Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Cô Ba Sài Gòn' và 'The Devil Wear Prada' với những điểm giống nhau lạ thường

Sau những ngày công chiếu đầu tiên, phim "Cô Ba Sài Gòn" đã nhận được kha khá những nhận xét tích cực từ khán giả và truyền thông. Nhưng đâu đó, chúng ta vẫn thấy có những bình luận rằng bộ phim cứ “na ná” The Devil Wear Prada. Vậy hãy cùng phân tích xem những điểm giống nhau này là như thế nào!

[Cảnh báo tiết lộ nội dung phim - cân nhắc trước khi xem]

Dĩ nhiên, đối với người hâm mộ, đã chờ đợi mòn mỏi Cô Ba Sài Gòn từ lúc nhá hàng cho đến khi công chiếu nhưng xem xong lại nghĩ ngay một phim khác cũng để lại nhiều sự tiếc nuối và hoài nghi về ý đồ của nhà sản xuất. The Devil Wear Prada (Yêu nữ thích đồ hiệu) đã được xem như một tượng đài của dòng phim về thời trang, Meryl Streep tạo nên một Miranda Priestly - yêu nữ đã gây ra biết bao khốn đốn cho nữ bánh bèo Andy Sachs do Anne Hathaway thủ vai.

Helen - Diễm My 9x và Miranda Priestly, sự xuất hiện tưởng hai mà một!

Diễm My 9x đã có tạo hình quá xuất sắc nhờ vào bàn tay của stylist Lê Minh Ngọc. Khác hẳn với những vai trước đây, biểu cảm cùng ngôn ngữ hình thể của My ở Cô Ba Sài Gòn, đã đa dạng hơn, thoại đã bớt căng cứng và tự nhiên hơn, tất nhiên cùng với phục trang đã giúp My diễn rất tròn vai “Đệ nhất thanh lịch của Sài Gòn năm 2017”. Tuy nhiên, nhà sản xuất thật sự đã có ngầm ý như thế nào khi dẫn dắt nhân vật Helen của Diễm My không khác là bao so với Miranda Priestly

Trước khi xuất hiện tại văn phòng, trợ lý Baby Nana của Helen đã phải đánh động cả văn phòng, chỉnh đốn đội ngũ và nơi làm việc, đây là chi tiết ngầm ý cho người xem hiểu Helen là một người sếp cực kỳ khó tính nếu không muốn nói là dữ tợn. Và trợ lý Emily của Miranda Priestly cũng đã làm điều tương tự trong cảnh đầu phim.

Helen bước xuống xe, sải bước vào văn phòng, trên tay là túi Prada Saffiano Lux. Nói đến đây, bạn có thể mở ngay The Devil Wear Prada để xem lại ngay đoạn xuất hiện đầu phim của Miranda Priestly để kiểm chứng độ giống nhau. Cùng một sự đánh động, cùng một sự chuẩn bị, cùng những cảm xúc nhốn nháo sợ hãi của nhân viên cho đến cùng những sải chân, cùng là Prada chỉ khác mẫu túi và ánh nhìn sắc lẹm như dao của nhân vật quyền lực bậc nhất ngành thời trang.

Ngay đoạn cao trào, Helen và Miranda đều cùng vạch ra một kế hoạch để tư lợi cho bản thân mình. Nhưng thật may mắn làm sao, Helen hồi tâm chuyển ý sau khi nghe lời thức tỉnh của Tuấn (S.T 365 đảm nhận) còn Miranda thì phải đổi kế hoạch để giữ vững vị trí tại tòa soạn nhờ những lời cảnh báo từ Andy ngây thơ.

Tuy không giống nhau hoàn toàn nhưng đây cũng là chi tiết khiến khán giả thắc mắc tại sao nhà sản xuất lại cố tình sắp đặt tình tiết một cách tương đồng như thế này?

Cô Ba Như Ý và Andy Sachs - cùng nhau vượt khó và vươn lên trong thế giới thời trang?

Ngoài vai diễn Helen của Diễm My 9x, vai Cô Ba Như Ý của Ninh Dương Lan Ngọc cũng có những đoạn không khác là bao so với vai Andy Sachs của Anne Hathaway. Thật may mắn vì tính cách của cô Ba và Andy khác nhau rất nhiều chứ nếu không thì cũng phải nhầm lẫn mấy lần khi xem. Như Ý và Andy đều là những gương mặt chạm ngõ thế giới thời trang với vốn kiến thức người thì hạn hẹp người thì như số 0. Cả hai đều hạ quyết tâm phải chứng minh bản thân mình với người sếp khó tính - người nắm giữ chìa khóa quyết định số phận tương lai của mình.

Như Ý và Andy đều phải bắt đầu từ những việc vụn vặt và nhỏ bé trong văn phòng như chuẩn bị thức ăn nước uống mỗi ngày cho sếp, Như Ý làm lao công dọn dẹp, sắp xếp phân loại vật liệu trong xưởng thời trang của Helen.

Cả hai đều nhận được sự giúp đỡ từ một đồng nghiệp nam thân cận với sếp nữ hung tợn và nhờ vào nam đồng nghiệp này mà sự nghiệp của cả Như Ý và Andy như sang trang.

Vai diễn nhà thiết kế của Tùng Leo trong Cô Ba Sài Gòn thật sự rất tương đồng với nhân vật Nigel do Stanley Tucci thủ vai. Những phân cảnh như lúc Tùng Leo giúp đỡ Như Ý vào đêm trước khi gặp khách hàng không khỏi khiến người xem so sánh.

Trong quá trình làm việc, cả hai cô gái đều có những màn biến hóa đẹp mắt về trang phục. Như Ý thì thổi làn gió thời trang Luân Đôn năm 1969 vào Sài Gòn năm 2017, Andy thì lột xác từ cô nàng tỉnh lẻ quê mùa thành gái văn phòng ngành thời trang với những bộ cánh đắt tiền và thời thượng. Văn phòng nơi làm việc đã trở thành sàn diễn đối với cả hai cô gái.

Thiết nghĩ, bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã rất thành công khi tạo ra một kịch bản mới lạ, giàu cảm xúc và thật sự không cần phải thêm thắt những chi tiết từ The Devil Wear Prada chỉ để tô đậm thêm tính cách cho nhân vật Helen hay Như Ý. Trên đây là một số điểm giống nhau mà sau một lần xem đã có thể ghi nhận được chứng tỏ mức độ tương đồng là rất cao, hầu như ai mê điện ảnh và thời trang đều có thể phát hiện. Vì thế, nếu cho rằng có sự “đạo nhái” từ bộ phim biểu tượng của làng thời trang thì có vẻ Cô Ba Sài Gòn sẽ không lộ liễu đến thế. Có lẽ biên kịch chịu ảnh hưởng lớn từ The Devil Wear Prada như một fan ruột và đã có những cảm hứng lớn từ bộ phim nước ngoài ấy để truyền tải vào trong Cô Ba Sài Gòn. 

Teaser phim Cô Ba Sài Gòn. 

Cô Ba Sài Gòn hiện đang trình chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
NewJeans cảm ơn Min Hee Jin
Những lời xin lỗi của sao Việt trong 2024