Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Cô Ba Sài Gòn' mang năng lượng hạnh phúc, giản dị khiến khán giả vừa xem vừa mỉm cười

"Cô Ba Sài Gòn" tiết ra một thứ năng lượng gọi là hạnh phúc, rất nhẹ nhàng và dung dị, để mỗi người xem đều có thể mỉm cười bởi sự đáng yêu, kiêu hãnh nhưng không kém phần sâu sắc của nhân vật.

Bộ phim Cô Ba Sài Gòn mở màn với hình ảnh đầy nhịp nhàng, huyên náo của nhà may Thanh Nữ, bộ phim đã đưa khán giả trở về với những năm 60 của thế kỷ trước với một không khí đậm chất Sài Gòn, cổ điển nhưng lãng mạn, xa xưa nhưng không kém phần sầm uất, náo nhiệt. Sài Gòn những năm 1960, những cô tiểu thư kiêu sa thỏa sức trưng diện với những bộ áo dài hay Âu phục kiểu mới, những đêm nhạc trữ tình của madam số một Sài Thành luôn thu hút sự quan tâm của tầng lớp thượng lưu…

Ở đó, việc người ta ăn mặc ra sao, khoác lên mình bộ trang phục thế nào luôn là vấn đề nổi bật nhất. Và nhà may Thanh Nữ với truyền thống 9 đời làm nghề may Áo Dài trở thành địa chỉ độc nhất Sài Gòn để các quý bà, quý cô tìm đến nếu muốn sở hữu một chiếc áo dài đẹp nhất, vừa vặn nhất.

Một không gian retro thực thụ khiến khán giả cảm thấy vô cùng thích thú. Dường như càng quay ngược lại quá khứ người ta càng cảm thấy mê mẩn những cái đẹp cổ xưa, càng có động lực để đi sâu hơn tìm hiểu giá trị văn hóa kết tinh một thời. Cái đẹp ấy nằm ở từng đường nét tinh tế nhất trong mỗi bộ áo dài mà nhà may Thanh Nữ làm ra. Người ta không ngờ rằng để may được một bộ áo dài thật chuẩn, người thợ may phải đảm bảo thực hiện chính xác từng công đoạn từ “đo, cắt, ráp, luôn vải, kết nút và ủi” đến canh chỉ cho đối xứng tà trước, tà sau. Một trong những bí quyết để may được một chiếc áo sắc sảo là sợi chỉ phải trải đều, không được phép dồn cục. Khán giả đã có cơ hội hiếm hoi tìm hiểu những thông tin thú vị về nghề may áo dài gia truyền từ cô ba Sài Gòn, như một cuộc “khai sáng” đầu óc rất tình cờ và khó phai.

Thế nhưng, có lẽ nếu đi quá sâu và quá lâu vào cái quá khứ đã qua thì dễ khiến người ta nhàm chán. Và Cô Ba Sài Gòn đã chọn cách đi xuyên tới hiện tại để tiếp tục câu chuyện về truyền nhân của tiệm may Thanh Nữ - Như Ý. Nếu như đoạn đầu phim, người xem thích bởi sự “lạ” về thời gian, không gian, thì 2/3 thời lượng còn lại, người ta lại thích bởi sự “quen” với bối cảnh 2017 chính là thời đại mà chúng ta đang sống. Như Ý của năm 1969 nay thành An Khánh của năm 2017 trong bộ dạng bê tha, suy sụp, chảy xệ. Hai thân thể nhưng chính là một con người, con người quá khứ đã được đẩy đến tương lai và chứng kiến sự thất bại thảm hại của mình. Như Ý không thể tin vào mắt mình, khi chính cô - một cô gái năng động, kiêu hãnh thời trẻ lại trở nên bế tắc đến mức muốn treo cổ tự tử và đứng trước nguy cơ mất đi ngôi nhà, mà hơn cả là mất đi bí quyết may áo dài gia truyền 9 đời để lại.

Cái cách mà Như Ý - một con người của thế hệ trước đối diện với thời hiện đại này mới là điểm sáng khiến khán giả phải mỉm cười thích thú. Ban đầu cô vô cùng hoảng loạn và khó chấp nhận trước sự lột xác sau 48 năm của Sài Gòn. Nhưng bản tính của Như Ý năm nào thì vẫn vậy, tự tin, kiêu hãnh và ngoan cố. Chính cá tính ấy đã khiến cô tìm lại được đúng vị thế của mình là một cô ba Sài Gòn chính gốc. Ở năm 2017, dù bị cả công ty Helen bắt nạt và khinh thường, cô vẫn luôn tự tin thể hiện con người mình và tỏa sáng khi làm bất kể công việc gì.

Từng bước đi, điệu cười, ánh nhìn của Như Ý đều toát lên vẻ đẹp của một thiếu nữ Sài Thành vừa sang trọng vừa dễ mến, vừa kiêu kì lại vừa khiến người ta xao xuyến. Một người con gái căng tràn sức sống và luôn biết cách làm đẹp cho bản thân đã truyền cho người xem một tinh thần lạc quan: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, sự tự tin và tự tôn về bản ngã chính là vẻ đẹp mà không thứ phấn son nào có thể tô vẽ được.

Như Ý đã quyết tâm học may áo dài và thực sự gây dấu ấn bởi những thiết kế áo dài mà trước đây cô từng nhạo báng “chỉ có một dáng duy nhất mà cũng may đi may lại”. Nhưng chính cô đã là người thổi hồn cho những bộ áo dài truyền thống bởi sự cách tân sáng tạo một cách hài hòa, phù hợp với không khí hiện đại bấy giờ. Cô tìm thấy tâm hồn mình trong thiết kế áo dài truyền thống và nhận ra giá trị của những nét đẹp văn hóa in hằn trên áo dài. Như Ý tự hào không phải vì mình được công nhận là một nhà thiết kế, mà tự hào vì mình là truyền nhân đích thực của tiệm may Thanh Nữ lừng lẫy một thời.

Có lẽ, điểm khiến khán giả thấy hài lòng và nhẹ nhàng nhất ở bộ phim chính là thông điệp gìn giữ giá trị truyền thống không bị thổi bùng thành những triết lí đao to búa lớn. Đạo diễn Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn đã chọn lối kể chuyện độc đáo mà hiệu quả: đưa nhân vật đến thì tương lai để tự đối thoại với chính mình và nhờ thế bộ phim không hề có chút gượng ép, giáo điều. Nhân vật An Khánh (Hồng Vân) đã kết hợp ăn ý cùng Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), góp phần làm nên một con người rất đáng yêu và sống động. Cá tính nhân vật không hề bị phân hóa mà càng được khắc họa đậm nét nhờ sự đối thoại, đôi khi là chiến tranh gay gắt để tìm về con người thật bên trong.

Áo dài được coi là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam qua nhiều thế kỷ, rất dễ để các nhà làm phim đưa áo dài lên làm là tuyên ngôn về sức sống dân tộc. Nhưng đạo diễn đã không làm như vậy, mà lựa chọn cách truyền tải rất giản dị, khiêm nhường: “áo dài là linh hồn của gia đình ta” chứ không phải của dân tộc ta. Một khi con người gìn giữ được linh hồn của gia đình thì người ta cũng nâng niu và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc.

Cô Ba Sài Gòn tiết ra một thứ năng lượng gọi là hạnh phúc, rất nhẹ nhàng và dung dị, để mỗi người xem đều có thể mỉm cười bởi sự đáng yêu, kiêu hãnh nhưng không kém phần sâu sắc của nhân vật. Cái đẹp của bộ phim nằm ở sự tinh tế từ từng đường may sợi chỉ trên chiếc áo dài. Cái đẹp ấy là cái đẹp của lẽ thường, được mang đến từ những con người bình thường nhưng đủ khiến người ta tự hào, xúc động bởi quyết tâm gìn giữ “linh hồn” của gia đình và bản sắc của dân tộc.

Teaser phim.

Phim hiện đang trình chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bạch Vân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh đẹp như 'tiên tỷ'