Là dự án phim do Lộc Trần và Kay Nguyễn đạo diễn, hợp tác giám đốc sản xuất Ngô Thanh Vân, Cô Ba Sài Gòn tôn lên vẻ đẹp của một Sài Gòn xưa kiều diễm, cùng giá trị tà áo dài - trang phục truyền thống dân tộc. Phim quy tụ những người đẹp như Diễm My 9X, Hải Triều, Oanh Kiều, NSND Hồng Vân, Diễm My 6X, Trác Thùy Miêu, Kim Thư, Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc,… Chính thức công chiếu toàn quốc từ ngày 10/11/2017, Cô Ba Sài Gòn nhận sự đón nhận đông đảo từ khán giả Việt. Là hành trình yêu áo dài của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai), phim khiến người xem rạo rực trong người niềm tự hào đất nước, cũng như trân quý hơn tà áo truyền thống Việt Nam bao đời nay.
Tình yêu áo dài được truyền tải đến người xem một cách sống động, đầy thú vị
Ở những teaser được nhà làm phim tung ra trước khi công chiếu, người xem thấy một không gian Sài Gòn cổ xưa, cũ kỹ, thấy nhà may áo dài nổi tiếng chín đời - Thanh Nữ, cùng mâu thuẫn giữa hai mẹ con Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) và Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc). Do đó, khán giả cho rằng toàn bộ phim lấy bối cảnh thập niên 60 phồn hoa, hành trình nhận thức của cô gái nổi loạn - Như Ý bắt đầu từ mâu thuẫn với mẹ cô - chủ nhà may Thanh Nữ. Tuy nhiên, ra đến rạp, người hâm mộ không khỏi bất ngờ, khi hầu hết chi tiết, phân cảnh trong teaser cũng như bối cảnh Sài Gòn cũ chỉ nằm ở gần một phần ba phim. Lời Như Ý hốt hoảng: “Sài Gòn của tôi đâu rồi” thực hiện cú chuyển cái nền của Cô Ba Sài Gòn, đưa nhân vật đến mảnh đất Sài Thành năng động, náo nhiệt năm 2017.
Teaser “Cô Ba Sài Gòn”.
“Cú lừa ngoạn mục” của Cô Ba Sài Gòn khiến người xem vừa ngạc nhiên, vừa không khỏi thích thú. Với ý đồ về hình ảnh rõ ràng, phim bất ngờ chuyển phông nền xưa cũ - một Sài Gòn phồn hoa, tráng lệ, cùng những quý ông, quý bà thanh lịch, yêu kiều - thành hình ảnh mảnh đất Sài Thành năng động, ồn ào, nơi biến Đệ Nhất Thanh Lịch thập niên 60 trở nên chìm nghỉm, cũ kỹ. Điều này khiến nhân vật cũng như khán giả như lạc vào thế giới hoàn toàn mới. Cũng tại đây, cuộc gặp gỡ thú vị tạo nên nét hài hước đầy duyên dáng trong Cô Ba Sài Gòn.
Xuyên suốt cả bộ phim, cùng với tình huống éo le của nhân vật là những lời thoại, chi tiết đầy thú vị, khiến người xem bật cười thích thú. Tuy nhiên, mỗi tình tiết gây cười đồng thời chứa sự cay đắng, buộc nhân vật phải làm hành trình nhận thức về giá trị đã mất đi.
Giống như “đạo diễn triệu đô” Phan Gia Nhật Linh từng nhận xét: “Đây có lẽ là vai diễn lôi cuốn nhất của Lan Ngọc”, ở Cô Ba Sài Gòn, nhân vật Như Ý hiện lên với dáng vẻ ngang bướng, cao ngạo, vừa đáng giận, vừa đáng yêu. Biểu cảm khuôn mặt được Ninh Dương Lan Ngọc tận dụng triệt để, giúp nữ diễn viên bộc lộ trọn vẹn nàng tiểu thư mấy năm liền mang danh hiệu Đệ Nhất Thanh Lịch Sài Gòn, truyền nhân nhà may áo dài nổi tiếng chín đời - Thanh Nữ. Để rồi, khi yếu thế, sự đỏng đảnh, tự cao khiến nàng trở nên vừa đáng thương, vừa đáng yêu. Đặc biệt, đằng sau dáng vẻ ấy, khán giả thấy một Như Ý mạnh mẽ, mang trong mình quyết tâm và sức bền lớn.
Hài hước là thế, nhưng “Cô Ba Sài Gòn” vẫn khiến người xem rơi nước mắt bởi tình người!
Nếu Cô Ba Sài Gòn truyền tải ở teaser: “Chỉ đến khi mất đi một điều gì đó, ta mới thấy trân trọng nó”, thì ngược lại, phim vẫn cho nhân vật một cơ hội tìm lại “điều gì đó” đã mất đi. Không khiến khán giả rơi nước mắt vì nuối tiếc, Cô Ba Sài Gòn chạm đến trái tim người xem bằng tình người. Hành trình yêu áo dài của Như Ý cũng bắt đầu từ cơ hội làm lại ấy.
Ở bà Thanh Mai (Ngô Thanh Vân thủ vai), người xem thấy một thái độ trân quý tà áo truyền thống qua cách bà nâng niu từng chút, từng chiếc áo dài. Không những thế, nhân vật thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, sẵn sàng bao dung, tha thứ. Thậm chí, tình cảm ấy bộc lộ qua cái tát chủ nhà may Thanh Nữ dành cho con gái Như Ý - chi tiết từng được so sánh cùng cái tát đối với nàng Tấm (Tấm Cám: Chuyện chưa kể). Bởi lẽ, sau khi hành động trong tức giận, chính bà cũng thảng thốt, người run lên, cúi vội nhặt từng bức vẽ của con… Do đó, dù xuất hiện không nhiều, hình ảnh bà Thanh Mai vẫn gây sức ám ảnh xuyên suốt bộ phim. Để cuối cùng, Như Ý có cơ hội một lần nữa về bên mẹ, khán giả vỡ òa vì xúc động.
Lồng ghép câu chuyện của Như Ý vào những mối quan hệ: mẹ - con cùng bà Thanh Mai, cạnh tranh phát triển trong công việc cùng Helen (Diễm My 9X) hay tình cảm lứa đôi với Tuấn (S.T), Cô Ba Sài Gòn thể hiện tình người sâu sắc. Gặp Helen sòng phẳng, quyền lực nhưng hiểu chuyện, Tuấn - chàng trai tốt bụng, nhiệt tình, hay đối diện chính phiên bản chẳng còn lung linh, mà đầy thảm hại của bản thân - bà An Khánh, Như Ý tự nhìn nhận chính mình, cô làm hành trình nhận thức, thay đổi và tìm lại giá trị đã đánh mất.
Có thể nói, Cô Ba Sài Gòn không chỉ thể hiện thái độ trân quý, đề cao giá trị trang phục truyền thống dân tộc, mà bộ phim còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tại đây, tình người được đề cao, sự thực dụng nhường chỗ cho lương tâm, những thứ xa xỉ, lộng lẫy bên ngoài cũng “chào thua” bản chất, cốt cách tốt đẹp và cội nguồn bên trong.
Sự chỉn chu từ kịch bản, diễn xuất cho đến hình ảnh, âm thanh
Nếu tình huống bất ngờ đầy thú vị, hay tình người cảm động trong Cô Ba Sài Gòn chỉ giúp nhân vật Như Ý học cách yêu áo dài, thì sự đầu tư chỉn chu từ kịch bản, diễn xuất cho đến âm thanh, hình ảnh ở phim khiến khán giả càng trân quý hơn trang phục truyền thống dân tộc. Vào phim, người xem choáng ngợp bởi không gian đậm hơi thở Sài Gòn cũ, từ nhà may Thanh Nữ, phố phường rực rỡ, hay từng vật dụng nhỏ nhất đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thậm chí, điệu bộ, lời nói nhân vật cùng hiệu ứng về âm thanh là những bản nhạc trữ tình xưa giúp Sài Gòn thập niên 60 được tái hiện trọn vẹn.
Ngay cả khi chuyển bối cảnh đến năm 2017 hiện đại, Cô Ba Sài Gòn khiến khán giả “mắt tròn mắt dẹt” bởi những trang phục bắt kịp xu hướng thế giới, cùng các thông tin về thời trang đương thời được chuẩn bị bài bản, chuẩn chỉnh. Ngược lại, phim vẫn không tỏ ra qua loa đối với kiến thức thời trang thập niên 60, đặc biệt là áo dài.
Để thực hiện cảnh quay may áo dài một cách chỉn chu, chân thật nhất, Ngô Thanh Vân cũng như Ninh Dương Lan Ngọc phải tìm đến thầy, nghiêm túc học may, đo áo dài. Do đó, những phân cảnh bà Thanh Mai, hay Như Ý nâng niu, cẩn thận đo, cắt, ráp, kết nút hay ủi vải đều được thực hiện chuẩn chỉnh, mãn nhãn. Bên cạnh đó, lời chủ nhà may Thanh Nữ truyền lại về cách may áo dài cũng khiến người xem trân trọng hơn sản phẩm được tạo nên đầy công phu ấy: “Một chiếc áo dài hoàn chỉnh phải qua 5 giai đoạn: Đo, cắt, ráp, luôn vải, kết nút và ủi. Khâu nào cũng quan trọng hết. Tất cả đều phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, may ra cái áo dài mới đẹp. Người đo phải tinh ý gia giảm thể trạng người mặt, còn người cắt phải ăn ý với người đo”.
Có thể nói, thành công của Cô Ba Sài Gòn không chỉ nằm ở doanh thu, giá trị nghệ thuật hay sức ảnh hưởng đến khán giả, phim còn khơi dậy niềm tự hào, tình yêu và sự trân trọng từ người xem dành cho tà ào dài Việt Nam, quốc hồn dân tộc.