim cổ trang Trung Quốc luôn kéo dài nội dung, thu hút người xem bằng các chiêu trò diễn biến mà chưa thể nâng cao chất lượng phim bằng các kỹ thuật dựng phim và cảnh quay. Có lẽ chính vì thế mà phim Trung vẫn thành công ở tỷ lệ khán giả xem phim, nhưng lại không nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn.
Trong khi đó, phim cổ trang Hàn Quốc lại được đánh giá cao về chất lượng lẫn nội dung, nhưng không để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Thời gian phát sóng quá ngắn, không đủ để đi sâu, khai thác cảm xúc người xem chính là vấn đề lớn nhất. Nếu truyền hình cổ trang Trung - Hàn có thể bắt tay cùng nhau cải thiện, bù đắp khuyết điểm thì khán giả sẽ ngày càng được thưởng thức nhiều bộ phim cổ trang hay hơn.
Nội dung phim
Sở hữu gia tài tư liệu cung đấu “kếch xù” là yếu tố khẳng định nội dung của phim cổ trang. Hầu như phim thể loại này đều xoay quanh những cuộc đấu đá trong nội bộ hoàng gia qua các thời đại của Trung Quốc. Mặc dù vậy, nội dung phim cổ trang Trung Quốc thường không để lại giá trị lịch sử nhiều mà lại mang tính giải trí cao. Bởi lẽ đều nói về các thời đại của Trung Quốc, nhưng phim có xu hướng “bóp méo” chính sử quá nhiều.
Ngược lại, phim cổ trang Hàn Quốc theo đuổi con đường tôn trọng chính sử; đồng thời khai thác nội dung đa dạng hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, phim cổ trang Trung Quốc thường biết cách thu hút khán giả hơn Hàn Quốc.
Trang phục diễn viên
Dễ dàng thấy được trang phục, tạo hình của phim cổ trang Trung Quốc là “mảnh đất” màu mỡ để các nhà thiết kế phát huy hết tài năng của mình. Với sự sáng tạo không ngừng qua từng bộ phim, trang phục cổ trang xứ Trung ngày càng đẹp và rực rỡ hơn. Nhiều khán giả đến với phim của đất nước này đơn giản chỉ bởi sự công phu đầu tư trang phục.
Trong khi đó, trang phục diễn viên của phim cổ trang Hàn Quốc lại có phần đơn giản và bám sát vào các thiết kế cổ truyền, chứ không đi ngược lại với văn hóa nước nhà. Đa phần các trang phục đều lấy cái “khung” của Hanbok làm chuẩn và được biến thể đôi chút để trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Trang điểm và tạo hình
Nếu thường xuyên theo dõi phim cổ trang xứ Trung, chúng ta thậm chí có thể nắm bắt được toàn bộ xu hướng make up qua từng phân cảnh. Cổ trang Trung Quốc thường ít đề cao giá trị văn hóa - lịch sử. Vì vậy, các diễn viên tuy được hóa trang đẹp nhưng lại không phù hợp với thời điểm được đề cập ở phim. Dàn diễn viên nữ được hóa trang rất kỹ càng, mi giả, mày ngang, đeo lens, kẻ eyeliner đầy đủ. Nhưng thời kỳ thống trị của triều đình đâu đã xuất hiện những thứ đó? Cách trang điểm tuy đẹp song lại không phù hợp với bối cảnh, thậm chí còn khiến cho phim thiếu đi nét tự nhiên sẵn có.
Ngược lại, phim Hàn Quốc nói chung ưa chuộng lối trang điểm tự nhiên. Đặc biệt, các diễn viên tham gia những dự án cổ trang đều được trang điểm nhẹ nhàng, lớp trang điểm trong suốt như không là một ưu thế về tạo hình.
Dàn diễn viên
Điểm chung của dàn diễn viên 2 nước là đều có ngoại hình khá tương đồng nhau. Thế nhưng, nếu phim ảnh xứ Trung luôn dành vai chính cho một vài nhân vật tiếng tăm để bảo đảm rating; thì Hàn Quốc lại thường trao cơ hội cho những người trẻ tài năng, cần cơ hội để tiến thân.
Dù lĩnh vực phim cổ trang của Trung - Hàn đều có ưu và nhược điểm riêng, song nhìn chung cả hai đã luôn phát huy được thế mạnh riêng trên ở thị phần Việt Nam. Nhiều phim vẫn được khán giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và theo dõi từng tập. Đó là thành công đáng ghi nhận của hai “ông trùm” cổ trang châu Á.