Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Aquaman': Lần đầu làm phim siêu anh hùng, bậc thầy phim kinh dị James Wan khiến mọi người kinh ngạc

Ai mà ngờ rằng một đạo diễn chuyên thể loại kinh dị như James Wan lại có thể đem tới cho khán giả một bộ phim siêu anh hùng vừa ngầu vừa chất như "Aquaman".

Không chỉ thỏa mãn về mặt nghe và nhìn, Aquaman còn đem đến cho khán giả một cuộc hành trình phiêu lưu viễn tưởng dưới đáy đại dương vô cùng hồi hộp và gay cấn. Không ít người cho rằng Aquaman xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nhất của James Wan từ trước đến nay.

Mạch truyện của Aquaman không thuộc dạng quá đột phá, thậm chí còn có nhiều tình tiết dễ đoán. Bộ phim đi theo mô típ cổ điển kiểu drama gia đình hoàng tộc, tập trung xoay quanh những đề tài kéo theo đó như vua, hậu, tình huynh đệ, anh em cùng mẹ khác cha, sự phản bội, sự chia ly của gia đình,… Nhiều khán giả xem phim đều có chung quan điểm: Aquaman tuy là một phim siêu anh hùng đặc sắc nhưng về độ sến thì cũng khó có đối thủ. Thậm chí, cảnh hôn nhau trước khi ra trận của hai nhân vật chính cũng được tua chậm cho hợp với bầu không khí tương đối “cải lương” của bộ phim.

Aquaman được mở đầu bằng lời dẫn truyện của Arthur Curry/Aquaman (Jason Momoa) trích dẫn sơ lược về lý lịch gia đình: cha là một người gác hải đăng, mẹ là một nữ hoàng. Sau đó, bộ phim chuyển cảnh khắc họa dòng hồi tưởng của Arthur: nữ hoàng Atlantis Atlanna (Nicole Kidman) xinh đẹp tuyệt trần do gặp nạn mà dạt vào bờ, thế là tình cờ gặp được người gác hải đăng Tom Curry (Temuera Morrison). Cả hai nảy sinh tình cảm và có chung một đứa con, đó chính là Arthur Curry. Khi quân đội của Atlantis tấn công, Atlanna đành chấp nhận rời bỏ gia đình trên đất liền và trở về với đại dương, đồng thời đây cũng là cách để bảo vệ hai cha con Arthur.

Mạch phim không kể tiếp những chuyện xảy ra với nữ hoàng Atlanna mà “nhảy vọt” đến nhiều năm sau. Cậu bé Arthur nhỏ tuổi năm nào nay đã trở thành một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh, tóc dài, râu dài (đương nhiên mốc thời gian này xảy ra trước Justice League). Cũng trong thời điểm đó, đội quân do vua Orm (Patrick Wilson) lãnh đạo đã gây nên một trận sóng thần ghê gớm, quét sạch phần lớn thành phố mà Arthur sinh sống, khiến cha anh suýt chút nữa mất mạng.

Một trong những điểm nổi bật nhất của Aquaman chính là phần đồ họa vô cùng lung linh, ảo diệu. Đặc biệt, cảnh mà hàng ngàn chiến binh đại dương cưỡi cá ngựa (cùng những sinh vật khác chỉ có trong thần thoại) ra trận được đưa lên màn ảnh rộng qua những góc quay hết sức tráng lệ và chắc chắn sẽ khiến khán giả có được trải nghiệm chân thật nhất khi xem bằng IMAX.

Trước đó, phân cảnh mà nữ hoàng Atlanna dẫn đầu đoàn quân Atlantis trong khí thế hào hùng khiến người xem phải sởn gai ốc bởi mức độ ấn tượng không khác gì các game thực tế ảo. Thỉnh thoảng, máy quay có phần hơi giật nhưng nhìn chung Aquaman vẫn có nhiều cảnh quay liên tục và bao quát, giúp bộ phim giữ được nhịp điệu vừa phải, mạch lạc. Công lao này phần lớn là nhờ vào Don Burgess- nhà làm phim đã có thâm niên cầm máy được gần 40 năm. Ông đã khéo léo bắt được những khung hình mà chúng ta tưởng chừng chỉ có thể thấy được trên trang truyện. Kỹ thuật quay phim của Don Burgess trong Aquaman phải được mô tả bằng hai từ “tuyệt hảo” và chính vì vậy, ông xứng đáng có được một đề cử của Viện Hàn Lâm.

Như đã nói ở trên, Aquaman không chỉ dừng lại ở vị trí một tác phẩm đảm bảo tiêu chuẩn thẩm mỹ mà còn thực sự chất lượng về mặt nội dung. Bộ phim không ngay lập tức dắt khán giả đi dạo thành phố Atlantis mà chỉ “nhá hàng” nhẹ, sau đó mới từ từ mở ra một thế giới đại dương lung linh huyền ảo trước mắt khán giả. Kết cấu của Aquaman có khá nhiều điểm tương đồng với một vài “bom tấn” khác như Harry Potter and the Sorcerer’s Stone hay loạt phim Indiana Jones, vì hai nhân vật chính Arthur và Mera (Amber Heard) đều cùng dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm với đầy rẫy manh mối bí ẩn, thông điệp, huyền cơ cần được giải mã, những cổ vật quý hiếm và đặc biệt là những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Không thể không kể đến thế giới động vật vô cùng phong phú của James Wan trong Aquaman. Đây quả là lúc phù hợp để James Wan thể hiện “chuyên ngành” của mình. Các sinh vật dưới biển ngoài cá ngựa cỡ lớn để phục vụ mục đích giao thông và tham chiến thì còn có cả thủy quái đầy răng nanh đậm chất phim kinh dị (đặc biệt, con thủy quái này còn được lồng tiếng bởi minh tinh Julie Andrews nổi tiếng với thể loại nhạc kịch). Nói tóm lại, James Wan rất biết cách kết hợp các yếu tố phép thuật kỳ ảo và phiêu lưu mạo hiểm, khiến Aquaman trở thành bộ phim siêu anh hùng DC hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với người xem.

Bên cạnh đó, mặc dù bộ phim có thời lượng tương đối dài- gần hai tiếng rưỡi, nhưng người xem vẫn mong muốn phương diện tính cách nhân vật và câu chuyện đằng sau, đặc biệt là những mối quan hệ sẽ được khai thác sâu hơn, đa chiều hơn. Cũng có thể, các nhà làm phim có ý định sẽ tập trung vào vấn đề này ở phần hai nên mới không “lật bài” hết cho người xem. Đa phần các nhân vật trong Aquaman đều được xây dựng theo những hình mẫu phổ biến, ví dụ như Arthur là vị anh hùng khảng khái, hào sảng, giàu lòng vị tha; Mera là nữ chiến binh gợi cảm, quả quyết, kiên cường;… Đương nhiên, tuýp nhân vật của Aquaman tuy không đa chiều nhưng vẫn dễ dàng giành được tình cảm của khán giả, và trong đó, một phần công lớn là nhờ đến sức hút từ dàn diễn viên vừa tài năng vừa xinh đẹp của bộ phim.

Có thể nói khía cạnh hài hước hoàn toàn không phải sở trường của James Wan. Bởi xuyên suốt bộ phim, có không ít những khoảnh khắc “hài hước” khiến người xem cảm thấy khá gượng gạo, thậm chí thừa thãi. Ngoài ra, nhiều người hâm mộ cảm thấy rằng ở Aquaman không có được thứ cảm xúc mãnh liệt và lay động trái tim người xem như trong Wonder Woman. Chưa kể, việc sử dụng những bản nhạc pop bắt tai làm nhạc nền (với mục đích tạo sự vui nhộn) cũng không được phù hợp cho lắm với phong cách chung của bộ phim.

Tuy vậy, bất chấp những vấn đề nói trên, Aquaman vẫn là một trong những trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời nhất của năm 2018. Thậm chí nếu bạn không phải fan DC cũng không thành vấn đề, vì Aquaman không khác gì một độc lập, chẳng mấy dính dáng đến vũ trụ DC. Nếu xếp hạng Aquaman so với những phim DC khác thì chắc chắn Aquaman chỉ đứng sau Wonder Woman và hoàn toàn vượt xa những cái tên khác như Suicide Squad, Justice League, Batman V Superman, Man of Steel,

Bộ phim Aquaman hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất