Aquaman: Đế Vương Atlantis là bộ phim siêu anh hùng vừa ra mắt trong tháng 12 vừa qua. Bộ phim xoay quanh nhân vật truyện tranh đình đám cùng tên của hãng DC, người có cha là người trần, mẹ là nữ hoàng vương quốc đáy biển Atlantis. Là người kế vị ngai vàng của Atlantis, anh sở hữu những khả năng như siêu thể lực, bơi lội cực nhanh, nói chuyện và thở dưới nước, đồng thời giao tiếp với sinh vật biển.
Trong bộ phim, em họ của Aquaman - vua Orm âm mưu tập hợp các cư dân dưới biển để gây chiến với người mặt đất. Cùng người bạn đồng hành xinh đẹp - công chúa Mera với khả năng điều khiển nước, Aquaman phải lên đường đi tìm chiếc đinh ba thần kỳ có khả năng hô phong hoán vũ để ngăn chặn mưu đồ của em trai mình.
Aquaman là bộ phim thứ 6 trong vũ trụ mở rộng DC (DC Extended Universe - DCEU). Trước đó, các bộ phim của DCEU đều có số phận khá lận đận khi không được giới phê bình đánh giá cao, đồng thời doanh thu cũng không được như kỳ vọng. Trừ Wonder Woman (2017) thành công rực rỡ, và Man of Steel (2013) được đánh giá trung bình, thì Batman v. Superman: Dawn of Justice (2016), Suicide Squad (2016) và Justice League (2017) đều bị đánh giá tiêu cực, bất chấp dàn nhân vật truyện tranh kinh điển cũng như sự tham gia của các diễn viên đình đám tại Hollywood.
Nằm trong một loạt phim đầy lục đục như DCEU, bản thân nhân vật Aquaman (do nam diễn viên Jason Momoa thủ vai) cũng có màn ra mắt ít ấn tượng trong bom tấn thất bại Justice League năm 2017. Do vậy, rất nhiều người xem không có thiện cảm với DC đã tuyên bố Aquaman cầm chắc thất bại. Lý do mà họ viện ra là: nhân vật Aquaman vốn không nổi tiếng như Batman, Superman, Wonder Woman. Nếu những gương mặt đình đám kia còn thất bại thì Aquaman khó lòng thành công.
Trailer phim Aquaman.
Tuy nhiên, trái với suy đoán của nhiều người, Aquaman đã gặt hái thành công vang dội khi ra mắt vào tháng 12 vừa qua. Không chỉ được giới phê bình đánh giá khá tích cực, bộ phim còn là tác phẩm đầu tiên của vũ trụ DCEU cán mốc doanh thu 1 tỷ USD trên toàn cầu. Aquaman cũng là bộ phim thứ ba của hãng DC vượt qua dấu mốc đáng nể này, sau hai huyền thoại là The Dark Knight (2008) và The Dark Knight Rises (2012). Thành công của Aquaman đã để lại cho nhà sản xuất Warner Bros./DC nhiều bài học đắt giá để áp dụng cho những phim siêu anh hùng trong tương lai.
1. Nếu không nghiêm túc được thì đừng cố nghiêm túc
Năm 2008, trong khi đối thủ Marvel Studios vẫn còn đang chập chững đi những bước đầu tiên, thì DC đang ở trên đỉnh cao với siêu bom tấn The Dark Knight của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan. Không chỉ gây bão phòng vé, bộ phim còn được giới phê bình tung hô nhiệt tình và thu về giải Oscar danh giá cho Nam Phụ Heath Ledger (vai phản diện Joker). Những năm sau đó, trong khi Marvel xây dựng vũ trụ điện ảnh MCU theo hướng dễ xem, nhiều màu sắc, thì DC vẫn tiếp tục xu hướng của The Dark Knight - u ám, sâu sắc, đa tầng đa nghĩa.
Tuy nhiên tới năm 2012, The Dark Knight Rises ra mắt và đạo diễn Christopher Nolan ngừng làm phim siêu anh hùng. DC gửi gắm kỳ vọng vào Zack Snyder, người từng chỉ đạo bộ phim Watchmen (2009) khá được lòng khán giả. Đúng như yêu cầu của DC và Warner Bros., Zack đã thực hiện hai bom tấn Man of Steel (2013) và Batman v. Superman: Dawn of Justice (2016) theo phong cách u ám, nội dung nghiêm túc.
Vậy nhưng, điểm mạnh của Zack Snyder lại thiên về phần hình (cảnh phim hoành tráng, góc quay đặc sắc), còn về phần nội dung, ông vẫn không bằng được Christopher Nolan. Ngoài ra, Warner Bros. còn yêu cầu làm phim quá gấp gáp vì muốn nhanh chóng xây dựng vũ trụ DCEU cạnh tranh với Marvel Studios. Hệ quả là các bộ phim Man of Steel và Batman v. Superman bị đánh giá là đặt vấn đề quá nhiều, xử lý chưa hay, mạch phim lộn xộn, lời thoại cũng quá khiên cưỡng và thiếu nét tự nhiên, nhiều ẩn ý của The Dark Knight.
Trải qua 3 năm chật vật, sang tới Aquaman (2018), hãng DC đã rút kinh nghiệm và ngừng theo đuổi phong cách The Dark Knight. Hệ quả là Aquaman được đạo diễn James Wan xây dựng cực kỳ nhẹ nhàng, hài hước, tươi sáng, thậm chí pha trộn phong cách của phim phiêu lưu cổ điển lẫn phim siêu nhân cho thiếu nhi.
Trong Aquaman, không ít lần khán giả nhặt ra được những tình tiết vô lý, trẻ con, có đôi chỗ dường như còn… ngớ ngẩn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết người xem đều không nề hà gì những sơ xuất này, do ngay từ đầu nội dung phim đã không quá nghiêm túc hay sâu xa. Quả thực, nếu như không thể làm phim u ám, nặng nề theo phong cách Christopher Nolan, thì hãng DC nên chuyển hướng hẳn sang kiểu nhẹ nhàng, hài hước, vừa khiến khán giả dễ xem, vừa đỡ bị “bới lông tìm vết” hơn.
2. Hiệu ứng kĩ xảo - tưởng không quan trọng mà quan trọng không tưởng
Vốn thuộc thể loại hành động, kĩ xảo CGI luôn là nhân tố không thể thiếu trong các bộ phim siêu anh hùng. Khi dòng phim này vươn lên thành thể loại dẫn đầu phòng vé khắp thế giới, khâu kỹ xảo càng được đầu tư để nâng tầm các bộ phim này hết mức có thể. Bản thân hãng DC cũng cực kỳ đầu tư cho những bom tấn của DCEU, như Man of Steel hay Batman v. Superman đều có phần nhìn khó lòng chê được.
Tuy nhiên, kể từ Suicide Squad và nhất là Justice League, hãng này đã mắc sai lầm khi xem nhẹ mảng kĩ xảo mà chỉ muốn nhanh chóng ra mắt phim đúng thời điểm vàng. Hậu quả sinh ra là cả hai bộ phim đều có những cảnh kĩ xảo sơ sài, kém thực tế đến nhức nhối. Trong Suicide Squad, nhân vật Enchantress (do Cara Delevingne thủ vai) liên tục xuất hiện giữa luồng sáng giả tạo.
Trong khi đó, đối với Justice League, dù bộ phim trải qua thời gian dài quay bổ sung, tuy nhiên Warner Bros. vẫn gấp gáp ra mắt đúng hạn thay vì lùi lịch để trau chuốt phần kĩ xảo. Kết quả là bộ phim nhận về rất nhiều chỉ trích khi kẻ phản diện Steppenwolf có tạo hình qua loa, siêu thực, còn nhân vật Superman thì có phần ria mép bị xóa đi hết sức sơ sài.
Đối với Aquaman, DC dường như đã rút kinh nghiệm khi chấp nhận ra mắt phim vào thời điểm cuối năm, 13 tháng sau ngày ra mắt bom tấn trước đó là Justice League, để cho đạo diễn James Wan đủ thời gian hoàn thành bộ phim. Sự chờ đợi này đã không khiến họ phải thất vọng, khi Aquaman tràn ngập những cảnh phim dưới nước lẫn trên cạn sử dụng kỹ xảo hết sức mãn nhãn, thậm chí còn được so sánh với siêu bom tấn 3D Avatar kinh điển.
3. Đừng coi thường các thị trường quốc tế
Dòng phim siêu anh hùng vốn được sản xuất dựa trên nguyên mẫu truyện tranh Mỹ. Bởi vậy nên, từ trước tới nay, những bộ phim của thể loại này luôn lấy thị trường Mỹ làm trọng tâm. Trong khi đó, một thị trường béo bở khác là Châu Á thì lại bị làm ngơ, dù đây là thị trường đã làm nên thành công của nhiều bom tấn hành động khác.
Tuy nhiên, tới trường hợp của Aquaman, hãng Warner Bros. và DC đã thay đổi hoàn toàn chiến thuật. Được thực hiện bởi một đạo diễn gốc Á (James Wan), lại mang nhiều nét tương đồng với những tác phẩm phiêu lưu vốn rất nổi tiếng tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,… nên Aquaman đã được ấn định ra mắt sớm 2 tuần ở Châu Á đối với Bắc Mỹ.
Lựa chọn này đã không gây thất vọng chút nào khi Trung Quốc trở thành nơi sinh lời bậc nhất của Aquaman với gần 300 triệu USD (1/3 doanh thu). Nhiều khán giả Trung Quốc còn thừa nhận họ đã xem đi xem lại Aquaman hàng chục lần, và yêu thích bộ phim này nhất trong các phim siêu anh hùng từ trước tới nay. Thành công vang dội tại thị trường Trung Quốc đã mở đường cho thắng lợi lớn của Aquaman tại Bắc Mỹ, cả về doanh thu lẫn ý kiến phê bình.
Với thắng lợi lớn của Aquaman, DC đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển vũ trụ phim DCEU của mình. Dự án tiếp theo của họ, Shazam! cũng sẽ đi theo hướng hài hước, dễ xem và sẽ ra mắt vào ngày 5/4 sắp tới. Đây được dự đoán sẽ là thành công lớn tiếp theo của vũ trụ DC, củng cố thêm vị thế của hãng truyện tranh có nhiều siêu anh hùng kinh điển nhất thế giới.
Trailer phim Shazam!.