Trào lưu remake phim nước ngoài đã không còn xa lạ với phim truyền hình Việt Nam, nhất là trong những năm trở lại đây. Tiêu biểu hơn cả, phải kể đến Người phán xử (kịch bản gốc Ngài phán xét - Israel), Sống chung với mẹ chồng (tiểu thuyết gốc Phù thủy dưới đáy biển - Trung Quốc), Tình yêu và tham vọng (kịch bản gốc Thế lực cạnh tranh - Trung Quốc) của VFC. Hay, HTV2 với Gạo nếp gạo tẻ (kịch bản gốc - Wang’s Family), Cây táo nở hoa (kịch bản gốc What’s Wrong, Poong Sang - Hàn Quốc), và THVL với Vua bánh mì (kịch bản gốc Bread, Love and Dreams - Hàn Quốc). Tất cả những dự án này đều nhận về không ít phản hồi tích cực vì kịch bản xuất sắc, cùng công tác Việt hóa chỉn chu. Nhưng thực ra, thị trường truyền hình Việt đã có nhiều những dự án khác được Việt hóa vô cùng thành công. Cùng đón xem nhé!
Đỉnh sóng drama - Vòng xoáy tình yêu có nguyên tác đến từ đất Thái
Bất kì ai từng là khán giả ruột của hiện tượng giờ vàng phim Việt hẳn sẽ khó mà quên được cái tên Vòng xoáy tình yêu - bộ phim truyền hình Việt được xem là đỉnh sóng drama thời điểm ra mắt. Bộ phim có nội dung xoay quanh những số phận nghiệt ngã của Na (Thanh Thúy), Liễu (Như Phúc) và Khiêm (Cao Minh Đạt). Na là giúp việc trong nhà của Liễu, cô được gia đình Liễu gá duyên, cấn nợ cho nhà Khiêm bằng một cuộc hôn nhân. Đến khi Na và Khiêm dần có tình cảm với nhau, Liễu và mẹ của mình tham giàu sang nên tiết lộ sự thật và Liễu lại nghiễm nhiên trở thành bà chủ, vợ của Khiêm. Cuối cùng, Khiêm và Na cũng về bên nhau, còn Liễu và mẹ mình phải trả giá cho những tội ác của mình.
Không có gì xa lạ khi kịch bản chứa quá nhiều drama này có nguồn gốc từ Thái Lan - xử sở nổi tiếng với phim truyền hình kịch tính. Bản gốc của Vòng xoáy tình yêu có tên là Mia Jum Pen, ra mắt công chúng vào năm 2001. Bộ phim chứa hàng tấn drama, thậm chí có cả những màn rượt đuổi và “xử nhau” bằng súng. Bộ phim đã trở thành một tượng đài trong làng phim truyền hình Thái và tiếp tục được chính các nhà làm phim Thái làm một bản remake vào năm 2021.
Điểm sáng của bản Việt đó là lời thoại, nội dung được Việt hóa kĩ lưỡng và hợp lí. Bên cạnh đó, diễn xuất của những diễn viên trong phim được đảm bảo ở mức tốt với các gương mặt nổi bật lúc ấy là Cao Minh Đạt, Thanh Thúy, Như Phúc, NSND Kim Xuân,... Điểm đặc biệt của bản Việt đó là bài hát chủ đề được Việt hóa không gượng gạo, nhạc phim nhẹ nhàng được đông đảo khán giả Việt đón nhận.
Người mẹ nhí hài hước đáo để với kịch bản gốc của xứ Bò Tót
Một bộ phim hấp dẫn biết bao bạn trẻ thời điểm ra mắt, cũng thuộc diện remake đó là Người mẹ nhí. Người mẹ nhí là bộ phim hiếm hoi đi theo hướng sitcom - hài tình huống vào giai đoạn đó. Mỗi tập phim là một câu chuyện khác nhau, không liên quan đến tập trước hay tập sau.
Xem Người mẹ nhí, khán giả được chu du qua nhiều câu chuyện li kì, hồi hộp mà không kém phần hài hước của gia đình “bà” Uyển Lan (Angela Phương Trinh), hai cô con gái Chân Trân (Bảo Châu) và Khánh Du (Xuân Thùy) và người hầu Mai Liên (Thanh Thủy). Họ là những yêu tinh được chuyển kiếp thành người, tuy nhiên, bà Uyển Lan vì phải quay về nhà lấy sách phép thuật trước khi đi đầu thai, nên hóa kiếp muộn hơn, thành một cô bé, trong khi các con và người hầu đã đâu vào đó. Họ phải tìm mọi cách hòa nhập với cuộc sống con người, đồng thời che giấu bí mật về thân phận thật của mình.
Kịch bản gốc của Người mẹ nhí được ra đời tại Tây Ban Nha với tên gọi Mi Pequeña Mamá (Dịch: Người mẹ nhỏ của tôi). Vẫn đầy đủ bộ sậu 4 người, nội dung tương tự, bộ phim chỉ khác là bối cảnh diễn ra tại Tây Ban Nha mà thôi. Điểm khen cho Mi Pequeña Mamá chính là đã tạo ra một cốt truyện vừa đủ những chất liệu để các nhân vật tha hồ phát triển, xây dựng nên tính cách, thói quen của riêng mình. Không có bất kì một nhân vật nào có cá tính na ná nhau trong bộ phim, để rồi khi bộ phim được phát sóng, ai cũng nhớ họ một cách rõ rệt.
Trở lại với bản Việt, bộ phim Người mẹ nhí là một trong những dự án thành công, mang các diễn viên đến gần công chúng hơn, mà đặc biệt phải kể đến Angela Phương Trinh, lúc này chỉ là một cô bé. Không ngại ngần về diễn xuất khi đứng chung các cảnh quay cùng các diễn viên có tên tuổi và lực diễn tốt của làng kịch nói như Thanh Thủy, Bảo Châu, Xuân Thùy, người mẹ nhí Angela Phương Trinh đã thể hiện cho khán giả thấy và rồi yêu hình ảnh một bà mẹ có tâm sinh lí hỗn hợp - nửa trẻ con, nửa người lớn.
Về phần các diễn viên còn lại, khả năng hóa thân của họ trong một dự án sitcom - thể loại được xem là khá mới lạ tại thời điểm đó - hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ với sitcom, tức hài tình huống, người diễn viên cần tinh ý khi diễn để tiếng cười của khán giả được bật ra do tính hài hước của tình huống, chứ không phải chỉ riêng từ diễn xuất của diễn viên. Người mẹ nhí bản Việt đã có được đời sống riêng, dẫu được Việt hóa từ một kịch bản nước ngoài.
Phim gia đình chiếu Tết Dù gió có thổi mang kịch bản Hàn đến khán giả Việt
Dù gió có thổi tiếp tục là một dự án remake rất thành công của truyền hình Việt, khi sở hữu kịch bản vô cùng chặt chẽ, có nội dung gần gũi, đến từ Hàn Quốc. Bộ phim tạo ra cho khán giả không gian gia đình đầm ấm khi giúp người xem hòa mình vào những buồn vui nhà ông Cần. Ông Cần là con trai trưởng trong một gia đình gốc Bắc, sinh sống tại TP.HCM nên nếp suy nghĩ của các thế hệ trong gia đình luôn có những mâu thuẫn ngầm.
Bà Mỹ - mẹ ruột của ông - luôn cưng chiều cậu con trai út của bà tên Mẫn, khiến không ít việc nhà rối tung rồi mù, làm cho vợ ông Cần - bà Nga phải tìm cách dung hòa. Bốn người con của ông Cần - bà Nga, cũng có những vấn đề của riêng mình, như anh hai Hoài Khắc luôn lo công việc tại công ti, anh ba Hoài Tậu lại lo kinh doanh phụ gia đình vợ và cuộc sống ra riêng của mình, anh tư Hoài Biệt luôn muốn rong chơi, sống thỏa thuê với tuổi trẻ đầy tự do của mình và cô em út Hoài Thư - người luôn phải cân bằng giữa cuộc sống của một bác sĩ bận rộn và đời sống riêng bên gia đình. Tất cả tạo nên một bức tranh gia đình nhiều gia vị và thu hút người xem. Hẳn còn rất nhiều người nhớ đến những cái tên mang đầy ý nghĩa trong gia đình ông Cần, được đặt để một cách tinh tế là Cần - Mẫn - Khắc - Tậu - Biệt - Thự (Thư).
Bản gốc của bộ phim là Even if the Wind Blows được ra mắt khán giả Hàn Quốc vào năm 1995 và kết thúc vào năm 1996. Bộ phim có cách khai thác tương đối khác biệt so với bản Việt khi kể nhiều hơn về cuộc sống, chuyện tình của Hwang Sanhae và Jeong Gyeong Ju (là vai diễn cậu anh tư Biệt - người yêu Hương Giang của bản Việt). Bộ phim còn thành công trong việc khắc họa rõ nét hình ảnh một Hàn Quốc sôi động của những năm 1990s.
Vì có cách biệt về khoảng cách thời gian quá xa so với bản gốc, nên Dù gió có thổi đã mạnh dạn mượn rượu “cổ”, rót một cách tinh tế vào chiếc bình mới, được nhào nặn cho phù hợp với “thực khách” Việt Nam. Từ những bữa ăn, bài trí trong nhà, cách xưng hô, các tình huống, tên gọi đều được Việt hóa hoàn toàn, thậm chí bộ phim còn cho khán giả thấy một góc nhìn khác, trên nền kịch bản vốn đã quá thành công. Cụ thể, bộ phim nhấn mạnh nhiều hơn yếu tố gia đình - điều mà bất cứ khán giả Việt nào cũng ưa thích. Không phải tự nhiên, bộ phim này lại trở thành bộ phim truyền hình được chiếu Tết trong suốt một thời gian dài, đó là bởi tính gia đình rất phù hợp với dịp lễ tết đoàn viên của người Việt.