Có thể dễ dàng nhận thấy Chàng vợ của em có cốt truyện tương đối đơn giản và quen thuộc. Nhưng thay vì cho rằng bộ phim đi theo thể loại rom-com sáo mòn với những câu chuyện tình yêu sến sủa hoặc đầy tính cao trào, Chàng vợ của em lại là “con lai” của thể loại tâm lí - tình cảm và dòng phim “chick flick” (dành riêng cho phái đẹp) hơn là một tác phẩm mang trách nhiệm “nặng đô” kiểu như hô hào kêu gọi bình đẳng giới. Dù thế, thông điệp của của bộ phim gửi gắm cũng đầy tính nhân văn: chúng ta có thể chọn cho mình trở thành bất kì ai, thay vì để cho những định kiến xã hội áp đặt, giới hạn trong những khái niệm “vợ” hay “chồng” một cách ngột ngạt.
Chúng ta tự lựa chọn vai trò cho mình và chúng ta chịu trách nhiệm đến cùng cho lựa chọn ấy. “Cô boss” Phương Mai (Phương Anh Đào) có lẽ là người quán triệt sâu sắc rõ ràng nhất điều này trong đoạn cuối phim. Còn Hùng (Thái Hòa) thì đôi chút khác biệt, anh chỉ luôn làm chính anh và anh đã có được hạnh phúc theo cách rất riêng.
Xem Chàng vợ của em, ta bắt gặp một “chàng vợ” cực kì giỏi việc nội trợ, chân chất và sống tình cảm đến mức hi sinh của hạnh phúc của chính mình như Hùng; hay một “nàng chồng” kiêu hãnh và xuất sắc trong công việc nhưng “í ẹ” trong khoản chăm sóc bản thân như Phương Mai. Giữa họ dường như không có điểm chung nào ngoại trừ những lần “va chạm” nhau đầy tình cờ và thật bất ngờ ở công viên trong lúc tập thể dục buổi sáng. Khoản lương béo bở cùng mong muốn em gái tập trung vào việc học; a lê hấp, Hùng đã trở thành “ô-sin part time” cho “cô chủ” khó chiều như Mai, bất chấp nỗi ám ảnh về… chó “thâm căn cố đế” của mình.
Không chỉ chu toàn thật gọn gàng mọi thứ nơi căn hộ cao cấp giúp Mai, Hùng còn là người bạn đáng tin cậy để Mai trút bầu trút bầu tâm sự mỗi khi cô nàng gặp phải áp lực trong cuộc sống lẫn chuyện tình cảm. Anh chàng thậm chí sẵn sàng đến siêu thị mua băng vệ sinh cho Mai khi cô nàng đến ngày đèn đỏ. Khán giả sẽ được trông thấy một Thái Hòa trông cực kì ngốc nghếch đến dễ thương khi đứng trước “hằng hà sa số” nhãn hiệu nổi tiếng dành cho… phụ nữ. Dẫu rằng đây chỉ là hiểu lầm của Mai nhưng Hùng thì chưa bao giờ ngộ nhận tình cảm của riêng mình dành cho “cô boss” trẻ này cả. Dường như Ông Trời đã sắp đặt những sự việc ngẫu nhiên để Hùng lẫn Mai có những trải nghiệm “tiền hôn nhân” theo một cách thật “vô tiền khoáng hậu”.
Sau nhiều phen “mừng hụt”, cuối cùng Hùng cũng đã được Mai… chủ động hôn định tình tại ngay tại cái nơi mà anh cảm thấy bản thân có giá trị và đạt được sự đồng cảm với cô người yêu “hổ báo” nhất: Lí do cho những tấm huy chương marathon và mối quan hệ với người mẹ.
Phương Anh Đào là diễn viên có tính cách lẫn ngoại hình gần giống với nhân vật Mai nhất trong mắt Charlie Nguyễn nên khán giả cũng cảm thấy vô cùng dễ chịu trong những trường đoạn Mai thể hiện cá tính mạnh mẽ của mình thay vì gợn lên cảm giác “over”. Thái Hòa trong Chàng Vợ Của Em thì đầy tiết chế và tinh tế một cách duyên dáng, dễ dàng kích hoạt những cung bậc cảm xúc của người xem. So với các sản phẩm trước, Thái Hòa có gì đó “đằm thắm” hơn rất nhiều. Tuy có ít phân cảnh nồng nàn, lãng mạn với bạn diễn Phương Anh Đào, nhưng sự phối hợp của anh với cô hay cả gương mặt trẻ Thanh Trúc (thủ vai Ngọc) rất đáng để theo dõi.
Sự xuất hiện của Mạnh (Hứa Vĩ Văn) hay Khang (Trung Dũng) trong Chàng vợ của em tương đối tròn trịa và tạo ra cảm giác “thòm thèm” đủ để ước gì đất diễn của họ nhiều hơn chút nữa. Hơi tiếc bởi nếu khai thác thêm về “tính nam trị” của Mạnh hay Khang để tương phản với “nữ quyền” của Phương Mai thì có lẽ Chàng vợ của em có thể thể tạo ra hai “tổng tài bá đạo” theo kiểu Việt Nam (gia trưởng và luôn nghĩ theo định lý hình và bóng như suy nghĩ của nhân vật Mạnh).
Chàng vợ của em vẫn đang tiếp tục được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.