Khi chàng “đảm đang” gặp nàng “hậu đậu”
Kịch bản Chàng vợ của em được viết dựa trên tiểu thuyết Busy Woman Seeks Wife của Annie Ashworth và Meg Sander.
Có thể nói, đây là hai tác giả có số lượng best seller tương đối nhiều, song câu chuyện của Charlie Nguyễn chỉ mượn chất liệu và ý tưởng từ tiểu thuyết của họ mà thôi. Trên thực tế, nội dung phim đã được cải biên đáng kể so với nguyên tác, nhất là ở khâu xây dựng hình tượng nhân vật nam chính. Vì vậy, phim dễ dàng tạo ra sự gần gũi và thân thuộc đối với khán giả Việt nói chung.
Chuyện phim kể về Mai (Phương Anh Đào) - một nữ cường nhân chính hiệu, một cô nàng công sở bận rộn, suốt ngày chỉ quanh quẩn với công việc và các dự án. Không có đủ thời gian dọn dẹp nhà cửa và trông nom Heo - cún cưng của mình, Mai đã tìm đến cô bé Ngọc (Thanh Trúc) nhờ giúp đỡ.
Song người đến nhà Mai làm việc, nấu ăn và quan tâm cô bằng những tin nhắn ngắn ngủi mỗi ngày lại chính là oan gia của cô - Hùng (Thái Hòa), anh trai của Ngọc.
Mọi việc cứ thế diễn ra, kéo theo đó là những chuyện dở khóc dở cười đến từ những tình huống bất ngờ, cho đến khi Mai phát hiện ra sự thật… Câu chuyện đầy duyên nợ giữa Mai và Hùng rồi sẽ đi về đâu? Ngoài mối quan hệ chủ nhà - người giúp việc, liệu họ có thể tiến xa hơn khi chân tình của cả hai dần được hé lộ?
Motif chàng “đảm đang” - nàng “hậu đậu” dường như đã không còn quá xa lạ đối với điện ảnh thế giới. Song, hai nhân vật Mai và Hùng qua lăng kính của Charlie Nguyễn đã trở thành những hình tượng độc lập, riêng biệt và có cá tính đặc trưng trong Chàng vợ của em - câu chuyện được sáng tạo một cách tinh tế, có chiều sâu.
“Chàng vợ của em” - Phim điện ảnh hài tình cảm có chiều sâu
Dễ dàng nhận thấy, từ lâu dòng phim hài - tình cảm lãng mạn đã trở thành chọn lựa ưu tiên của khán giả Việt mỗi khi ra rạp. Song, ở chiều hướng ngược lại, đây hoàn toàn không phải là dòng phim được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung và thông điệp được truyền tải trong đó.
Có lẽ, người Việt vẫn còn mang nặng định kiến, cứ “hài” là sẽ “nhảm”. Cụm từ này chẳng biết từ khi nào lại chẳng thể tách nhau ra thành hai tính từ độc lập, riêng biệt trong giới phê bình phim ảnh nói chung.
Tuy nhiên, Chàng vợ của em sau khi ra rạp lại hoàn toàn đánh bật đi những định kiến ấy, thậm chí còn khiến người xem “choáng” vì nội hàm của phim là hoàn toàn không nhỏ.
Trước tiên phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong bộ phim của Charlie Nguyễn. Lật lại trang sử Việt, 1000 năm Bắc thuộc đã khiến người Việt in hằn trong tiềm thức những lề lối bất công đối với những người phụ nữ trong xã hội. Lấy chồng, sinh con, cuộc đời họ dường như đã không còn do họ làm chủ. Và rồi thì gia đình vô hình chung lại trở thành “cái lồng” chôn lại ước mơ, khát vọng lẫn hoài bão của những cô gái làm vợ, làm mẹ.
Có ai trong chúng ta từng trăn trở, đặt sự nghiệp và gia đình lên bàn cân để đong đếm nặng nhẹ? Có ai trong chúng ta từng nghĩ, hay là mình gác lại công việc để yêu, để sinh con, để tạo dựng một gia đình? Và có ai từng đau đáu những giấc mơ chưa kịp thành hình đã dập tắt bởi guồng quay cuộc sống, bởi chồng con và những công việc không tên khác? “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, sinh ra là phụ nữ, chúng ta bị mặc định mình cứ phải hy sinh.
Nhưng Chàng vợ của em sẽ cho chúng ta thấy hai bức tranh cuộc sống đối lập của hai người phụ nữ: một độc thân, “bán mạng” vì công việc; một hy sinh vì gia đình đến quên cả ước mơ, để rồi nhận ra là phụ nữ, không nhất thiết phải hy sinh hay gồng lên mạnh mẽ, cứ vui vẻ là mình, hạnh phúc tự nhiên đến.
Bên cạnh đó thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình cũng tạo dấu ấn đậm nét trong bộ phim của Charlie Nguyễn. Đó là tình cảm giữa tuyến nhân vật anh em Hùng và Ngọc, giữa Hùng và người mẹ quá cố cũng như giữa Mai và ca sĩ Khánh Ly (Hồng Hạnh) - mẹ cô. Chúng ta - những người con luôn mang lý do bận rộn công việc ra để làm bức bình phong cho sự vô tư, vô tâm của mình đối với gia đình, cha mẹ và anh em.
Chúng ta đôi khi ngang ngạnh và cứng đầu đến lì lợm chỉ vì thấy phiền phức khi được quan tâm. Chúng ta trách cứ người khác cố chấp vì không hiểu mình nhưng thực tế chúng ta cố chấp hơn, vì không cho người khác cơ hội để mở lòng ra mà chia sẻ. Đó là tất cả những cung bậc cảm xúc Chàng vợ của em mang đến màn ảnh rộng, cho khán giả cái nhìn bao quát nhưng thấm thía về tình cảm gia đình thiêng liêng.
… nhưng chưa mang đậm dấu ấn Charlie Nguyễn
Nếu theo dõi Charlie Nguyễn xuyên suốt chặng đường làm phim, không khó để nhận ra hành trình đến với khán giả của anh khá bấp bênh, trồi sụt. Cứ hễ một phim thắng lớn, thì phim sau lại trở nên “bình bình”.
Chàng vợ của em xét tổng thể là một phim điện ảnh chỉn chu, có chiều sâu với nhiều tầng ý nghĩa. Tuy nhiên, việc đan cài quá nhiều thông điệp vào phim đã khiến khán giả khó lòng “tiêu hóa” hết trong 120 phút ngắn ngủi. Thêm vào đó, nhịp phim lần này lại quá nhẹ nhàng, thiếu điểm nhấn để đẩy mạch phim đến cao trào. Điều này là trở ngại khá lớn, khiến phim khó gây ấn tượng với người xem. Một điểm trừ khác chính là tuyến tình cảm của hai nhân vật chính - Mai và Hùng chưa được tập trung khai thác rõ nét. Cũng vì vậy mà câu chuyện tình cảm giữa cặp đôi này đã trở nên vội vàng và có phần hời hợt.
Có thể nói, Chàng vợ của em chính là nước đi táo bạo trên “bàn cờ” tính toán của Charlie và Thái Hòa. Một công thức mới, một câu chuyện mới cùng những gương mặt mới có thể sẽ không mang đến kết quả tối ưu, nhưng lại thể hiện sự cố gắng học hỏi không ngừng và thái độ nghiêm túc với nghề lẫn sự tôn trọng khán giả của những người làm nghệ thuật.
Trailer phim
Phim được công chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc từ 24/08/2018