* Bài viết có tiết lộ nội dung, độc giả cần cân nhắc trước khi đọc
Aquaman chính thức ra rạp trong niềm mong chờ của các fan DC Worlds, và tựa phim này đã không hề khiến khán giả thất vọng khi khắc hoạ vô cùng thành công câu chuyện của Arthur Curry (Jason Momoa), từ đứa con đất liền chân chất đến bậc Đế vương của Bảy Vương quốc biển sâu. Vậy, những cảnh quay nào trong phim đã ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất, và liệu phim có bất kì “sạn” đáng nói nào hay không?
Trước hết, cùng điểm qua 7 cảnh quay đáng nhớ và hấp dẫn nhất trong Aquaman.
Aquaman vs. Orm - Huynh đệ tương tàn
Câu chuyện anh em tranh giành ngôi báu không còn quá xa lạ với khán giả điện ảnh, thế nhưng cuộc chiến tại Đấu trường Lửa dưới lòng đại dương giữa Arthur Curry và đương kim đế vương Orm của Atlantis lại có nét kịch tính và nghẹt thở rất riêng.
Cuộc chiến càng thêm nóng với dàn kèn trống từ các sinh vật biển như sứa và bạch tuộc, cộng thêm màn la hét cổ vũ của hàng nghìn khán giả là thần dân của Bảy Vương quốc. Trận giao đấu đầu tiên này tuy có cái kết chưa làm thoả mãn, nhưng không thể chối bỏ sự đối địch vô cùng tự nhiên giữa hai anh em cùng mẹ khác cha. Dù sao thì màn tái đấu vẫn còn ở đằng sau, nên nhìn chung khán giả đã vô cùng mãn nhãn với Đấu trường Lửa của Atlantis.
Chuyện đời của Black Manta
Trước khi công chiếu, các fan DC đã được nghe kha khá các thông tin về cốt truyện của Black Manta (hay David Kane), rằng anh chàng phản diện này sẽ không có nhiều thời lượng để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Ngạc nhiên thay, Aquaman không chỉ dành cho Black Manta một lượng “screentime” đáng kể, mà còn xoáy sâu vào tình huống khiến cho tên hải tặc trở thành kẻ thù tầm cỡ của Arthur Curry.
Những quyết định của David có liên quan đến bố ở đầu phim đã đẩy anh vào vũng bùn tội lỗi, để rồi kẻ phản diện Cá đuối Đen được sinh ra cùng bộ giáp không thể nào tân tiến và ngầu hơn. Trận giao chiến giữa Black Manta và cặp đôi Arthur - Mera tại Sicilia, Ý được xây dựng gần như hoàn hảo, từ góc quay đến phản ứng hoá học giữa các tay đấu hai phe. Đây có lẽ là một trong những màn trạm chán gai góc, bụi bặm và tuyệt vời nhất trong thể loại siêu anh hùng trước giờ.
Vương quốc Vực sâu
Đừng quên rằng đạo diễn lần này của Aquaman không ai khác chính là cha đẻ vũ trụ The Conjuring James Wan, và như lời hứa thì anh đã mang đến những cảnh qua vô cùng rùng rợn tại vùng ngự trị của Vương quốc Vực sâu.
Các thần dân “tiến hoá” của Vương quốc Vực sâu đã đón chào Mera và Arthur với màn “đánh úp” ngay giữa biển. Các sinh vật quái ngư ghê rợn bao vây lấy con tàu nhỏ của cả hai, và rồi hơn hàng ngàn, hàng vạn tên kéo đến, khiến mặt biển nhuộm đầy các đốm đen. Đây là một cảnh dễ gây khó chịu, ức chế và nổi da gà cho người xem, nhưng cũng chính điều đó giúp cho James Wan ghi điểm với chi tiết kinh dị của riêng mình. Có lẽ, đây là một trong những cảnh phim đáng nhớ có thể sáng ngang với cảnh song đấu giữa Người Nhện và Tiến sĩ Bạch tuộc trong siêu phẩm Spider-Man 2.
Diện kiến Aquaman
Để chinh phục cây Đinh ba Thần của vua Atlan tại Vực sâu, Aquaman phải vượt qua những xúc tu đáng sợ của quái vật trú ngụ và canh giữ nơi đó - Karathen (lồng tiếng bởi nữ diễn viên kỳ cựu Julie Andrews). Khoảnh khắc khi mà Arthur trở nên tuyệt vọng nhất, nhưng rồi bằng cách nào đó chinh phục được quái vật để giành lấy Đinh ba, rồi vụt lên khỏi mặt nước với bộ giáp vàng bóng bẩy và quen thuộc sẽ khiến người xem không khỏi rùng mình.
Đại chiến cuối cùng
Tựa phim siêu anh hùng nào cũng kết thúc bằng một cuộc chiến tổng lực hoành tráng, và Aquaman đã vượt xa mong đợi của khán giả khi mang lại màn giao đấu nảy lửa giữa Bảy Vương quốc dưới lòng đại dương xanh.
Với cách xây dựng và thúc đẩy cốt truyện hợp lý ngay từ đầu, đoạn kết sẽ là màn tuôn trào cảm xúc của tất cả nhân vật, từ chính diện đến phản diện. Tham gia cuộc đấu có phe của Orm, Nereus, nhóm đội quân từ Vương quốc Fisherman và Brine, đối nghịch chính Aquaman khi này đã có trong tay Đinh ba Thần cùng trợ giúp từ Vương quốc Vực sâu và Karathen. Nếu muốn chiêm ngưỡng trận chiến nảy lửa này như thế nào, còn không mau ra rạp!
Bàn thua của Orm
Nếu xem xét 99% các tựa phim siêu anh hùng, thì Orm có lẽ đã bị giết và phần thắng dĩ nhiên thuộc về Aquaman. Tuy nhiên, trong phim lần này thì Arthur đã tha mạng cho người em trai của mình, đồng thời bảo rằng cả hai sẽ cùng nhau trò chuyện vui vẻ một khi vị Bá chủ Đại dương tự xưng kia sẵn sàng.
Cuộc tái đấu giữa Arthur và Orm ở cuối phim diễn ra không hoành tráng như trận đầu, nhưng chính sự đơn giản của bối cảnh đã giúp khán giả chú tâm hơn vào câu chuyện, cũng như diễn xuất của Jason Momoa và Patrick Wilson. Có thể thấy, cao trào liên tiếp đánh úp người xem khi hành trình của Aquaman dần đi đến cái kết vĩnh hằng, và sự vị tha của anh dành cho em trai chính là liều thuốc giúp Aquaman càng thêm ghi điểm với các fan.
Mid-credit về phần tiếp theo
Sau khi bị đánh văng khỏi vực tại Sicilia, Ý, những tưởng Black Manta đã chính thức bỏ mạng và kết thúc sự nghiệp phản diện ngắn ngủi của mình. Nhưng không, trong đoạn mid-credit của phim, anh chàng đã trôi dạt lênh đênh trên biển, sau đó được một người cứu vớt, đó là Tiến sĩ Shin - người liên tục xuất hiện trên TV và bị “ném đá” vì tin tưởng thái quá và vô căn cứ vào sự tồn tại của Atlantis.
Có thể thấy, cả hai nhân vật này sẽ hợp tác và cộng sinh với nhau: Shin sẽ giúp Black Manta sửa chữa, nâng cấp vũ khí và bộ giáp của mình, trong khi Black Manta sẽ đưa Shin đến với Atlantis mà ông hằng mong ước bấy lâu nay. Vậy từ giờ, khán giả có thể mong chờ sự trở lại của Aquaman 2 rồi đấy!
Bên cạnh những chi tiết đắt giá, thì phim không thể nào tránh khỏi một số sạn và lỗi nhỏ. Tuy không gây ảnh hưởng đến chất lượng của câu chuyện, nhưng với cái nhìn công tâm nhất thì ta cũng không nên bỏ qua những lỗi vụn vặt này, như một cách để DC Worlds có thể tiếp tục phát triển hơn.
Những đoạn hồi tưởng
Các đoạn phim về thời niên thiếu của Arthur Curry thực chất không quá tệ, nhưng nói khá ổn thì cũng không. Nhất là ở phần khi Arthur đã trở thành chàng thiếu niên thực thụ (được đóng bởi nam diễn viên trẻ Kekoa Kekumano) và đang luyện tập cùng Vulko trở nên khá… “sến” khi diễn xuất của anh chàng này cũng chỉ ở mức tạm được. Và các đoạn hồi tưởng này nhìn chung có thể khiến một số khán giả phân tâm và khó theo dõi tiến độ bộ phim.
Không nhắc gì đến Liên minh Công lý
Như thông báo từ trước, Aquaman là tựa phim hoàn toàn độc lập và sẽ không có bất kì liên hệ gì với các bộ phim khác của DC Worlds. Thế nhưng, khán giả lại không nghĩ phim sẽ “độc lập” đến mức lại không nhắc gì đến Justice League dù chỉ một chút, trong khi tình hình môi trường thế giới đang trên đà nóng bỏng như vậy. Chỉ có một chi tiết khi mà Mera gặp Arthur và nhắc về việc anh từng đánh bại Steppenwolf, và chỉ thế thôi.
Sự trở lại (không hẳn) bất ngờ?
Sau khi Arthur và Mera như thoát chết khỏi vòng xoáy Vực sâu và đến với một vùng đất toàn khủng long, một nhân vật đã xuất hiện và cứu Mera. Và không quá ư là khó đoán khi nhân vật đó chính là Nữ hoàng Atlanna - người những tưởng đã bỏ mạng khi bị hiến tế cho Vương quốc Vực sâu.
Theo như phim, bà đã dành hơn 20 năm ở lại nơi này, trong bộ đồ kì quặc có thể sánh ngang với bộ của Janet van Dyne trong Ant-Man and the Wasp. Có thể với nhiều fan, sự tái xuất của Nữ hoàng không hề cần thiết, và nếu không có bà trở lại thì có lẽ mạch phim cũng không bị ảnh hưởng gì mấy. Tuy nhiên, vai trò của Atlanna cũng có phần quan trọng ở khúc cuối, trong cuộc chiến giữa Arthur và Orm, nên âu cũng là hợp lý, dù rằng mọi thứ khá dễ đoán.
Aquaman đã nhận được vô số tình cảm từ fan DC và cả các fan của vũ trụ điện ảnh khác, và ngay cả giới phê bình cũng không tiếc lời tán dương nước đi lần này của ông lớn thể loại siêu anh hùng. Dù vẫn còn nhiều lỗi nhỏ, nhưng tựa phim về Đế vương Atlantis xứng đáng nhận được cơn mưa lời khen với nỗ lực tuyệt vời từ phía sản xuất, đạo diễn James Wan và dàn diễn viên hùng hậu, nổi bật hơn cả vẫn là nam chính Jason Momoa.
Thưởng thức trailer chính thức của Aquaman.
Aquaman chính thức công chiếu ngày 13/12 tại Việt Nam.