Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Bình chọn The Conjuring 2 và Train to Busan - Đi tìm nỗi sợ lớn nhất màn ảnh Việt năm 2016

Cùng điểm mặt lại “hai cơn ác mộng” đã “đại phá” phòng vé thị trường Việt Nam trong mùa hè 2016.

Dòng phim kinh dị đã trở lại với rất nhiều tác phẩm đáng sợ liên tục được ra mắt trên toàn thế giới, đưa khán giả rơi vào nỗi kinh hoàng tại các rạp chiếu lớn. Trong số những cái tên thành công nhất năm nay, đặc biệt không thể không nhắc tới hai “quả bom kinh dị” The Conjuring 2 với con quỷ Valak đáng sợ và Train to Busan với một con tàu khiếp đảm với toàn…xác sống ăn thịt. Hai nỗi sợ khác nhau, tới từ hai nền điện ảnh riêng biệt nhưng lại có những điềm tương đồng tới lạ kỳ.

Sự hoán đổi giữa Hàn Quốc và Hollywood

Sau thành công của những tác phẩm kinh dị - tâm linh như The Exocist, Rosemary’s baby, The Omen…Hollywood bắt đầu chuyển qua khai thác nỗi sợ từ những gì máu me, tàn bạo và hữu hình hơn. Phim kinh dị ma quỷ bắt đầu nhường chỗ cho những kẻ giết người hàng loạt, những trò chơi tử thần gây khiếp đảm ngay từ những giây phút đầu tiên. Saw, Final Destination, Nightmare on Elm Street, Friday the 13th…lần lượt ra đời.

3

Đã từ lâu, Hollywood dần thiếu vắng những phim kinh dị - tâm linh thực sự chất lượng.

Thể loại kinh dị tâm linh tuy vẫn còn tồn tại, nhưng lại như những “trò đùa rẻ tiền” với công thức cũ kỹ, nhàm chán. Paranormal Activity từng gây bất ngờ với phần phim đầu tiên, nhưng loạt 5 phim sau đó thì giống như một món ăn nhạt nhẽo, cứ tìm cách hù dọa bằng những cái bóng mờ ảo được “chộp giựt” bằng việc bắt khán giả dán sát vào màn hình camera như những kẻ trộm đang theo dõi hai nhân vật chính ăn, ngủ tại nhà của họ. Sự “nghèo nàn và lỗi thời” của dòng kinh dị - tâm linh đã được bù đắp khi James Wan cho ra mắt The Conjuring vào năm 2013. Và The Conjuring 2 ra đời hai năm sau đó, như một cú hích hoàn hảo gợi nhớ lại thời hoàng kim của thể loại này.

Con quỷ Valak cùng những trò “hù dọa” bằng cách rung lắc giường, ném đồ đạc, thổi bay người, điều khiển những con ma cấp thấp hơn… và đỉnh điểm là màn dựng ngược thánh giá trong căn phòng khép kín đã đẩy người xem tới tận cùng của sự sợ hãi. Đã lâu rồi, điện ảnh Hollywood mới được gặp lại một con quỷ quyền năng và “mưu mẹo”, biết cách chơi đùa với tâm trí con người tài tình như thế.

traintobusan_trailer2_og

Train to Busan là phiên bản xác sống đầu tiên của Hàn Quốc

Ngược lại thì ở phía bên kia đại dương, một quốc gia châu Á đang vươn lên mạnh mẽ với trình độ làm phim ngày càng được hoàn thiện. Sau những tác phẩm nặng nề tâm lý hay những phim về thảm họa tự nhiên, Hàn Quốc bắt đầu chuyển hướng thử nghiệm một thể loại kinh dị mới: xác sống - chủ đề mà thường chỉ có Hollywood mới dám thực hiện. Không chỉ phải đầu tư vào hóa trang, tạo hình cho dàn diễn phụ đông đảo (có khi lên tới hàng trăm người). Mà để thực hiện cảnh cả đàn xác sống ùa vào tấn công nạn nhân - phương thức gây sợ hãi đặc trưng của dòng phim này - là điều không hề đơn giản. Vừa dùng kỹ xảo vừa quay người thật, nhưng không tạo ra cảm giác “giả tạo” mới là cái khó truyền tải. Vậy nên, trừ Hollywood, rất hiếm nền điện ảnh nào dám đầu tư để làm phim kinh dị về những “con ma biết đi” này.

Mang danh là bộ phim xác sống đầu tiên của Hàn Quốc, Train to Busan lại đối mặt với thử thách khác: liệu phim sẽ chỉ là một bản copy của một trong hàng trăm phim kinh dị zombie của Mỹ hay sẽ tự tạo cho mình một bản sắc riêng? Bằng cách tận dụng thế mạnh khai thác các yếu tố tình cảm đặc trưng của điện ảnh Hàn, Train to Busan đã rất thông minh khi chỉ mượn bối cảnh đại dịch zombie để làm nền cho nỗi sợ được khai thác từ chính…tâm lý con người.

Mượn chuyện kinh dị ma quỷ để kể những bài học về tình cảm gia đình

Không hẹn mà gặp, yếu tố khiến cho The Conjuring 2 lẫn Train to Busan thành công lại có phần tương đồng với nhau. Sự quỷ quyệt của Valak hay bầy xác sống đi mà như chạy chỉ là bề nổi trong câu chuyện thật sự mà James Wan lẫn Yeon Sang Ho muốn trình bày.

Với The Conjuring 2, người xem được chứng kiến câu chuyện tình cảm động giữa vợ chồng hai nhà ngoại cảm Ed và Lorraine Warren. Tình yêu bất chấp hiểm nguy, sự hy sinh và sức mạnh của lòng yêu thương mới là điều để lại ấn tượng cho khán giả.

MK2_2743.dng

Câu chuyện ngôn tình nhuốm màu kinh dị của vợ chồng nhà ngoại cảm Warren.

TRAIN TO BUSAN, (aka BUSANHAENG), GONG Yoo, holding KIM Soo-Ahn, 2016. © Well Go USA Entertainment

Tình phụ tử, tình yêu là gia vị “quan trọng” nhất của Train to Busan

Qua Train to Busan, yếu tố tình cảm ấy còn được nhấn mạnh nhiều hơn thông qua ba tuyến truyện với 6 nhân vật chính. Tình cha con bao la, nghĩa vợ chồng sâu sắc và thậm chí, tình yêu bồng bột nhưng dũng cảm của những con người vẫn còn non trẻ mới là đối tượng được kịch bản dày công khai thác. Bởi vậy mà sau khi những buổi chiếu kết thúc, người ta lại chỉ thấy trên gương mặt khán giả những giọt nước mắt cảm động vì sự mất mát, hy sinh mà các nhân vật dành cho nhau hơn là “nổi da gà” vì những cảnh xác sống kinh tởm đầy máu me.

Hai “cơn bão kinh dị” càn quét phòng vé Việt Nam

Nội dung có chiều sâu đã giúp The Conjuring 2 ghi tới 7,6 điểm trên IMDB và 65 điểm Metascore. Trên bảng xếp hạng phòng vé quốc tế, The Conjuring 2 đã mang về 320 triệu USD, một thành công quá lớn khi biết rằng, kinh phí dành cho phim chỉ vọn vẹn 40 triệu USD.

Trường hợp của Train to Busan, thậm chí còn nhận được đánh giá tốt hơn với 7,8 điểm IMDB cùng 73 điểm Metascore. Khi lần đầu tiên trình chiếu tại LHP Cannes, phim đã gây bất ngờ và thậm chí, còn lấn át luôn sự chú ý dành cho The Wailing - một phim kinh dị khác cũng rất được khen ngợi của điện ảnh Hàn trong năm nay.

2

The Conjuring 2 gây sốt từ lúc công bố poster.

Khi về đến thị trường Việt Nam, The Conjuring 2Train to Busan lại tiếp tục “càn quét” tất cả đối thủ cùng thời điểm để thống trị tất cả các suất chiếu, cũng như thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả trong nước. Cụ thể, The Conjuring 2 đã trở thành phim kinh dị có doanh số mở màn cao nhất sau tuần đầu công chiếu với 23 tỷ đồng. Nếu so với số tiền mà những Insidious 2015 (14 tỷ đồng), Annabelle 2014 (12 tỷ USD) và chính The Conjuring (5 tỷ USD) thu được…ta mới thấy rõ “sức hút” mà The Conjuring 2 tạo ra ở Việt Nam là lớn như thế nào.

train-to-busan-64959

Không ồn ào nhưng Train to Busan lại tạo nên thành công hơn hẳn Tấm Cám: Chuyện chưa kể.

Ra mắt vào những ngày trung tuần tháng 8 - khi mùa phim hè gần kết thúc, nhưng chỉ cần 10 ngày ngắn ngủi, Train to Busan đã nhanh chóng cán qua cột mốc 30 tỷ đồng và hiên ngang “đoạt” luôn danh hiệu là phim Hàn Quốc ăn khách nhất trong lịch sử phòng vé Việt Nam. Trước đây, đã từng có rất nhiều phim Hàn thành công tại Việt Nam như Miss Granny, Miracle in Cell no 7, Twenty, Time Renegades… nhưng không có phim nào thực sự tạo ra được kỳ tích mà Train to Busan đã làm được. Nhất là trong bối cảnh phim không hề được quảng cáo hay PR rầm rộ, đa số khán giả ra rạp đều tới vì hiệu ứng truyền miệng về một câu chuyện kinh dị xác sống nhưng thấm đẫm tình người.

Nếu The Conjuring 2 là một làn gió thổi vào dòng phim kinh dị tâm linh đã “lỗi thời” tại kinh đô điện ảnh Hollywood thì Train to Busan lại là một sự thử nghiệm mới đầy mạo hiểm của một nền điện ảnh đang trên đà phát triển. Điểm chung, ở cả hai bộ phim tưởng không có gì liên quan với nhau này, chính là việc những nhà làm phim đã mạnh dạn kết hợp kinh dị - tình cảm để tạo ra một câu chuyện kể đầy chất lượng.

Thành công của chúng nói lên một điều: với khán giả hiện đại, kinh dị giờ đây không chỉ đơn thuần là làm sao để hù dọa khán giả một cách đáng sợ nhất, mà phải thực sự đọng lại những thông điệp ý nghĩa khiến họ phải trăn trở nghĩ về khi phim đã kết thúc. Đây cũng là ví dụ để các nhà làm phim Việt Nam nên quan tâm và học hỏi, thay vì cứ mãi làm ra những tác phẩm kinh dị nửa mùa chỉ để chọc cười khán giả đơn thuần.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vân Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất