Việc các series phim gắn liền với kí ức của rất nhiều khán giả dần “Đại Lục hóa” dấy lên nỗi lo ngại cho “chất” Hong Kong đang mất đi trong các bộ phim được gọi là tác phẩm “đinh” trong năm.
Trong năm 2017, TVB “triệu hồi” khá nhiều “nhất ca”, “nhất tỷ” lừng lẫy trong quá khứ về đóng phim cho nhà đài như trường hợp thành công tương đối là Tuyên Huyên với Binh đoàn phái yếu và Mất dấu 2. Nhưng La Gia Lương thì thất bại với Cạm bẫy thương trường còn Âu Dương Chấn Hoa chỉ đạt mức trung bình với Những kẻ ba hoa. Năm 2018, Trương Vệ Kiện với Đại soái ca cũng là cái tên rất được mong chờ.
Mặt khác, Sóng gió gia tộc 3 và Mất dấu 2 thu hút lượng người xem trực tuyến khá cao tại Trung Quốc nhưng rating ở Hong Kong chỉ ở mức trung bình. Không chỉ bởi những cư dân mạng có tài khoản VIP Tencent là gần như đã xem trước khán giả Hong Kong tận 5-6 tập mà còn do “khẩu vị” trước giờ ở hai nơi luôn có khoảng cách nhất định, không dễ san lấp.
Sóng gió gia tộc 3 có quá ít những cảnh quay quây quần bên bàn ăn hay những buổi vui chơi của các thành viên trong hào môn. Thay vào đó lại chuyển trọng tâm câu chuyện sang những màn đấu đá, cạnh tranh trên thương trường. Cảnh nóng của các cặp đôi ngày càng bạo dạn hơn, đặc biệt là mối tình ngoài luồng do Trần Mẫn Chi và Đường Văn Long thể hiện. Giữ lại dàn cast gạo cội của 2 phần trước, song ngoài việc xuýt xoa, trầm trồ bối cảnh, trang phục của Sóng gió gia tộc 3 thì mọi người lại có cảm giác đang xem một bộ phim Đại Lục mời diễn viên Hong Kong tham gia. Thông tin Sóng gió gia tộc sẽ có bản điện ảnh kỉ niệm 10 năm cho series “huyền thoại” cũng không làm cho fan trung thành của series này hứng thú lắm.
Mất dấu 2 (Line Walker: The prelude) lại hơi khác một chút. So với phần 1, Mất dấu 2 mang không khí hình sự kiểu Mỹ hơn. Các nhân vật có cá tính hoặc phong cách khá lạ lẫm với motif dòng phim xã hội đen xứ Cảng Thơm. Đạo diễn của phim là Tô Vạn Thông cho biết đã hoàn toàn cắt bỏ những cảnh thiên về hơi hướm gia đình hay tinh thần đạo nghĩa “mọi người vì mình, mình vì mọi người” quá quen thuộc của TVB. Ngay từ lúc làm phần 2, Tô Vạn Thông cũng không giấu diếm ý định sẽ kéo dài series này như một James Bond phiên bản truyền hình. Việc để nhân vật Lạc Thiếu Phong của Châu Bách Hào không chết trong đoạn cuối phim cũng như khách mời Mã Quốc Minh xuất hiện đầy bí ẩn rõ ràng đã mở ra những diễn biến cho phần 3. Rất có thể nhân vật Trác Khải của Miêu Kiều Vỹ và Đàm Hoan Hỷ của Hứa Thiệu Hùng sẽ tiếp tục sẽ giữ vai trò quan trọng trong trận chiến của hắc - bạch lưỡng đạo như 2 phần trước. Mất dấu cũng đã có phiên bản điện ảnh ăn khách khi công chiếu vào năm 2016, đạt doanh thu phòng vé hơn 600 triệu NDT. Phim quy tụ những gương mặt đình đám của màn ảnh rộng (và cũng chẳng xa lại gì với khán giả TVB) như Cổ Thiên Lạc, Trương Gia Huy, Ngô Trấn Vũ, Xa Thi Mạn, Hứa Thiệu Hùng… đồng thời Văn Vĩ Hồng chính là đạo diễn của movie này. Anh cũng là người cầm trịch cho bản truyền hình (phần 1) cực kì thành công, ra mắt vào năm 2014. Vì vậy khi khán giả Hong Kong xem Mất dấu (Line walker: The movie 2016) không cảm thấy quá lạ lẫm như lúc xem Mất dấu 2.
Tháng 5/2018, Cung tâm kế 2: Thâm cung kế sẽ lên sóng. Không ngạc nhiên nếu bộ phim này cũng đi theo con đường mà Sóng gió gia tộc 3 và Mất dấu 2 đã đi.
Bằng chứng thép 4 vẫn còn là ẩn số, nhưng giám chế Mai Tiểu Thanh vốn cũng là giám chế của Thâm cung kế nên khả năng rất cao Bằng chứng thép 4 lại là cú bắt tay của TVB và Tencent. Riêng Bao la vùng trời 3, 99% sẽ có sự góp mặt của ít nhất một ngôi sao hạng A của màn ảnh Hoa ngữ. Liệu sẽ tầm cỡ như Dương Mịch hay “người quen” của tập đoàn giải trí lớn nhất Hong Kong Anh Hoàng là Trần Vỹ Đình? Bao la vùng trời hoàn toàn có thể phát triển thương hiệu của mình giống như Mất dấu vậy.
Khán giả nội trợ - thành phần người xem đông đảo nhất của các bộ phim TVB đang dần dần “bỏ đi”. Một số khán giả thuộc lớp 7x, 8x 9x cũng chưa hoàn toàn “thấm” nổi phong cách “TVB made in Đại Lục” hoặc không còn ủng hộ nồng nhiệt như trước nữa. Lớp khán giả mới sau này lại phải chia sẻ mối quan tâm của mình cho phim nội địa, phim Hàn, hoặc là phim Thái, chứ không chỉ dành riêng cho phim TVB. Nhưng bù lại, không thể phủ nhận là các diễn viên Hong Kong ngày càng trở nên nổi tiếng, quen mặt hơn ở Trung Quốc cũng chính là nhờ chính sách “toàn cầu hóa TVB” của Tencent.
Những chú chim cánh cụt Tencent đang ở khắp mọi nơi. Liệu mất đi “hương vị” Hong Kong có phải là cái giá phải trả để cứu lấy một thương hiệu truyền hình lớn đã hoạt động hơn nửa thế kỉ thoát khỏi những khủng hoảng thời đại?