Điểm cộng 1: Diễn xuất của “song Vỹ” (Mã Tuấn Vỹ - Trần Vỹ) tuyệt vời
Mã Tuấn Vỹ sau năm năm không xuất hiện trên màn ảnh TVB, nay đã trở lại tái ngộ khán giả quê nhà bằng vai diễn Lý Long Cơ ấn tượng trong Thâm cung kế. Dù rằng đất diễn không nhiều bằng các bạn diễn nữ nhưng rõ ràng, phong độ diễn xuất của anh trong những vai diễn cổ trang vốn là sở trường vẫn chưa hề mai một đi chút nào.
Ngoài ra, ngoại hình trẻ trung, thư sinh bất chấp thời gian của anh chàng diễn viên sinh năm 1971 này cũng là một ưu thế nhất định. Rất nhiều khán giả Đại Lục đều chỉ cho rằng Mã Tuấn Vỹ cùng lắm là tầm 35 tuổi mà thôi! Bất kể khi quay những phân cảnh tình cảm hay những cảnh đấu trí đấu sức trên triều, Mã Tuấn Vỹ thực sự hoàn toàn trở thành một đấng quân vương nho nhã, sâu lắng, nhưng không kém phần khôn ngoan, thông minh, tài trí hơn người. Ngoài ra, đoạn cuối phim hé lộ góc khuất đen tối, tàn nhẫn của Lý Long Cơ lúc giết Ân Nhu qua ánh mắt sắc lạnh của Mã Tuấn Vỹ quả thực khiến người xem “rùng mình”. Vua chúa thời phong kiến mà “tam hảo” thì là quá thiếu thực tế rồi! Đây cũng chính là cái tiến bộ của Thâm cung kế so với Cung tâm kế.
Ngoài ra, một cái tên cũng góp phần chiếm hết spotlight của Thâm cung kế chính là… Trần Vỹ khi cô hóa thân thành nhân vật phản diện Thái Bình công chúa. Khả năng diễn xuất của Trần Vỹ từ lâu ai cũng đã công nhận, nhưng quả thực là đã lâu rồi, khán giả TVB mới có dịp theo dõi một vai ác thuyết phục đến vậy. Bất kể ánh mắt, cử chỉ, dáng điệu của Trần Vỹ đều xứng đáng được ngợi khen là “ác từ trong xương tủy, cao ngạo từ trong máu thịt”. Mỗi lần Thái Bình công chúa xuất hiện, dường như bộ phim lại trở nên “tóe lửa”, kịch tính hơn hẳn. Nếu lễ trao giải cuối năm của TVB trong hạng mục diễn viên phụ xuất sắc mà không xướng tên Trần Vỹ thì quả là vô cùng thiếu sót.
Điểm cộng 2: “TVB vẫn là TVB. Mai Tiểu Thanh vẫn luôn là Mai Tiểu Thanh”
Dù Thâm cung kế là sản phẩm đánh dấu sự hợp tác giữa TVB và hãng phim Đại Lục Tencent nhưng “cái hồn TVB” của phim vẫn còn khá rõ nét. So với các bộ phim hợp tác với Trung Quốc khác trong thời gian gần đây thì Thâm cung kế là sản phẩm ổn nhất về mặt chất lượng lẫn độ ăn khách; không bị xem là “nửa nạc, nửa mỡ”, khi phim dung hòa được hai trường phái, màu sắc khác nhau.
Với phong cách phá án sở trường, cùng những mảng miếng quen thuộc trong các phim cổ trang nổi tiếng do Giám chế Mai Tiểu Thanh sản xuất lúc trước, khán giả xứ Cảng Thơm đương nhiên mở lòng với Thâm cung kế hơn hẳn Sóng gió gia tộc 3 hay Mất dấu 2, hai bộ phim đã đánh mất hoàn toàn bản sắc của của các phần kinh điển trước đó.
Điểm cộng ba: Dàn nhân vật đông đảo nhưng vẫn khá “có da, có thịt”
So với Cung tâm kế (2009), Thâm cung kế gia tăng đáng kể số lượng các nhân vật quan trọng trong đường dây câu chuyện mà không bị rối rắm hay dư thừa. Mỗi nhân vật dù chính hay phụ đều có cá tính riêng biệt, thu hút. Dù rằng khán giả chỉ trích vai diễn Nguyên Nguyệt - công chúa Linh Lung của Lưu Tâm Du là “không cần thiết”, nhưng rõ ràng, nếu cắt bỏ tuyến vai này đi thì hoàng cung Đại Đường sẽ sặc mùi máu tanh mà mất đi cái chất lương thiện.
Cả vai Trịnh Chiêu nghi của Châu Tú Na càng về cuối phim cũng dần thu hút được nhiều sự chú ý của khán giả. Thậm chí khá nhiều fan mong mỏi Mai Tiểu Thanh thêm vào tình tiết Trịnh Chiêu nghi chính là tỷ tỷ thất lạc của Nguyên Nguyệt thì có lẽ bộ phim sẽ càng cảm động hơn nữa (dù điều này không xảy ra). Cam Nhược Thiên cũng là một trong những vai phụ gây bất ngờ nhất Thâm cung kế bởi lối diễn xuất dễ thương, chân thật của Huỳnh Tâm Dĩnh.
Điểm trừ một: Kịch bản tạo ra một hoàng hậu tuy ác nhưng “nhạt”
Lạ thay, Hoàng hậu Vương Trân của Hồ Định Hân, một người “giả nhân, giả nghĩa”, tàn độc, hiểm ác, tuy khiến khán giả “ném đá kịch liệt” nhưng lại chẳng thu hút mấy sự thương xót, đồng cảm như trường hợp tương tự của Thái Bình công chúa, hay xa hơn là Diêu Kim Linh của Dương Di trong Cung tâm kế. Diễn xuất của Thị Hậu Hồ Định Hân tuy khá hoàn hảo nhưng tiếc là kịch bản xây dựng cái ác của nhân vật này quá thiếu điểm nhấn, không có thăng trầm rõ rệt. Việc tạo thêm tình huống hoàng hậu gián tiếp bức hại em kế để kết hôn với Lý Long Cơ trong quá khứ tuy có làm khán giả bất ngờ song không cứu vãn nổi phần sau của câu chuyện.
Điểm trừ hai: Diễn xuất lệch tông của Lưu Tâm Du
Lưu Tâm Du trong lần đầu đóng chính trên màn ảnh nhỏ TVB không những bị chỉ trích là diễn thiếu tự nhiên hơn cả Châu Tú Na hay Huỳnh Tâm Dĩnh, mà ngoại hình thì gây cảm giác như cố “cưa sừng làm nghé” ít nhiều gây phản cảm. Dù vẫn được đánh giá là “khóc có cảm xúc” song khán giả dễ dàng nhận ra độ ăn ý, tương tác giữa Lưu Tâm Du và các bạn diễn trong phim còn rất thấp. Rõ ràng sự khác biệt của một diễn viên Đại Lục và một diễn viên TVB là không thể khỏa lấp. Tình yêu giữa Nguyên Nguyệt và Hà Li là điểm sáng duy nhất gỡ gạc lại cho màn thể hiện lệch pha của Lưu Tâm Du.
Điểm trừ ba: Thâm cung kế “sao chép” khá nhiều từ Cung tâm kế
Dù biết cả Cung tâm kế và Thâm cung kế là cùng một “mẹ”: Giám chế Mai Tiểu Thanh, nhưng nhiều khán giả cho rằng bà quá thiếu sáng tạo khi Thâm cung kế “xào đi nấu lại” không ít tình tiết của Cung tâm kế. Tiêu biểu như cảnh Hoàng Hậu dùng đá đập đầu Cam Nhược Thiên hay cung nữ cận thân Tần Hòe phản bội Thái Bình công chúa giờ chót đều đã xuất hiện trong Cung tâm kế. Thậm chí để, nếu để ý kĩ thì sẽ nhận ra, vai diễn Trịnh Chiêu nghi là phép lai của Lưu Tam Hảo và Vạn Bảo Hiền (Lý Thi Vận). Còn Cao Hiển Dương (Trịnh Gia Dĩnh) thì dường như được Mai Tiểu Thanh cho “phân thân” thành tuyến vai Hà Li và Nhậm Tam Thứ (Mã Quốc Minh).