Phim Ảnh

Cùng hóa thân thành Dương Ngọc Hoàn, quý phi Cao thị và ông chủ Thương khiến người nghe ngấn lệ

Bảo Đặng
Chia sẻ

Đều hòa mình vai những giai điệu trong hí kịch, nếu như Cao Quý phi mượn hình ảnh Dương Ngọc Hoàn để vĩnh biệt người thương thì màn trình diễn của ông chủ Thương lại gợi cho người xem cảm giác bồi hồi.

Trailer “Bên tóc mai không phải hải đường hồng”.

Với những ai thường thưởng thức những bộ phim của đạo diễn Vu Chính, hẳn nhóm khán giả ấy vẫn không ngừng ấn tượng bởi sự trau chuốt từ mạch phim cho đến bối cảnh, diễn xuất của từng nhân vật trong phim. Trong đó, phải kể đến hai cái tên gần đây nhất là Diên Hi công lượcBên tóc mai không phải hải đường hồng với sự tham gia của nhất tỷ Xa Thi Mạn cùng dàn diễn viên thực lực mang đến những thước phim mãn nhãn.

Trùng hợp thay, cả hai bộ phim đều có trích đoạn hí kịch Dương Quý phi từ biệt Đường Huyền Tông được thể hiện bởi qua Cao Quý phi (Diên Hi công lược) và ông chủ Thương (Bên tóc mai không phải hải đường hồng). Nếu như Cao Quý phi mượn hình ảnh sủng phi để từ biệt vĩnh viễn người thương thì ông chủ Thương cũng có một màn hoá thân mang đến cảm giác xúc động, bồi hồi.

Diên Hi công lược, Cao Quý phi (Đàm Trác) được mệnh danh là phi tần đẹp nhất hậu cung. Ỷ vào nhan sắc “hoa nhường nguyệt thẹn” của mình cùng gia thế hiển hách, nàng ta luôn xem mình là người cao cao tại thượng mặc sức ngang ngược hống hách khiến cho các phi tần cùng các nô tài lúc bấy giờ đều phải khiếp sợ, dè chừng. Không những bức chết phi tần hậu cung, nàng ta còn hãm hại Nhàn Phi (Xa Thi Mạn) nhà tan cửa nát chỉ vì không chịu liên thủ với nàng, đối phó Hoàng hậu.

Gieo gió gặt bão, nàng ta bị bỏng nặng do nước thép nung chảy bắn vào lưng trong một lần chuẩn bị tổ chức một màn trình diễn pháo hoa cho Hoàng thượng thưởng thức. Thế nhưng dù gào thét trong đau đớn nhưng nàng không chịu bôi thuốc vì… sợ để lại sẹo. Quý phi kiêu hãnh một đời thà để thiên hạ chán ghét mình chứ không muốn Hoàng thượng chán ghét mình. Nàng ta không muốn sống quãng đời còn lại trong sự chê cười của người người trong Tử Cấm Thành về một Quý phi đầy vết sẹo, đồng thời nàng cũng không muốn sống nương dựa vào vinh sủng gia tộc và lòng thương hại của hoàng thượng, thế nên cô gái nhà họ Cao không thể không chết.

Trước lúc chết, Cao Quý phi hát trích đoạn hí kịch sau cùng. Nàng ta hóa thân thành Dương Quý phi, tiễn biệt Đường Huyền Tông.

Đến Bên tóc mai không phải hải đường hồng, may mắn thay ông chủ Thương (Doãn Chính) không rơi vào tình huống đau lòng kia, anh chỉ đơn thuần là chàng kép thực hiện vai diễn hí kịch. Thế nhưng với lối diễn hoàn toàn nhập vai, lột tả được thần thái của Dương Quý phi cùng bối cảnh “bi thương”, Thương Tế Nhị, tức ông chủ Thương, như một người dẫn truyện tài tình lôi kéo khán giả vào mạch cảm xúc, tiếc thương cho cái chết của Dương Ngọc Hoàn.

Và từ đây, Nhị gia (Huỳnh Hiểu Minh) như được cởi bỏ lòng mình, nhớ về những tháng ngày không vui trong quá khứ qua màn thể hiện của Thương Tế Nhị. Qua hình ảnh trói buộc, “thân bất do kỷ” của Dương Quý phi, từng thước phim về quá khứ Nhị gia được gợi lên, nhuốm màu đượm buồn. Anh dần ngộ ra được nhiều thứ, đặc biệt là người mẹ mà anh yêu quý, về việc bỏ lại tất cả, chấp nhận cảnh tha hương để tìm lại vở kịch đúng nghĩa của cuộc đời mình.

Nhìn chung, cả hai nhân vật tuy thuộc hai tuýp khác nhau, không cùng chung tình huống thế nhưng cách lột tả cảm xúc nhân vật của họ thật đáng ngưỡng mộ và xuất thần. Nếu như Cao Quý phi cho đến lúc chết vẫn giữ lại cho mình niềm kiêu hãnh, để lại trong lòng phu quân sự tiếc thương khôn nguôi thì ông chủ Thương lại khiến người ta hoài niệm về quá khứ, từ đó phá tan xiềng xích trói buộc và làm chủ cuộc đời mình.

Chia sẻ

Bài viết

Bảo Đặng

Tin mới nhất