Không chỉ tại Việt Nam, mà ở bất cứ nơi đâu, ấu dâm luôn là cấm kỵ. Người ta sợ hãi nhắc đến nó, lảng tránh mọi cách để khỏi chạm đến nó, bởi sự xâm hại tới trẻ em, những mầm non bé bỏng của tương lai quả thực là một điều kinh khủng và không thể tưởng tượng nổi. Nhưng lảng tránh lâu ngày đôi khi lại trở thành thờ ơ và bỗng trượt khỏi vòng quan tâm của xã hội. Và đó là lý do bộ phim điện ảnh Hàn Quốc - Hope (Hy Vọng) ra đời.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng ngày mưa, cô bé tên Hy Vọng cầm chiếc ô vàng rảo bước đến trường. Nhịp sống tự lập của em sẽ cứ thế tiếp diễn nếu không có một gã đàn ông chặn đường giữa con phố vắng người, đem đến cho em những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt.
Từ chối miêu tả trực tiếp cảnh thủ ác, đạo diễn đã tránh được việc làm tổn thương đến gia đình nạn nhân, nhưng Hope lại rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ hình ảnh và những lời thoại đắt giá để khắc sâu sự ám ảnh vào trái tim khán giả. Mưa vẫn rơi rả rích, đối lập với sự bận rộn mưu sinh của cha mẹ, trong một góc nhà hoang, chiếc ô vàng vốn tượng trưng cho niềm hy vọng nằm tĩnh lặng và rách nát. Theo chân máy quay, tim ta như thắt lại trước những cuốn sách tả tơi, con thú nhồi bông rơi xuống nền đất bẩn, có lẽ Hy Vọng đã dùng hết sức để chống cự, nhưng đáp lại em không phải là sự mủi lòng, mà là niềm hả hê, tàn nhẫn của con thú đội lốt người.
Trong khi người xem còn đang lạc lối trong sự bi thương, nhịp phim đột nhiên được đẩy nhanh tới quá trình níu giữ sinh mạng của Hy Vọng. Thủ phạm kia đã xuống tay dã man đến mức nào mà khiến cho một đứa trẻ xinh đẹp trở nên bầm dập, đớn đau đến mức phải cắt cả trực tràng, ruột non và mất một phần thị giác? Vụt qua hành lang bệnh viện, tiếng bản tin thời sự cho biết, kẻ thủ ác lại chỉ sống cách nhà nạn nhân 1km và đã từng bị bắt vì tội danh tương tự. Chắc hẳn hắn đã theo dõi Hy Vọng không chỉ một hai ngày, và lựa chọn cô bé làm mục tiêu vì lúc nào cũng một mình cô độc.
Phẫn nộ trào lên nhanh chóng nhường chỗ cho sự hối hận, tiếc nuối vô hạn. “Bố ơi, bố không đi làm à? Con biết bố mẹ bận rộn, mà phải bắt người xấu nên đã gọi cho cảnh sát.” Lời nói ngây thơ của cô bé như từng nhát dao đâm vào lòng cha mẹ. Giá như bố không quá mải mê công việc, mẹ đừng chỉ chăm chăm vào biên lai, hóa đơn mà dành chút thời gian đưa em đi học, cuộc đời em đã rất khác. Giá như mọi người ý thức hơn được sự tồn tại của tên biến thái đã quay lại với cộng đồng, việc đau lòng này đã chẳng xảy ra. Phải hiểu chuyện và tuyệt vọng biết bao mới khiến một cô bé 8 tuổi lại lựa chọn gọi điện cho cảnh sát thay vì người thân như vậy. Có lẽ, bàn tay đầy máu, run rẩy của Hy Vọng với tới chiếc di động sẽ còn ám ảnh người xem trong một thời gian rất dài.
Vượt qua đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, điều đầu tiên em nhắc đến sau khi tỉnh dậy là phải bắt được kẻ xấu. Trải qua tổn thương, cô gái nhỏ dũng càng không muốn hắn sẽ làm hại tới bạn bè ở trường. Cay đắng thay, dư luận không hiền hòa và bao dung như chúng ta tưởng. Điều lo lắng của người mẹ đã trở thành sự thực.
Sau khi Hy Vọng hợp tác với cảnh sát truy bắt tên cầm thú, thay vì nâng niu, bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân, dư luận Hàn Quốc lại như đám kền kền mò đến tận bệnh viện để chụp hình, phỏng vấn. Trong cơn hoảng loạn, người cha chỉ có thể bế em chạy ngay khỏi móng vuốt của những nhà báo vô lương tâm. Chấn thương thể xác chưa kịp lành, em lại phải đối mặt với nỗi sợ: “Bố ơi, con đã làm sai điều gì?” Điều nực cười là người ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của kẻ ấu dâm, mà lại chĩa mũi dùi vào một cô bé đáng thương 8 tuổi.
Giây phút Hy Vọng kinh hoàng chống cự khi bố mình giúp lau dọn dịch bài tiết vì tưởng đó là tên biến thái, ta hiểu được một điều, thời gian trôi qua, vết thương ngoài da còn có thể liền lại, nhưng em sẽ mãi mãi là một người tật nguyền không có đủ chức năng sống cơ bản. Và điều kinh khủng nhất, tổn thương tâm lý và những ký ức kinh hoàng kia sẽ dày vò em đến cuối đời. Cô bé ấy còn không thể sống những ngày tháng bình thường chứ đừng mong đến chuyện có được hạnh phúc. Còn kẻ thủ ác, nếu lại đi tù một vài năm, thậm chí chục năm, khi quay trở lại hắn sẽ bóp chết bao nhiêu Hy Vọng nữa?
Hope mở ra góc nhìn rất khác biệt về nạn ấu dâm đang vô cùng nhức nhối hiện nay. Nó là một bộ phim quá ám ảnh đến mức nhiều người không dám xem, nhưng cũng là một tác phẩm bắt buộc phải xem. Bởi có đối mặt với sự thực này, chúng ta mới ý thức được vai trò của bản thân và xã hội trong việc ngăn chặn ấu dâm đang hoành hành ở một góc tối cộng đồng. Hãy thử nghĩ nếu con cái hoặc người thân của mình rơi trường hợp này để cảm nhận, và hãy hành động ngay, đừng để bất cứ một Hy Vọng nào trở thành Tuyệt Vọng nữa.