Phim Ảnh

'Baby Driver': Tay lái lụa bên trong một nhạc trưởng cực đỉnh

Anh Phan
Chia sẻ

Cuối cùng, bom tấn nhạc-kịch-theo-phong-cách-hành-động "Baby Driver" đã ra mắt, trong tiếng reo hò và ngợi ca của cả giới phê bình điện ảnh và những người hâm mộ.

Là bộ phim điện ảnh thứ sáu trong sự nghiệp của Edgar Wright, và là bộ phim thứ hai do một tay anh tự viết kịch bản và đạo diễn, Baby Driver kể lại chuyện đời éo le của Baby - một thanh niên mồ côi cả cha lẫn mẹ làm nghề tài xế riêng - không phải cho một chính khách hay nhân vật nổi tiếng nào, mà là một băng cướp được chỉ đạo từ xa bởi người đàn ông bí ẩn có tên Doc. Và dường như lái xe đưa đón một đám đầu trộm đuôi cướp vẫn chưa đủ khiến Baby đủ khốn khổ, cậu thanh niên còn mắc chứng ù tai - di chứng của vụ tai nạn đã cướp đi tính mạng của cha mẹ cậu. Baby luôn phải nghe nhạc để đánh lừa bộ não khỏi những âm thanh đáng ghét ấy.

Poster “hường phấn” của phim

Bộ phim mở đầu bằng một vụ cướp ngân hàng, và sau đó, là một cuộc rượt đuổi điên khùng trên đường cao tốc - với đỉnh điểm là cú bẻ góc hình zic zac thần sầu - không thua kém gì màn lật xe container trứ danh mà Christopher Nolan đã tạo ra trong The Dark Knight (2008). Mở đầu đầy kịch tính này giống như một cái lắc vai thật mạnh đánh thức mọi giác quan của người xem, chuẩn bị cho họ một tâm thế thật vững vàng (và đôi khi, là đánh thức họ khỏi cơn gà gật) để bước vào 113 phút phim tràn đầy âm thanh và màu sắc.

Và trong tổng thể đầy âm thanh và màu sắc ấy, khán giả sẽ được chứng kiến một sự “lai tạo” tài tình giữa ba thể loại phim tưởng chừng không có tiếng nói chung: chick flick (phim tình cảm tuổi teen), hành động và… ca nhạc. Baby Driver đã từng được ví von là một “bộ phim hành động theo phong cách phim ca nhạc”.

Baby chính là “tài xế riêng” cho nhóm người này!

Phim hành động trộn với phim ca nhạc - công thức này có lẽ sẽ khiến một vài khán giả hoang mang nghĩ đến những “bom tấn hành động” của Bollywood. Nhưng không, chúng ta đang nói đến bậc thầy của việc pha trộn các thể loại - Edgar Wright, với “Bộ ba Cornetto” trứ danh. Trong “Bộ ba Cornetto”, vị đạo diễn đã trộn thể loại tình cảm lãng mạn với những thây ma xác sống để tạo ra Shaun of the Dead (2003) hay mang thể loại phim hài trộn với cult horror (dòng phim kinh dị phi đại chúng) để tạo ra Hot Fuzz (2007), rồi gần đây nhất là tâm lí xã hội trộn với sci-fi tạo ra The World’s End (2013). Baby Driver, giống như những người anh em của nó, là một thành công tiếp theo, khi sự xuất hiện dày đặc của âm nhạc, ca từ và nhịp điệu không khiến mọi thứ trở nên sến súa hay rời rạc. Ngược lại, giống như “nước đẩy thuyền trôi”, âm nhạc từ chiếc iPod của Baby chính là thứ kết nối, đẩy mạch phim trôi đi một cách nhịp nhàng (thực ra, là “rộn ràng”).

Cậu trai Baby, hay chính Ansel Elgort không thực sự diễn xuất bằng khuôn mặt, hay lời nói trong phần lớn thời lượng của bộ phim. Nhưng mọi cảm xúc và suy nghĩ của cậu đều được quy ước bằng âm nhạc - những ngày vui và những ngày buồn, những khi căng thẳng và những lúc cần thư giãn, hay một chút loạn nhịp khi bên tai vang lên tiếng ngân nga của cô gái Debora.

Debora, Baby và mối tình “gà bông” khiến bộ phim đột ngột trở nên sâu sắc bất ngờ

Nhưng không phải mọi thứ trong thế giới của Baby đều có thế quy đổi bằng âm nhạc. Đây đó, tồn tại những khoảng đứt gãy của cảm xúc, khi Baby rời khỏi chiếc tai nghe của mình, rời xa vùng thoải mái của bản thân, và buộc phải đối mặt với hiện thực bê bối mà cậu không thể nhấc chân ra được. Cuộc đời chàng trai Baby giống như một bản danh sách dài những món nợ cùng một ngày đáo hạn: món nợ với Doc, món nợ tình cảm với người cha nuôi, và món nợ với lương tâm khi hết lần này đến lần khác Baby đã tiếp tay cho cái ác lộng hành.

Và chúng ta là những người được may mắn chứng kiến trên màn ảnh, một cách tuần tự, theo cấp độ tăng dần, những dấu hiệu của cuộc chiến của Baby nhằm giành lấy quyền kiểm soát cuộc đời đáng lẽ phải thuộc về cậu. Bắt đầu từ một ánh mắt ương bướng, một cái nhíu mày… cho tới những kế hoạch cụ thể nhắm vào từng kẻ trong băng cướp mà Baby bị buộc phải phục tùng. Đây cũng chính là điểm thú vị của nhân vật Baby. Ta nghĩ mình không hiểu cậu ta đang nghĩ gì, nhưng thực sự là, những giằng xé trong tâm lý của Baby - giữa nghĩa vụ phải trả cho xong khoản nợ của mình với mong muốn được hành xử như một người lương thiện giữa những con người lương thiện, cậu đều không thể nào che giấu được trong điệu bộ và cư xử của mình. Vấn đề nằm ở những kẻ mà cơn giận dữ ấy hướng vào - chúng không thể nhận ra, Baby là một mối đe doạ.

Baby bị giằng xé giữa nghĩa vụ phải trả cho xong khoản nợ của mình với mong muốn được sống như một con người lương thiện

Nhưng điều tuyệt vời nhất trong cả bộ phim chính là, ngay trong những tình huống ngặt nghèo nhất, khi cơn giận dữ và nỗi sợ hãi thiêu đốt thâm tâm như ngọn lửa, Baby vẫn đủ bình tĩnh để bảo vệ những người vô tội khỏi cơn càn quét của tội ác mà cậu giờ đây đã là một phần của nó - bế đứa bé trả lại cho người mẹ khi Bats cướp xe của cô ta, ra hiệu cho người nhân viên bưu điện chạy trốn, hay trả lại chiếc túi cho người chủ chiếc xe bị cướp cùng một lời xin lỗi… Những điều vụn vặt bị coi là dư thừa, và vô nghĩa với những kẻ đồng phạm - như những đoạn âm thanh của Baby bị băng cướp coi như rác rưởi, lại chứng minh một điều bất biến - chàng trai ấy có một tâm hồn, trong sáng và lương thiện như bất cứ một công dân vô tội nào.

Với Baby Driver, Edgar Wright đã lồng ghép được một cách vừa vặn phong cách làm phim của mình với bối cảnh và văn hoá Mỹ. Trong Baby Driver chất liệu văn hoá đại chúng được sử dụng một cách triệt để và hiệu quả, để gây cười, và để tạo ra một thứ phong cách “cool ngầu” rất riêng kiểu Edgar Wright: chiếc “mặt nạ trong phim Halloween” bị nhầm thành “mặt nạ Halloween”, khiến cả băng cướp phải đeo mặt nạ hoá trang Halloween ngớ ngẩn hình đầu của Austin Powers; hay việc Baby “nhảy” một câu thoại từ bộ phim Monster Inc. đã bị Doc bắt bài: Câu đó thậm chí còn chẳng phải do cậu nghĩ ra. Đến cháu tôi cũng biết nó từ Monster Inc., hèn chi tôi thấy nó quen đến vậy!

Chiếc mặt nạ Austin Powers ngớ ngẩn làm khán giả cười bò

Có thể khán giả sẽ thấy khó có thể ngay lập tức thấy được tính hài hước trong Baby Driver như cách họ tận hưởng những màn tấu hài trong các phim trước của Edgar Wright bởi sự thiếu hụt những pha tấu hài bằng hành động, nhưng sự hài hước vẫn ở đó, ẩn mình trong những câu thoại mà bạn phải cần một chút liên tưởng nhanh nhạy mới có thể nắm bắt hết. Bên cạnh những màn rượt đuổi bằng hình ảnh, Baby Driver cũng chính là một cuộc rượt đuổi về ngôn từ, khi bản thân mỗi câu thoại nhân vật nói ra lại kéo theo sau nó cả một câu chuyện bên lề dài thật dài!

Lối ăn nói giàu ẩn ý của người Anh đã gặp sự phóng khoáng thích là làm có phần điên khùng của chủ nghĩa anh hùng kiểu Mỹ, và tạo ra bộ phim vừa có thể “trớt quớt” không tưởng, lại vừa có thể sâu sắc không ngờ. Một chút phi đại chúng, một chút ngọt ngào của mối tình gà bông, và rất nhiều âm nhạc, rất rất rất nhiều những pha rượt đuổi gay cấn tới mức điên khùng, Baby Driver chính là sự hợp lí tới không ngờ được tạo nên từ sự kết hợp những thứ tưởng như đang ở tận cùng của sự đối lập.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Phan

Tin mới nhất