Khép lại giai đoạn đầu tiên của Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), Avengers: Endgame gây rúng động phòng vé toàn cầu, chính thức trở thành bộ phim có doanh thu cao thứ hai lịch sử điện ảnh (chưa tính đến yếu tố lạm phát) với 2,189 tỷ USD sau ngày 5/5. Theo giới mộ điệu, chỉ không lâu nữa, siêu phẩm của anh em đạo diễn nhà Russo sẽ vượt mặt Avatar - tác phẩm của đạo diễn James Cameron độc chiếm ngôi vương suốt một thập kỷ qua.
Không những thế, không ít người hâm mộ MCU còn khẳng định Avengers: Endgame leo lên vị trí thứ 2 chỉ sau 11 ngày, thiết lập con số doanh thu 2,2 tỷ USD trong vòng chưa đến 2 tuần, trong khi siêu phẩm của đạo diễn James Cameron phải mất đến 47 ngày để có thành tích tương tự. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng Avatar là bộ phim bị “overrated” (đánh giá quá cao) khi sở hữu cốt truyện không quá đặc sắc nhưng được trình chiếu suốt 1 năm.
Thế nhưng, liệu có công bằng không khi đặt một bộ phim ra đời vào 10 năm trước và siêu phẩm thời nay lên cùng một thước đo? Nếu tính đến yếu tố lạm phát, bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameron vẫn chênh lệch Avengers: Endgame đến hơn 1 tỷ USD với con số doanh thu 3,3 tỷ USD, trong khi Titanic có doanh thu lớn hơn tác phẩm nhà MCU: 3 tỷ USD.
Tạm gạt những con số doanh thu sang một bên, Avatar đã làm được điều mà đến nay, tác phẩm của hai anh em đạo diễn Russo vẫn chưa làm được. Thời điểm 10 năm về trước, James Cameron được giới mộ điệu ca tụng là người đàn ông duy nhất của Hollywood biết làm gì khôn ngoan và xứng đáng nhất với kinh phí 250 triệu USD. Thai nghén Avatar từ năm 1994, song phải đến 15 năm sau, bộ phim tráng lệ và kỳ công tột bậc về một thế giới hoàn toàn tách biệt và độc đáo mới được trình chiếu trên màn ảnh rộng.
Avatar khiến tất cả người xem choáng ngợp bởi những gì mà công nghệ có thể làm được: một hệ sinh thái và nền văn hóa vượt xa ngưỡng tưởng tượng của khán giả, một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới - Na'vi và những thước phim kỳ công tột bậc làm bùng nổ tất cả giác quan người hâm mộ.
10 năm về trước, “cuộc cách mạng về kỹ thuật làm phim”, “bước chuyển mình vĩ đại của điện ảnh thế giới”, “tác phẩm mở ra một cái nhìn mới cho khán giả” là những mỹ từ được dùng để miêu tả siêu phẩm 3 tỷ USD của James Cameron. Công chúng như bùng nổ thực sự, còn truyền thông thì nhắc đi nhắc lại về những trải nghiệm kỳ diệu mà công nghệ 3D mang đến cho người xem. Người cầm trịch Avatar cũng tỏ ra khinh thường người xem phim lậu - những người không bao giờ được trải nghiệm “cảm giác 3D” mà thế giới trong hành tinh Pandora đem lại. Tính đến nay, Avatar vẫn là một trong số phim bị sao chép lậu nhiều nhất trên mạng Internet.
Chưa kể đến yếu tố lạm phát ảnh hưởng tới con số doanh thu, thì khán giả vẫn khó có thể đặt lên bàn cân Avatar và Avengers: Endgame, một bộ phim gây choáng ngợp ngay từ phần đầu tiên và một tác phẩm khép lại cả một kỷ nguyên MCU kéo dài hơn 10 năm. Kể từ Iron Man (2008), Marvel đã đặt nền móng cho một đế chế siêu anh hùng và đưa từng nhân vật lên màn ảnh rộng, để rồi gom tất cả các siêu anh hùng và những sự kiện họ trải qua vào hồi kết mang tên Avengers: Endgame.
Ngay từ khi Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame chưa chính thức công chiếu, truyền thông và dư luận đã gần như “phát điên” khi tất cả những siêu anh hùng được yêu thích bậc nhất cùng đứng chung, tham gia vào trận chiến sống còn và thậm chí có người có khả năng ra đi mãi mãi. MCU rất khó thất bại ở “trận đánh cuối”, nhất là khi những nhà làm phim tỏ ra hết mực chiều fan.
Trái lại, với Avatar, khán giả choáng ngợp với những gì họ thấy lần đầu trên màn ảnh rộng, với hành tinh kỳ ảo tuyệt diệu và trận đánh mãn nhãn mang đến trải nghiệm chưa từng có. Chính vì thế, dù bị Avengers: Endgame xô đổ kỷ lục doanh thu (ngay cả đối với doanh thu đã tính lạm phát), thì bộ phim của đạo diễn James Cameron vẫn là một tường thành khó lòng vượt qua. Bởi lẽ, chính bản thân tác phẩm đã tạo nên di sản vĩ đại cho lịch sử điện ảnh, làm thay đổi những thước đo nghệ thuật và trên hết, trở thành chuẩn mực so sánh cho các bộ phim đi sau.