Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

3 điểm nhấn của 'Cha ma': Một 'cú lừa' ngoạn mục và thỏa đáng!

Nhìn chung, "Cha ma" là một bộ phim kinh dị rất khá của Việt Nam, không "đầu voi đuôi chuột" hoặc lấn cấn trong việc giải quyết câu hỏi "người" hay "ma" như một số tác phẩm khác trước đây. Dù vẫn còn những điều đáng tiếc nhưng không thể phủ nhận những điểm nhấn đặc sắc của bộ phim!

Là một dự án phim kinh dị chỉn chu của đạo diễn Bá Vũ, có thể nói, Cha ma đã đem đến những gam màu sắc khác biệt nhất định so với một số bộ phim cùng đề tài trước đây của Việt Nam. Dù vẫn còn những điều đáng tiếc nhưng không thể phủ nhận những điểm nhấn đặc sắc của bộ phim, sẽ giữ chân khán giả đến tận phút cuối cùng.

Lưu ý: Bài viết có spoiler

1/ Cốt truyện li kì, plot-twist thỏa đáng

Cha ma triển khai cốt truyện theo chân nhân vật nữ sinh Vân Nhi (Ngọc Duyên), vì thiếu tiền trọ, đã xin làm bảo mẫu trong gia đình của hai mẹ con Thanh (Phương Anh Đào)-bé Kitty (Chiêu Nghi). Tại đây, hàng loạt sự kiện kì quái diễn ra: Vân Nhi liên tục nhận được những bức ảnh nhạy cảm, cùng những tin nhắn lạ lùng từ một tài khoản facebook, đêm đêm cô thường nghe thấy tiếng hát ru của một người đàn ông mà theo lời Kitty nói thì đó là cha mình, lượm được cành hoa forget me not trước cửa căn phòng bí ẩn luôn khóa kín, những giấc mộng chập chờn luôn xuất hiện bóng dáng ai đó lẩn khuất trong nhà theo dõi cô…

Tình tiết Vân Nhi sống trong một căn nhà lạnh lẽo và gặp phải các hiện tượng người ma lẫn lộn nhìn chung đã được chăm chút khá kĩ lưỡng, từ mặt âm thanh đến hiệu ứng thị giác, với tính rùng rợn ở mức vừa phải, đủ để khiến khán giả thót tim, và cũng đủ để lách qua sự kiểm duyệt của Cục Điện ảnh mà theo nhà sản xuất, bộ phim không hề bị cắt xén một phút nào. Những phân cảnh như khi Vân Nhi xem phim kinh dị, gặp một ma nữ mặc áo trắng; rồi gặp “thầy giáo ma” ở thư viện trường, hay cảnh nấp trong tủ để rình xem “cha ma” rốt cuộc là ai… đều là những phân cảnh tuy không hề xa lạ trong dòng phim này, nhưng nếu không nắm bắt được tiết tấu, sẽ không tạo ra được bầu không khí li kì, quái dị. Cha ma đã làm tốt ở mặt này, dẫn dắt được người xem chìm đắm vào câu chuyện mà không rời mắt khỏi màn hình một giây!

Cú plot-twist ở cuối phim Cha ma rất quan trọng, mang tính bước ngoặt, tháo nút và lí giải tất cả nội dung bộ phim, và có thể nói, nó đã khiến cho khán giả cảm thấy khá “đã” trước một “cú lừa” từ phía nhà sản xuất, lật ngược toàn bộ suy đoán của người xem. Thậm chí, ngay cả tựa phim cũng coi như mang tính chất “lừa tình”. Nếu ai thích dòng phim kinh dị, có chút hack não, có lẽ đã để ý thấy ngay từ đầu, bộ phim đã cố tình đưa vào một cố chi tiết bản lề hòng hợp lí hóa plot-twist, đến chừng nửa phim là đã có thể đã đoán được kết thúc. Tất nhiên, nhóm người này có lẽ chỉ là thiểu số!

2/ Đan Trường và Phương Anh Đào xuất hiện “tròn vai”, Ngọc Duyên đóng khá

Ngọc Duyên trong lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh đã có một vai diễn chính nặng đô trong Cha ma. Cô thủ vai nữ sinh Vân Nhi, có tình cảm đặc biệt với thầy giáo Cao Minh (Đan Trường). Về mặt nhan sắc, hình thể hay chiều cao, Ngọc Duyên đáp ứng được yếu tố “duy mĩ”. Còn về mặt diễn xuất, cô lột tả được sự ngây thơ, trong sáng của một cô gái trẻ khi bắt đầu bị cuốn vào hàng loạt những sự kiện kì lạ kể từ khi nhận làm bảo mẫu cho mẹ con Thanh; cũng như nét thơ ngây, đáng yêu khi nếm trải vào những cung bậc của tình yêu đầu đời. Các phân cảnh bộc lộ sự sợ hãi, hoang mang của Vân Nhi nhìn chung được Ngọc Duyên khắc họa khá rõ ràng. Tuy vậy, ánh mắt của cô vẫn chưa khiến khán giả cảm thấy các cung bậc khác nhau trong cảm xúc của Vân Nhi.

Đan Trường xuất hiện không nhiều, nhưng mỗi lần anh xuất hiện, chúng ta thấy được sự tiến bộ và nỗ lực của anh. Điểm cộng của anh chính là ngoại hình điển trai, sáng khung hình. Vai diễn thầy giáo Cao Minh dường như được “đo ni đóng giày” cho anh, với tính cách giống anh ngoài đời: điềm đạm, ôn nhu, hiền lành nên anh nhập vai thoải mái, tự nhiên, không lúng túng, miễn cưỡng. Nhưng giá mà Đan Trường diễn “bi” hơn nữa trong hai plot-twist cuối phim thì vai diễn Cao Minh sẽ còn nổi bật, đặc sắc hơn chỉ là “tròn trịa”.

Phương Anh Đào cũng xuất hiện không nhiều, thậm chí là thời lượng lên hình còn ít hơn cả Đan Trường, nhưng cô làm chủ nhân vật khá tốt, đem lại cảm giác một người phụ nữ từng trải và có vẻ gì đó bí ẩn, trái ngược với sự năng động, hoạt bát của Vân Nhi. Chỉ tiếc là vai của cô chỉ có thế, nên ta có quyền ước gì vai trò Phương Anh Đào lớn hơn một chút, chẳng hạn như phim khai thác sâu hơn mối liên hệ giữa hai mẹ con cô và Cao Minh, thì bộ phim sẽ mang đến nhiều điểm nhấn hơn về cảm xúc, sẽ lấy được nhiều nước mắt từ khán giả, thay vì một càm giác hơi bị “lưng chừng” khi hiểu được số phận của ba người họ.

3/ Thông điệp ý nghĩa

Bộ phim nào cũng gửi gắm một thông điệp, Cha ma cũng vậy. Ngoài đề cao yếu tố tình thân, tình yêu thông qua câu chuyện của Thanh-bé Kitty-Cao Minh, phim còn lên án những hiện tượng “nhức nhối” của giới trẻ: chứng nghiện điện thoại, hành vi của những “stalker” - kẻ theo đuôi. Mọi thứ được đưa vào phim khá khéo léo, tinh tế.

Nhìn chung, Cha ma là một bộ phim kinh dị rất khá của Việt Nam, không “đầu voi đuôi chuột” hoặc lấn cấn trong việc giải quyết câu hỏi “người” hay “ma” như một số tác phẩm khác trước đây!

Cha ma công chiếu toàn quốc vào ngày 23/08/2019!

Trailer bộ phim “Cha ma”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nga Cao

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc