Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Cô Ba Sài Gòn': Kịch bản hay nhưng nếu ‘sâu’ hơn thì sẽ hoàn hảo

"Cô Ba Sài Gòn" hẳn là tác phẩm đang tốn nhiều bút mực của giới truyền thông trong suốt 1 tuần vừa qua. Nhưng nếu để tiến tới một bộ phim hoàn hảo hơn, chúng ta vẫn có thể đặt những giả định “Giá như…”

Sau khi ra mắt, bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã nhận được “cơn mưa” lời khen từ phía những nghệ sĩ và đông đảo khán giả. Ai cũng phải công nhận đó là một bộ phim không những hay về phần nhìn mà còn hay về thông điệp truyền tải. Màn hóa thân xuất sắc của NSND Hồng Vân trong vai An Khánh 2017 và Ninh Dương Lan Ngọc trong vai Như Ý 1969 cũng được nhận định là một màn kết hợp thú vị, mang đến những tiếng cười và cả những giọt nước mắt xúc động. Và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên trong một bộ phim Việt, yếu tố thời trang được coi là một trong những chủ đề chính và là điểm sáng cho bộ phim. Tác phẩm điện ảnh đã vượt lên yếu tố giải trí để truyền tải những giá trị văn hóa và lịch sử.

Thế nhưng Cô Ba Sài Gòn liệu có khiến người ta ám ảnh đến mức phải đặt những câu hỏi tự vấn lương tri, về thứ giá trị nguồn cội cất giữ trong mỗi con người, về những điều người ta đã đánh mất trong xã hội hiện đại? Sự phấn khích, thích thú thể hiện rõ qua những màn pha trộn màu sắc đã mắt của những bộ áo dài nhưng những cảm xúc sâu lắng đã thực sự chạm đến bao nhiêu trái tim khán giả?

Có lẽ những câu hỏi đó sẽ có lời giải đáp qua thời gian và qua những con mắt đánh giá khác nhau từ phía người xem. Nhưng nếu để tiến tới một bộ phim hoàn hảo hơn, chúng ta vẫn có thể đặt những giả định “Giá như…”

1. Giá như kịch bản liền mạch hơn

Cô Ba Sài Gòn được nhà biên kịch khéo léo phân tách thành hai giai đoạn: Bối cảnh Sài Gòn những năm 1960 chỉ chiếm 1/3 dung lượng phim và phần còn lại là Sài Gòn của thời hiện đại, năm 2017. Có thể thấy đây là cách kể chuyện thông minh và mới lạ khi lựa chọn cách đi đến tương lai để nhắn nhủ hiện tại. Nhưng chính sự chuyển biến bất ngờ ấy lại khiến khán giả hụt hẫng chưa bắt nhịp kịp. Hai lần “xuyên không” ở đầu và cuối bộ phim chưa thật nhuần nhuyễn bởi chưa có sự lí giải hay manh mối nào tiết lộ sự chuyển đổi đột ngột ấy. Kịch bản gần như chỉ là chắp vá, các yếu tố liên kết chưa liền mạch. Đó là một chút Sài Gòn cổ xưa, một chút tiệc tùng của giới thượng lưu, một chút “làm màu” của những cô tiểu thư sành điệu, một chút Sài Gòn hiện đại, một chút đẳng cấp thời trang của 2017… cộng thêm một bài phát biểu rơi nước mắt khi nhân vật hoàn thành tâm nguyện.

Giá như những yếu tố đó được sắp xếp, liên kết nhịp nhàng hơn, uyển chuyển hơn và đạo diễn cao tay hơn thì có lẽ khán giả sẽ đặt trọn sự chú ý của mình vào mạch phim từ đầu đến cuối, để khi ra về không bị “rớt” cảm xúc ở đâu đó.

2. Giá như có một ngoại cảnh Sài Gòn 1969 thực thụ

Trong phim Cô Ba Sài Gòn, những cảnh quay đưa khán giả về không khí hoài cổ và lãng mạn của Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ 20 thực chất đều là những cảnh dựng ở bên trong. Hình ảnh ngoại cảnh nơi có phố xá, cuộc sống sinh hoạt của con người Sài Gòn thời bấy giờ chỉ được phát lại từ thước phim tài liệu trong vài giây. Điều này không thể đổ lỗi cho những nhà làm phim bởi việc dựng lại một phim trường thực thụ ở Việt Nam là một điều gần như không tưởng.

Mặc dù đã nỗ lực để tái hiện chân thực nhất, tinh tế nhất những đặc trưng của người phụ nữ Sài Thành và tập trung quay cận cảnh quá trình may đo áo dài của nhà may Thanh Nữ, thì bộ phim vẫn khiến khán giả tiếc nuối vì chưa được bước vào sâu và lâu hơn thế giới hoài cổ đó. Nếu có một khung cảnh hoành tráng hơn, sắc nét về thời đại “hòn ngọc Viễn Đông” thì có lẽ khán giả sẽ đã mắt và thích thú hơn rất nhiều.

3. Giá như nội tâm của An Khánh - Như Ý được khắc sâu hơn, nhiều dằn vặt và trăn trở hơn

Việc để một con người phân tách thành hai thân thể một già - một trẻ đối diện nhau, tương trợ nhau để vươn lên là một dụng ý nghệ thuật đầy độc đáo của nhà làm phim. Hai nhân vật đã có những lần đối thoại mang tính triết lí, như khi Như Ý hoảng loạn và tức tưởi về sự thật ngang trái trước mắt, thì An Khánh đã nhìn thẳng vào mặt cô và nói: “Mày chửi tao cũng có nghĩa là mày chửi mày!”. Câu nói ngắn gọn và ánh mắt nửa buồn bã nửa cười cợt ấy của NSND Hồng Vân khiến khán giả bất giác nhìn lại mình, về thái độ sống của bản thân ở hiện tại và nghĩ về hệ quả trong tương lai.

NSND Hồng Vân và Lan Ngọc.

Nhưng trong Cô Ba Sài Gòn, sự sắp đặt này mới chỉ dừng ở mức “hay ho” chứ chưa chạm đến tầng “ám ảnh”. Hai nhân vật Như Ý 1969 - An Khánh 2017 ít xung đột tâm lí và thiếu những hình ảnh tương phản để khán giả so sánh và nhận ra quá trình của sự thay đổi nhận thức. Mọi gấp khúc, khó khăn xảy đến với hai nhân vật này đều được giải quyết quá dễ dàng. Khi Như Ý muốn làm việc trong công ty thời trang, ngay lập tức cô được nhận. Mặc dù từ Helen đến các nhân viên đều tỏ thái độ khinh bỉ và chế giễu cô nhưng lại nhanh chóng bị Như Ý thuyết phục, trở nên yêu mến và cảm phục cô mà chưa kịp có những hiểu lầm, xung đột gay gắt. Còn An Khánh, khi muốn “quay đầu” học may áo dài đã nhận được sự đồng tình và giúp đỡ hết lòng của Thanh Loan - truyền nhân của mẹ cô (Thanh Mai) khi xưa.

Nếu như hai nhân vật được đẩy vào thế phải dằn vặt nội tâm nhiều hơn, đối thoại với chính mình nhiều hơn và gặp nhiều thử thách cam go hơn thì tác phẩm sẽ được mở rộng chiều kích ở bề sâu, kịch bản sẽ dày dặn và kịch tính hơn.

4. Giá như Áo Dài được nhấn mạnh kỹ hơn ở thời điểm hiện đại

Nếu để ý kỹ, sẽ thấy bộ phim có những điểm thiếu cân xứng: phần đầu Sài Gòn thời cổ dung lượng ít nhưng hình ảnh áo dài xuất hiện nhiều, phần sau Sài Gòn hiện đại chiếm 2/3 dung lượng nhưng áo dài lại xuất hiện rất ít. Dường như hình ảnh áo dài bị quên đi, tách biệt ra so với nhân vật chính. Ở đó áo dài chỉ xuất hiện trong màn trình diễn catwalk mà không hề có phần thuyết minh về nguồn gốc ra đời, sự sáng tạo, cách tân trong mỗi thiết kế.

Điều này làm khán giả một lần nữa phải đặt câu hỏi, vậy nhân vật đã làm gì để tìm lại ý nghĩa của áo dài và vai trò của áo dài trong xã hội hiện đại là như thế nào. Ngoại trừ việc Như Ý nói “tôi đã biết may áo dài” thì không còn thông tin nào khác.

Giá như chính nhân vật Như Ý có thể làm rõ sự tiếp nối và sáng tạo của mình trong việc may, thiết kế áo dài thì bộ phim sẽ hoàn thiện xuất sắc về kiến thức thời trang xưa - nay. Giá như áo dài được mặc lên người của những người con gái hiện đại trong cuộc sống thường ngày mà không chỉ là một sàn diễn thời trang thì sức lan tỏa của vẻ đẹp truyền thống đã len lỏi đi xa hơn rất nhiều.

5. Giá như hồi kết khi trở về, Như Ý thể hiện sự ăn năn, hối hận nhiều hơn

Dường như cả một quá trình “xuyên không” đầy trải nghiệm của Như Ý đã tan biến hết khi cô trở về với năm 1969. Không khí hài hòa, yên bình của nhà may Thanh Nữ hiện diện như chưa hề có gì xảy ra. Điều đó là dĩ nhiên, nhưng bản thân Như Ý chỉ giữ lại cảm xúc vui mừng, hạnh phúc khi đã “trở về” và biết may áo dài là một điều bí mật mà má Thanh Mai không bao giờ được biết.

Trở về với cuộc sống yên bình, Như Ý cũng đã thấu hiểu được nỗi lòng của má, hiểu được vì sao bao năm qua má vẫn một mực trung thành với những giá trị cổ truyền của gia đình, thậm chí còn biết được rằng má sẽ bệnh, sẽ đau lòng và mất đi một ngày nào đó. Khán giả có lẽ trông chờ nhiều hơn sự ăn năn, hối hận của cô ở những giây phút cuối, khi đứng trước mặt mẹ - người đang gìn giữ và tiếp lửa truyền thống, người mà trước đây đã thẳng tay tát con gái mình vì sự hỗn xược và nông nổi. Nếu có thêm những giây phút ấy thì bộ phim sẽ lắng đọng hơn ở phần cuối, nhờ đó cũng dư ba ám ảnh hơn.

Kết

Để có một bộ phim chỉn chu và đẹp mắt như Cô Ba Sài Gòn, chắc hẳn ê-kíp làm phim đã lao động sáng tạo đầy cật lực, nghiêm túc và hy vọng những phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả. Cô Ba Sài Gòn tuy đã vượt lên trên yếu tố giải trí thông thường để trở thành một bộ phim đẹp cả về nội dung lẫn hình thức nhưng vẫn chưa chạm đến sự ám ảnh, “sức nặng” của nó còn là một câu hỏi lớn. Nhưng không có tác phẩm điện ảnh nào là hoàn hảo, không có những giá trị nghệ thuật được khẳng định tuyệt đối. Chúng ta công nhận những thước phim đẹp và hay nhưng cũng phải thừa nhận những thiếu sót để những tác phẩm sau đó có thể hoàn thiện và xuất sắc hơn.

Teaser phim Cô Ba Sài Gòn.

Phim hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bạch Vân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm