Cánh diều Vàng là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, trao giải cho các tác phẩm phim truyện điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu - khoa học, phim hoạt hình và các công trình lý luận phê bình điện ảnh.
Trong đó, giải thưởng quan trọng nhất và cũng luôn được chú ý nhất là hạng mục phim điện ảnh. Năm nay, với sự sôi động của một loạt phim truyền hình bom tấn, hạng mục phim truyền hình cũng nhận được nhiều quan tâm. Trước thềm lễ trao giải diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 15/4, cùng nhìn nhận cơ hội cho các bộ phim tại 2 hạng mục này.
Phim điện ảnh: “Đảo của dân ngụ cư” nổi bật
Ở hạng mục phim điện ảnh, Cánh diều Vàng năm nay quy tụ 13 bộ phim, có phần quá ít ỏi so với con số gần 40 phim ra rạp. Đó là Đảo của dân ngụ cư, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Cô Ba Sài Gòn, Dạ cổ hoài lang, Ngày mai Mai cưới, Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua, Sắc đẹp ngàn cân, Mẹ chồng, Ở đây có nắng, Yêu đi đừng sợ, Bạn gái tôi là sếp và Giấc mơ Mỹ.
Không khó để nhận ra, Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) là phim nghệ thuật duy nhất trong số này. Tác phẩm thể hiện sự trên tầm về ngôn ngữ điện ảnh so với những phim Việt đa số đơn giản trong nghệ thuật kể chuyện.
Đặt bên cạnh những phim nghiêm túc chất lượng khá như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (đạo diễn Mai Thế Hiệp - Bình Nguyên), Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn), những phim đề tài xã hội xem được như Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Ngày mai Mai cưới (đạo diễn Nguyễn Tấn Phước) hay những tác phẩm giải trí ăn khách như Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) hay Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phần Gia Nhật Linh) thì bộ phim đầu tay của Hồng Ánh xứng đáng được tôn vinh.
Chỉ có một e ngại là sự u ám của phim, cùng cái kết khốc liệt có thể khiến Ban Giám khảo dè chừng khi cho điểm tác phẩm. Đảo của dân ngụ cư là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh Việt ở thập niên này. Việc năm ngoái, nó không đạt nổi Bằng khen tại giải Bông sen Vàng là một điều bất công với tài năng cũng như tâm huyết của ekip làm phim.
Chắc nhiều người chưa quên vụ scandal trả lại giải thưởng của đạo diễn bộ phim Cha cõng con tại Cánh diều Vàng năm ngoái. Trong lễ trao giải, bộ phim xuất sắc này đã thua tức tưởi (trắng tay ở tất cả các giải cá nhân và chỉ đạt Bằng khen dành cho phim) trước những tác phẩm kém hơn trong tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật, thua hơn về trình độ nghề nghiệp ở nhiều khâu và ít sâu sắc bằng về mặt nội dung.
Sự việc càng đáng nói hơn khi trong các bài trả lời phỏng vấn về việc đạo diễn trả lại giải, ông PGS - TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Giám khảo bộc lộ ra mình thiếu hiểu biết về các xu hướng điện ảnh, chưa đủ trình độ để hiểu và cảm nhận bộ phim, khi cứ khăng khăng chê phim làm chậm rề, thiếu kịch tính, cao trào - vốn là những thứ không mới mẻ mà đạo diễn đã chủ động khước từ.
Hy vọng, năm nay, với một Ban Giám khảo nhiều gương mặt làm nghề như đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Trưởng Ban Giám khảo, đạo diễn Nhuệ Giang, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn… sẽ không xảy ra cú sốc nào như thế nữa.
Phim truyền hình: Chờ sự lên ngôi của “Thương nhớ ở ai”
Những năm gần đây, phim truyền hình Việt có bước phát triển khá tích cực với những tác phẩm tạo được sự sôi động trong các luồng dư luận. Những bộ phim rating cao mang đến doanh thu quảng cáo tốt, khiến báo chí và công chúng tích cực dõi theo và xác lập tên tuổi cho nhiều ngôi sao truyền hình là chỉ dấu cho một thị trường phim ảnh khỏe mạnh.
Trên cơ sở đó, những giải thưởng dành cho phim và diễn viên truyền hình cũng nở rộ hơn. Ngoài Mai Vàng, HTV Awards, Liên hoan Truyền hình toàn quốc vốn có thâm niên thì còn thêm VTV Awards, Ngôi sao xanh cũng góp phần tổng kết, điểm danh những dấu ấn của người làm phim 2 miền. Trong đó, tất nhiên phải kể đến Cánh diều Vàng - giải thưởng được coi là giàu tính chuyên môn nhất trong lĩnh vực phim truyền hình - điện ảnh.
Năm nay, Cánh diều Vàng hạng mục phim truyền hình nhận được 11 phim gửi đến tham gia dự thi. Trong đó có những cái tên phim từng gây sốt suốt năm qua như Người phán xử (đạo diễn Nguyễn Mai Hiền - Nguyễn Khải Anh - Nguyễn Danh Dũng), Thương nhớ ở ai (đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh) hay Hồ sơ lửa: Tử thi lên tiếng (đạo diễn Dũng Nghệ).
Phim truyền hình bị nhiều người coi là dòng phim “dành cho những bà nội trợ”, “những cán bộ hưu” hay “tuổi teen”, những thành phần có thời gian rỗi rãi nhiều, để có thể kiên nhẫn theo dõi hàng chục tập phim. Thế nhưng, năm qua, với sự lan tỏa của các tác phẩm trên, rất nhiều người ở các thành phần xã hội khác đã chú ý đến chúng.
Tuy nhiên, khi chấm giải, tạm gạt bỏ sang bên tiêu chí khán giả, để chỉ đánh giá trên chất lượng, hy vọng được đặt nhiều nhất không phải là những bom tấn Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng, mà đặt vào Thương nhớ ở ai - bộ phim dựa trên tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng.
Khi trình chiếu năm qua, bộ phim đã khiến ngay những người thờ ơ với phim truyền hình cũng phải chú ý. Phim tái hiện chân thực và sinh động cuộc sống, con người và không khí xã hội làng quê Bắc Bộ những năm chiến tranh và hậu chiến. Là kịch bản thuần Việt, lại được làm kỹ lưỡng, công phu với những cảnh quay đẹp đến thổn thức cùng âm nhạc nao lòng, phim là ứng viên sáng giá nhất ở giải Phim truyền hình hay nhất Cánh diều Vàng năm nay.
Cánh diều Vàng có 4 tiêu chí: Đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện; Mang đậm bản sắc dân tộc; Giàu giá trị nhân văn và Đạt hiệu quả xã hội thì dường như Thương nhớ ở ai đạt hết. Hãy cùng chờ một kết quả tích cực cho bộ phim này tại lễ trao giải sắp tới.