Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘Mắt biếc’ và nghệ thuật kể chuyện bằng âm nhạc

Châu Hải Bình Theo dõi Saostar trên google news

Dưới bàn tay của “phù thủy âm nhạc” Phan Mạnh Quỳnh và giám đốc âm nhạc Chris Wong, đạo diễn Victor Vũ đã biến ‘Mắt biếc’ từ những áng văn đậm chất thơ thành một tác phẩm điện ảnh đầy chất nhạc.

Được chuyển thể từ một trong những cuốn sách nổi tiếng bậc nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc nhận được rất nhiều sự kỳ vọng xen lẫn chút lo lắng từ phía khán giả. Bởi câu chuyện giữa Ngạn và Hà Lan là mối tình vượt thời gian đầy day dứt và khắc khoải, do đó thời lượng của phim có thể sẽ không đủ để đào sâu khai thác tâm lý nhân vật.

Đối với mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có một điểm mạnh riêng. Ở nguyên tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đó là sự bồi đắp về mặt cảm xúc khi chứng kiến tình yêu bền bỉ mà Ngạn dành cho Hà Lan từ khi còn bé cho tới lúc trưởng thành, được miêu tả thông qua những câu, từ dung dị. Còn trong phiên bản điện ảnh, Mắt biếc sở hữu một “vũ khí hạng nặng” vô cùng lợi hại, vừa giúp hoàn thiện tác phẩm gốc, vừa dẫn dắt khán giả trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau mà chẳng cần đến lời nói. Đó chính là âm nhạc.

Những giai điệu trữ tình chính là điểm hoàn mỹ nhất trong Mắt biếc.

Là bài hát đinh trong bộ phim lần này nên Có chàng trai viết lên cây được ưu ái nhất, từ việc được sử dụng nhiều trong teaser, trailer cho tới màn hòa âm hoành tráng của dàn nhạc giao hưởng tới từ Bulgary. Thế nhưng nhạc phẩm này vẫn khiến người ta phải rung động theo một cách riêng mỗi khi nó xuất hiện. Đặc biệt, những bản phối của Có chàng trai viết lên cây mang nhiều âm hưởng, màu sắc khác nhau tượng trưng cho từng giai đoạn phát triển của nhân vật.

Có chàng trai viết lên cây

Khi Ngạn và Hà Lan còn bé, bài hát được chơi bằng ghita với nhịp độ nhanh, nảy, biểu hiện sự nhí nhảnh, hồn nhiên, vui tươi của trẻ con. Đó cũng là lúc khán giả thấy họ hạnh phúc nhất khi được đắm mình trong vẻ đẹp bình dị, gần gũi của làng Đo Đo, với lớp học chữ của thầy Phu, với phiên chợ quê, với những đêm hội làng và với cả những tình cảm đầu đời chớm nở.

Những bản phối khác nhau giúp bài hát truyền tải cảm xúc đa dạng hơn.

Lần thứ hai mà bài hát này vang lên trong phim ấy là giữa cảnh nối của thời thơ ấu với giai đoạn niên thiếu. Vẫn là tiếng guitar ấy nhưng giờ đây nó đã mang nỗi niềm khắc khoải, da diết giống như nói hộ tiếng lòng của Ngạn. Ở đoạn này dù chẳng có lấy một cảnh tình cảm nào, nhưng nghe những lời tự sự của Ngạn về Hà Lan, cũng như lắng nghe đàn vang lên từng nốt chậm rãi, khán giả ai cũng có thể cảm thấy được tình yêu chân thành mà anh dành cho cô bạn thuở nhỏ, đan xen vào đó là nét ngập ngừng, e dè đặc trưng của Ngạn.

Và lần xuất hiện cuối cùng, cũng là phân đoạn xúc động nhất, cao trào nhất, hoành tráng nhất, Có chàng trai viết lên cây khiến tất cả như vỡ òa bằng một bản phối du dương, da diết đến mức đau đớn khi chứng kiến tình yêu thương bấy lâu nay bị uổng phí. Có lẽ nếu không phải được thể hiện bằng những nhạc cụ thính phòng thì cảm xúc vô vọng, tiếc nuối này khó lòng mà truyền tải được. Từng tiếng nhạc ăn khớp đến mức hoàn hảo với từng chuyển động của khung hình, của nét tâm trạng của nhân vật đã giúp đem lại một thứ xúc cảm đỉnh cao cho đoạn kết.

Âm nhạc góp phần rất lớn trong việc tạo nên cái kết đầy cảm xúc.

Và không chỉ Có chàng trai viết lên cây, mỗi bài hát được Phan Mạnh Quỳnh sáng tác riêng cho phim cũng mang trong đó nỗi niềm, tâm lý của nhân vật và giúp kể câu chuyện bằng lời ca. Những ca từ dung dị của Tôi chỉ muốn nói hay Hà Lan đều gợi nhắc về ký ức của Ngạn về cô bạn thưở thiếu thời, về đôi mắt biếc đã khiến anh thổn thức và dành trọn cuộc đời mình để yêu thương.

Tôi chỉ muốn nói.

Đặc biệt với bài Từ đó, hiện thân cho tình yêu đôi lứa, phim đã tạo nên mối liên kết về mặt tình cảm giữa Hà Lan - Ngạn - Trà Long. Khi xưa Ngạn hát cho Hà Lan nghe giống như một lời tỏ tình ngây ngô đầy chân thành. Nhưng vì không được đáp lại nên anh không giờ hát nó thêm một lần nào nữa và đem chôn sâu trong lòng. Để rồi 20 năm sau khi Trà Long cất tiếng hát để nói lời yêu thương với Ngạn nhưng đã vô tình khơi dậy một bầu trời ký ức buồn của anh. Đó là bài hát dành cho Hà Lan, chứa đựng những kỷ niệm ngọt ngào nhất, đẹp đẽ về cô nên khi nó vang lên lần thứ hai, Ngạn nhận ra rằng mình vẫn còn thương Hà Lan quá nhiều. Bài hát đáng nhẽ ra phải là vui nhất, hân hoan nhất giờ đây lại trở thành nỗi niềm khắc khoải hằn sâu trong trái tim Ngạn để rồi dẫn đến quyết định rời đi như trong truyện.

Từ đó - chiếc cầu nối giữa hai thế hệ.

Từ đó.

Có thể thấy rằng dù phiên bản điện ảnh đã lược bỏ khá nhiều chi tiết xây dựng tâm lý, tình cảm nhân vật để đảm bảo thời lượng, nhưng đạo diễn Victor Vũ đã rất sáng suốt khi mượn âm nhạc làm chất liệu bù đắp với cách thể hiện tinh tế nhằm khai thác chiều sâu câu chuyện.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Châu Hải Bình

Được quan tâm

Tin mới nhất