Hai Phượng là bộ phim điện ảnh đang được truyền thông và khán giả đại chúng quan tâm bậc nhất thời gian gần đây, tác phẩm đánh dấu vai diễn cuối cùng của nữ diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trong vai trò đả nữ, đồng thời cũng được xem là phim hành động, giật gân thực sự của điện ảnh Việt Nam kể từ sau Dòng máu anh hùng (2007). Trong đó, bên cạnh nhân vật chính Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), các nhân vật phụ cũng được xây dựng trau chuốt, sống động, thậm chí là cảnh sát Lương.
Cảnh sát Lương và chân dung chân thật trong “Hai Phượng”
Các bộ phim điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là những tác phẩm hành động trước kia thường gặp một số lỗi cố hữu về tạo hình cảnh sát. Trong đó, không ít lần, lực lượng công an, cảnh sát thường xuất hiện khá vô duyên, thậm chí là đột ngột, hời hợt khiến người xem không khỏi lấn cấn. Song, trong Hai Phượng, đúng theo logic thông thường, người mẹ sau khi bị mất con đã nhanh chóng tìm đến và khai báo với cơ quan chức năng.
Trong phân cảnh đầu tiên, cách xử lý công việc của người công an khiến khán giả không khỏi sốt ruột. Điều này làm người xem, và thậm chí là chính chị Hai Phượng trong phim, cũng phải hoài nghi về khả năng tìm được bé Mai của lực lượng công an. Chính vì thế, chị táo bạo xông vào nơi lưu trữ hồ sơ, thông tin tại đồn. Tuy đây là một chi tiết khá vô lý ngoài đời thật, song đây cũng là nút thắt tạo nên bước chuyển cho toàn mạch phim.
Thế nhưng, đây chỉ là bề nổi của sự việc. Đằng sau những thao tác chậm chạp và có phần tỉ mỉ thái quá của người công an xuất hiện lúc đầu, nhân vật Lương đã âm thầm điều tra và theo dõi đường dây buôn bán trẻ em lấy nội tạng từ lâu. Thậm chí, anh cũng đoán biết được tung tích và các động thái của Hai Phượng trên hành trình gian nan của chị. Tuy nhiên, trái với người mẹ đang nôn nóng đến mất lý trí để tìm con, cảnh sát Lương điềm tĩnh hơn, anh thường phải suy nghĩ tính toán trước khi hành động hòng phá hủy triệt để toàn bộ đường dây quy mô lớn.
Cảnh sát Lương và sự kết hợp bất ngờ với bà mẹ mất con
Với tư cách một người làm nghề có tâm, nhiệt huyết với tham vọng mãnh liệt xây dựng điện ảnh Việt Nam, Ngô Thanh Vân đã thực sự tạo nên bước ngoặt nhờ Hai Phượng. Bộ phim không chỉ dừng lại ở phần hành động xuất sắc, mà còn nỗ lực truyền tải thông điệp thấm đẫm tình mẫu tử và mang tính thời sự cao. Phim thẳng thắn xoáy sâu vào những vấn nạn nổi cộm trong xã hội ngày nay: xã hội đen lộng hành, những đường dây buôn bán trẻ nhỏ, lấy nội tạng tinh vi, quy mô lớn và nguy hiểm bậc nhất.
Hai Phượng không “gạt phăng” vai trò của lực lượng cảnh sát để làm nổi bật hình tượng nữ chính, cũng không khép lại lãng xẹt bằng sự xuất hiện bất ngờ của một nhóm cảnh sát như lỗi cố hữu trong một số phim Việt trước đó. Trái lại, bộ phim xây dựng song song quá trình điều tra, theo dõi vụ án bắt cóc quy mô lớn của lực lượng chức năng, tạo nên mối liên hệ đặc biệt giữa Hai Phượng và cảnh sát Lương, từ đó xử lý kết thúc trọn vẹn, hợp lý, làm hài lòng khán giả.
Một trong những trường đoạn hành động khiến khán giả thích thú nhất trong Hai Phượng là khi cảnh sát Lương bất ngờ xuất hiện, lạnh lùng lôi ra chiếc còng số 8 để chiến đấu với đám giang hồ, mở đường, giữ chân chúng cho nữ chính tiếp tục tìm bé Mai trên tàu. Khác với những chiêu đòn nhanh như chớp của người mẹ mảnh khảnh, cảnh sát Lương gây ấn tượng bằng các thao tác đánh đấm khỏe khoắn, chắc nịch, ngay cả khi một tay xử lý vài gã giang hồ cùng lúc.
Với chất hành trình đậm nét, Hai Phượng như một bộ phim độc diễn của Ngô Thanh Vân mà không tạo ra nhiều tuyến nhân vật lớp lang, song các nhân vật vẫn được xây dựng hình tượng trau chuốt, nhiều chiều sâu. Trong đó, cảnh sát Lương cũng là một trong số vai diễn được khán giả yêu thích khi không còn rập khuôn theo hình tượng thường gặp trong phim hành động Việt Nam mà vẫn rất chân thật, hợp lý.