Phim Ảnh

Có qua bao nhiêu lần mười năm, Lê Diệu Tường vẫn không sợ không nổi tiếng

Nhật Ngân
Chia sẻ

Một tờ báo đã nhận xét Lê Diệu Tường là diễn viên không sợ không nổi tiếng. Lời này không chỉ vì ngợi khen năng lực hóa thân của Lê Diệu Tường, mà chủ yếu là ngưỡng mộ thái độ sống của nam diễn viên hướng về nghề diễn xuất.

Lê Diệu Tường (tên tiếng anh: Wayne) là một diễn viên Hong Kong thuộc đài truyền hình TVB, sinh ngày 04/5/1964, được khán giả Hong Kong lẫn Việt Nam yêu mến. Vào nghề năm 1985, tính đến nay, chặng đường sự nghiệp trước ống kính của anh đã trải dài hơn 30 năm, với nhiều vai diễn lớn nhỏ.

Nam diễn viên TVB Lê Diệu Tường - Diễn viên truyền hình có tầm ảnh hưởng châu Á năm 2019.

Bản thân Lê Diệu Tường chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành một ngôi sao. Anh không có ngoại hình xuất chúng, lại xuất thân trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Cha anh vốn là nhân viên cứu hỏa. Đến năm học cấp hai, chính phủ sắp xếp cho gia đình anh chuyển đến sinh sống ở khu Shun Lee, Cửu Long.

Khoảng thời gian niên thiếu, anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách nghĩ của cha mình, luôn cố gắng học hành để có cuộc sống an nhàn. Sau khi tốt nghiệp trường St. Louis vào năm 1981, Lê Diệu Tường nộp đơn xin làm công việc nhân viên văn phòng.

Năm 1983, anh bắt đầu làm việc ở đài truyền hình TVB trong vai trò nhân viên phòng kinh doanh. Mặc dù lúc đó, trong lòng chàng thanh niên đã nhen nhóm suy nghĩ sẽ trở thành một người biểu diễn trước ống kính.

Nhân vật Trư Bát Giới với câu thoại quen thuộc “Đa tình tự cổ không như hận / Dĩ hận miên miên vô tuyệt kỳ” - phim “Tây du ký” 1997 và 1998.

Nhân vật Hàn Tín: “Tôi giống như mặt trăng dưới nước, rất đẹp nhưng mờ ảo, không có thật, bị người ta giẫm đạp.” - phim “Hán Sở kiêu hùng” 2004.

Cột mốc chuyển hướng cuộc đời của Lê Diệu Tường là năm 1985, khi anh gặp gỡ giám chế Lý Thiêm Thắng (Thiêm Ca). Được sự khích lệ từ vị giám chế vàng của TVB, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc văn phòng và tham gia lớp đào tạo diễn viên. Trong một lần biểu diễn ở trên lớp, Lê Diệu Tường được khen ngợi là “đạt đến trình độ chuyên nghiệp”. Giám chế Lý Thiêm Thắng lúc đó đã rất thích anh, và luôn nghĩ anh chắc chắn sẽ là một diễn viên thành công trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, Lê Diệu Tường chính thức gia nhập dàn diễn viên của TVB, đặt một viên gạch đầu tiên trên con đường sự nghiệp của mình.

Nhân vật Thượng Trung: “Bác, lần này bác lại nghe không rõ hả ?Con sẽ lặp lại lần nữa cho bác nghe, con lấy thân phận đại trưởng quầy nhiệm thứ ba, chính thức truyền ghế lại cho Thượng Trí làm đại trưởng quầy nhiệm thứ tư. Có nghe rõ chưa?” - phim “Nối nghiệp” 2006.

Tham gia quá nhiều vai quần chúng, vai nhỏ, vai phụ, đã có lúc Lê Diệu Tường cảm thấy thất vọng, muốn buông xuôi. Ai vào nghề lại không có cho mình một mộng tưởng lớn ? Năm đó liều lĩnh từ bỏ công việc văn phòng ngồi phòng máy lạnh, dấn thân vào con đường mới, hiển nhiên Lê Diệu Tường không mong trở thành một diễn viên mờ nhạt, hay “lá xanh cam thảo”.

Mỗi một vai diễn, khán giả đều thấy anh lấy hết tâm can để hóa thân, khiến nhân vật trở nên sống động. Mỗi một vai diễn, khán giả đều công nhận Lê Diệu Tường có năng lực sáng tạo dồi dào, tố chất cần thiết của một diễn viên giỏi.

Một phân đoạn của nhân vật Nhân Hạt Sen do Lê Diệu Tường đóng trong phim “Sức mạnh tình thân II” - 2007

Nhưng, vì sao anh nổi tiếng muộn ? Có lẽ như thế vẫn chưa đủ. Vì xuất phát điểm không cao, anh luôn phải chứng minh tố chất và bản lĩnh diễn xuất của mình nhiều hơn những người khác. Cho đến một thời điểm, khi kinh nghiệm đã trở nên thượng thừa, khi tài hoa đã phát tiết rực rỡ, anh mới bắt đầu gặt hái liên tiếp những chùm quả ngọt.

Bắt đầu là giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc trong hai vai Đới Tòng Văn/ Đới Tòng Võ (phim Mưu dũng kỳ phùng II) vào năm 2008. Anh hóa thân thành hai nhân vật song sinh có tính cách khác biệt: người anh ngang tàng, là một quyền thần, và người em thông minh, luôn đứng về lẽ phải. Chia sẻ về việc nhận giải, anh chỉ nói đơn giản mà chân tình: “giải thưởng này đến thật đúng lúc”. 

Nhân vật Võ Thừa Tự: “Âm tào địa phủ có cha mở đường, con muốn đi đâu thì cứ mạnh dạn mà đi, lên trời xuống đất đều do họ Võ cai quản, điện Diêm Vương cũng không ngoại lệ” - phim “Tranh quyền đoạt vị” 2009.

Năm 2009, Lê Diệu Tường tiếp tục gây bất ngờ với Sài Cửu (trong phim Xứng danh tài nữ), một nhân vật Chí Phèo bị số phận chèn ép phải sống ti tiện, ích kỷ. Anh trở thành diễn viên đầu tiên trong lịch sử TVB nhận 3 giải thưởng trong một đêm, trong đó có giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (danh hiệu Thị Đế).

Nhân vật Sài Cửu: “Tôi Sài Cửu từ nay về sau phải ăn gạo trắng thượng hạng, gạo du niêm, gạo trân châu” - phim “Xứng danh tài nữ ” 2009.

Năm 2010, Anh là người thứ hai (sau La Gia Lương) nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất hai năm liên tiếp (2009 - 2010) trong vai Lưu Tỉnh (trong phim Xứng danh tài nữ II hay còn gọi là Nghĩa hải hào tình). Yêu cầu về trình độ diễn xuất của nhân vật này cao hơn hẳn Sài Cửu. Đây là một cảnh sát tốt, nhưng anh ta sinh ra trong thời kỳ chiến tranh Trung - Nhật. Lưu Tỉnh vừa phải bảo vệ người nhà, vừa phải thực hiện lý tưởng làm người chân chính. Mối tình trong hoạn nạn giữa Lưu Tỉnh và “chị đại” Cửu Muội (Đặng Tụy Văn) đã tạo nên hiệu ứng truyền thông rất tốt.

Nhân vật Lưu Tỉnh: “Để xem tôi đi trước hay cô đi trước, nếu tôi đi trước, tôi sẽ chờ cô…” - phim “Nghĩa hải hào tình” 2010.

Năm 2012, Lê Diệu Tường vẫn tiếp tục là người thứ hai sau La Gia Lương, được nhận ba giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn Lý Liên Anh trong bộ phim khánh đài Đại Thái Giám. Truyền thông không ngớt lời khen, cho rằng anh đã giúp khán giả có cái nhìn thiện cảm hơn về những nhân vật thái giám trên màn ảnh.

Hai năm gần đây, mặc dù ít xuất hiện trên phim truyền hình “bom tấn” của TVB, Lê Diệu Tường vẫn được xướng tên nhận giải thưởng Nam diễn viên truyền hình có tầm ảnh hưởng châu Á vào tháng 3 năm nay. Trên Instagram của mình, anh cũng chỉ chia sẻ với người hâm mộ rằng: “đây là một động lực lớn, tiếp tục cố gắng”. 

Nhân vật Lý Liên Anh: “Người đang làm, trời đang nhìn. Chỉ cần không hổ thẹn với lòng, thì lên núi đao, xuống chảo dầu, cũng không có gì phải sợ” - phim “Đại thái giám” 2012.

Nhân vật Cung Khiếu Sơn: “Trộm là hành vi của kẻ hèn yếu, phải cướp mới đúng” - phim “Kiêu hùng” 2015.

Năm 2008, Lê Diệu Tường có viết cuốn sách mang tên: Hí kịch phù sinh (tạm dịch: Cuộc đời diễn xuất), truyền tải những quan niệm về quá trình trau dồi kỹ thuật diễn xuất. Trên thực tế, cuốn sách bao gồm những kinh nghiệm đúc kết qua nhiều năm làm nghề, mà quan trọng là những chia sẻ về cách tư duy của một diễn viên thành công.

Cuốn sách “Hí kịch phù sinh” xuất bản năm 2010.

Lê Diệu Tường nhấn mạnh cảm xúc thật của người diễn viên, thay vì chỉ giả vờ “dựng tai trợn mắt” mô phỏng. Một diễn viên giỏi luôn tự sửa mình, cần có ý thức độc lập và không phải chịu sự theo đuổi mù quáng của thương mại, danh tiếng hay vật chất. Nam diễn viên cũng đề cao mối liên hệ giữa diễn xuất và cuộc sống:

“Chúng ta phải rút ra một số cảm xúc trong cuộc sống của chính mình, để nắm bắt cuộc sống thực, bao gồm việc hiểu được con người là gì và cuộc sống là gì. Công việc của chúng ta là thể hiện góc nhìn nhân sinh… Nói một cách đơn giản nhất, kịch là cuộc sống…”

Lê Diệu Tường khẳng định: “Trên thực tế, mục tiêu cuối cùng của diễn viên là nói với khán giả cuộc sống như thế nào thông qua những vai diễn.”

Thời báo Thông tin (15/01/2012) khi bình luận về cuốn sách đã mạnh dạn cho rằng: Lê Diệu Tường là kiểu diễn viên không sợ không nổi tiếng. Kỳ thực, anh đối với diễn xuất có nhiều trải nghiệm tâm đắc, càng xem đó hành trình triết đạo để nuôi dưỡng, soi chiếu và hoàn thiện chính mình.

Trong cuộc sống thường nhật, bản thân Lê Diệu Tường luôn muốn bình bình, an an thưởng lãm vẻ đẹp của cuộc sống, làm điều mình muốn làm. Anh cảm thấy đó mới là niềm hạnh phúc to lớn, giống như nhân vật Sài Cửu có câu thoại kinh điển mà khán giả thường nhắc: “Đời người có bao nhiêu cái 10 năm, quan trọng là sống cho vui vẻ, thoải mái”. 

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Ngân

Tin mới nhất