Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Cao Quý phi trong lịch sử quả thật có thập phần bá đạo, khinh nhờn Hoàng hậu đến nhường ấy?

Xuyên suốt các tập phim "Diên Hi công lược", Cao Ninh Hinh luôn nổi lên là một phi tần ngang ngược, tàn độc. Nhưng sự thật có phải như vậy?

Nhân vật Cao Quý phi, tên thật Cao Ninh Hinh là một trong những nhân vật gây chú ý nhất trong cơn sốt Diên Hi công lược. Với giọng nói kiêu kì, cử chỉ dáng vẻ đều cường điệu hóa, nhân vật này vừa làm người ta chán ghét với những âm mưu thâm độc, cũng như sự vô lễ quá quắc đối với Phú Sát Hoàng hậu, nhưng chính nhân vật này cũng đem lại sự hài hước mỉa mai cho khán giả bằng chính những điều trên.

Là một trong những phi tần được nể trọng nhất thời Càn Long, thế nhưng những nhân vật và vai diễn về Tuệ Hiền Hoàng Quý phi luôn cố ý làm điều ngược lại. Bà là một trong những phi tần rời nhân thế sớm nhất của vua Càn Long, nhưng lại có đãi ngộ khiến ai cũng phải ghen tị.

Tuệ Hiền Hoàng Quý phi trong triều phục.

Cũng như Phú Sát Hoàng hậuNgụy Anh Lạc, nhân vật Cao Ninh Hinh cũng dựa trên một phi tần có thật thời Càn Long. Đó là Tuệ Hiền Hoàng quý phi.

Tuệ Hiền Hoàng quý phi, họ Cao Giai thị, nguyên chỉ là họ Cao thị, xuất thân từ một gia đình dòng dõi Bao y trực thuộc Chính Hoàng kỳ. Dòng dõi “Bao y” là tầng lớp những người chuyên phục vụ cho thành viên hoàng thất Mãn Châu, có thể nói cách khác là người hầu của nhà vua. Xuất thân của Cao thị rất giống với Ngụy Anh Lạc, dù gia thế Ngụy Anh Lạc kém hơn khá nhiều.

Cha của Tuệ Hiền Hoàng quý phi là Đại học sĩ Cao Bân, vốn trước kia chưa được trọng dụng, nhưng vào cuối những năm Ung Chính thì đã có thể đạt tới vị trí Tổng đốc, và điều này đã giúp Cao thị đổi đời. Nguyên là Cao thị từ khi hầu Càn Long đế, lúc đó chỉ là Hoàng tử, hoàn toàn không có danh phận nào. Thế nhưng khi Cao Bân được trọng dụng, chính Ung Chính Hoàng đế đã đích thân phong Cao thị làm Trắc Phúc tấn, địa vị chỉ dưới duy nhất Đích Phúc tấn Phú Sát thị mà thôi.

Nhan sắc của Tuệ Hiền Hoàng Quý phi rất khác so với trên tạo hình Diên Hi công lược.

Dù về sau Nhàn phi nhập phủ, cũng cùng làm Trắc Phúc tấn, nhưng so với Cao thị vẫn phải cúi đầu từ tốn, đó là lý do vì sao ngay khi vua Càn Long lên ngôi thì Cao thị đã là Quý phi, còn Nhàn phi phải ở chiếu dưới.

Năm đầu Càn Long, một chi gia tộc của Cao thị thoát khỏi thân phận Bao y, do chính Càn Long ra chỉ đem toàn bộ gia đình nhập làm Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, thân phận Bao y hoàn toàn đươc gột rửa. Điều này cũng làm tăng thân phận, xuất thân và địa vị của Cao thị trong hậu cung hơn bao giờ hết.

Khi quyết định tấn phong Cao thị làm Quý phi, Càn Long đã cử hành một lễ sắc phong rất lớn, đem điển lệ của Đôn Túc Hoàng quý phi Niên thị khi xưa (tức Hoa phi Niên Thế Lan trong Hậu cung Chân Hoàn truyện), đại lễ của Cao thị được hưởng quy lễ nhận bái kiến của Công chúa, Thân vương Phúc tấn và Cáo mệnh phu nhân Tam phẩm trở lên. Về sau, sách phong Nhàn Quý phi, Thuần Quý phi và Gia Quý phi đều không được lễ này. Về lý do có sự khác biệt này, Càn Long khi giải thích, đã phê định rằng từ vị Trắc phúc tấn phong ngay Quý phi, khác với phi tần cấp dưới được tấn phong, cho nên Cao thị mới nhận được lễ này.

Khác với nhân vật Cao Ninh Hinh, Quý phi Cao thị trong lịch sử lại là một người hòa nhã, ôn nhu thực sự, điều này có thể thấy rất rõ thông qua những bức chân dung còn lưu lại của bà. Một điều trái ngược nữa, là quan hệ giữa Cao Quý phi và Phú Sát hoàng hậu rất tốt đẹp, không hề căng thẳng như trên phim diễn ra.

Năm Càn Long thứ 10 (1745), mùa xuân, tháng giêng, Quý phi Cao thị lâm bệnh nặng. Vua Càn Long đã ra chỉ tấn phong bà làm Hoàng Quý phi.

Quý phi túy tửu, khúc nhạc làm mềm lòng quân vương.

Điều này là một việc thấy sự thiện đãi của vua Càn Long đối với bà. Tước vị Hoàng Quý phi trong cung đình nhà Thanh là một tước vị cao quý, vì quy chế và Triều phục sách phong rất giống với Hoàng hậu. Hơn nữa, từ sự kiện Đổng Ngạc Hoàng Quý phi thời Thuận Trị, về sau các Hoàng đế nhà Thanh rất kị việc lập Hoàng Quý phi ngay khi Hoàng hậu còn sống. Việc Càn Long phong Cao thị làm Hoàng Quý phi, ngoài sự an ủi, còn cho thấy tình cảm giữa Cao Quý phi và Hoàng hậu thật sự yên hòa.

Đáng tiếc, sau 3 ngày sắc phong, Cao thị qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Thụy hiệu của bà là [Tuệ Hiền; 慧賢], căn cứ theo sách Hồng xưng thông dụng của Nội vụ phủ thời Thanh, “Tuệ” có âm tiếng Mãn là 「Ulhisu」, có nghĩa là “nhanh nhạy”, còn “Hiền” có âm Mãn gọi rằng 「Erdemungge」, ý nghĩa là “Có đức”, đây cũng là chữ Hiền trong thụy hiệu của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu. Theo “Thanh sử cảo” kể lại, khi Hoàng Quý phi Cao thị qua đời, Càn Long đế đăng đặt thụy cho Cao thị thì Hoàng hậu đang ngồi ngay bên cạnh, và chính Hoàng hậu thương cảm Cao thị, hỏi rằng liệu có thể xin chữ “Hiền” này làm thụy hiệu của mình về sau được hay không.

Một chân dung khác của Tuệ Hiền Hoàng Quý phi.

Theo ngự chế thơ của Càn Long Đế, cùng với tế văn của Tuệ Hiền Hoàng Quý phi, đương thời Cao thị khá được lòng Càn Long đế và Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu, được gọi là “Tá trợ Trung cung”. Về sau, khi Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu qua đời, vua Càn Long còn treo bức họa của Tuệ Hiền Hoàng Quý phi bên cạnh tranh của Hoàng hậu trong Trường Xuân cung. Bà cũng là người có hiểu biết thi thơ, rất được Càn Long đế tán thưởng, gọi là “Vưu đam văn chương”. Sau khi Tuệ Hiền Hoàng quý phi qua đời, hậu cung lâm vào trạng thái điếu ai trong một thời gian dài. Càn Long cứ đến mỗi ngày giỗ của bà đều làm thơ tiếc thương. Ngoài Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, thì Tuệ Hiền Hoàng Quý phi là phi tần duy nhất khiến vua Càn Long qua nhiều năm vẫn giữ việc viết thơ tưởng nhớ như vậy.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, việc xây dựng nhân vật này trên phim đã thành công.

Tuệ Hiền Hoàng quý phi về sau là một trong 5 vị hậu phi được an táng cùng Càn Long hoàng đế ngay trong huyệt địa của Dụ lăng, bên cạnh đó có: Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu, Lệnh Ý Hoàng quý phi, Triết Mẫn Hoàng quý phi và Thục Gia Hoàng quý phi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đăng Thiên

Được quan tâm

Tin mới nhất