Hai năm trở lại đây, thị trường phim Việt Nam sôi động một cách đột biến. Số lượng phim Việt ra rạp ngày một nhiều, kéo theo sự “ra lò” của hàng loạt công ty sản xuất phim; những cái tên vốn chỉ được biết đến ở khía cạnh diễn xuất nay đã trở thành chữ ký thương hiệu cho nhiều sản phẩm điện ảnh.
Khi thử tra lại cụm từ “nhà sản xuất” - producer, chúng ta chợt nhận ra rằng đây vốn dĩ không phải là một nghề “ăn xổi”, không phải cứ có tiền là làm được.
Công việc “nhớ tên không nhớ mặt”
Ở các nước phương Tây cũng như nhiều nước Á Đông có nền điện ảnh phát triển, phần lớn các producer không xuất thân từ diễn viên hay người mẫu. Thứ giúp khán giả nhớ đến một nhà sản xuất là nhờ những sản phẩm điện ảnh mà họ thực hiện.
Lấy ví dụ rõ nét nhất - Bruno Heller, người đứng đằng sau ba series truyền hình triệu đô là The Mentalist, Rome, Gotham. Nhắc đến Bruno Heller, người ta chỉ nhớ đến sự tăm tối cũng như những cái kết bất ngờ, ít ai nghĩ được rằng đây là một người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu, hay cười đùa. Nhà sản xuất vì thế phải là người dùng chất lượng sản phẩm để khẳng định tên tuổi, chứ không phải dùng tên tuổi để khẳng định sản phẩm.
Ở Mỹ, khi tính bình quân số nhà sản xuất cho những tựa phim của toàn năm, xấp xỉ chỉ từ 10 - 15 người. Họ phải là chủ tịch của một tập đoàn lớn đủ để bảo bọc cho cả một dự án. Không những thế, một nhà sản xuất chính thống, chuẩn mực phải được cấp chứng chỉ nghiệp vụ dành cho nhà sản xuất từ các trường điện ảnh. Nhiều khóa học còn tập trung chuyên sâu vào các chuyên môn như lựa chọn diễn viên, phát triển kịch bản, góp ý cho đạo diễn…
Nhưng vẫn có cách khác để trở thành nhà sản xuất “không chuyên”: Bạn vốn là một đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, muốn nhường đất cho các thế hệ sau, như việc Steven Spielberg - đạo diễn kỳ cựu của Công viên kỷ Jura hiện nay đang làm. Hoặc như George Lucas nổi tiếng với loạt phim “nhà trồng” - Star Wars - Chiến tranh giữa các vì sao, khi ông làm đạo diễn nhưng cũng đồng thời điều hành tập đoàn sản xuất phim LucasArts.
Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp cá biệt, như nam tài tử Tom Cruise tự bỏ tiền túi ra thành lập công ty phim Bad Robot, đứng đằng sau loạt phim Mission Impossible do mình thủ vai chính; nhưng bản thân diễn viên U50 này cũng đã chứng tỏ được thực lực qua chất lượng của mỗi tập phim.
Nhà sản xuất và đạo diễn, ai “to” hơn?
Một vấn đề khác được đặt ra khi nói về sản xuất: Ai sẽ là người quyết định “tạo hình” của bản phim cuối cùng? Nhiều khi khán giả xem một phim cảm thấy không hay, chỉ biết phàn nàn đạo diễn, trong khi phía sản xuất mới là người kiểm soát tất cả.
Tính riêng thị trường điện ảnh nước Mỹ, nhà sản xuất và nhà phát hành là hai “thế lực” cuối cùng mà một đạo diễn phải trải qua, nếu muốn phim mình được ra rạp. Thử ví dụ một trường hợp mà nhà sản xuất khiến phim “bị ghét”, đó là phiên bản reboot của tựa phim siêu anh hùng Fantastic Four mới ra mắt vào tháng 8 năm nay. Kịch bản của đạo diễn Josh Trank bị chỉnh sửa bởi 20th Century Fox đến mức đổi hẳn nội dung nửa bộ phim, đưa “Tân bộ tứ siêu đẳng” vào thẳng danh sách ứng viên tiềm năng của… Mâm xôi vàng. Trường hợp ngược lại, sự khắc nghiệt từ phía nhà sản xuất lại cho ra đời những tác phẩm thành công cả về thương mại lẫn nội dung.
Ở Châu Âu, nơi mà yếu tố tình thân được đề cao, thì vai vế giữa nhà sản xuất và đạo diễn không thực sự quá nghiêm trọng. Đạo diễn cũng có thể là người quyết định kịch bản cuối cùng của phim, nhà sản xuất lúc này chỉ đóng vai trò cố vấn và góp vốn.
“Ba đồng một mớ…” tại Việt Nam.
Nói cho chính xác, để làm nhà sản xuất ở Việt Nam cần có tiền tỷ! Và thường bạn sẽ không phải qua một trường lớp nào cả, vì vốn không có một lớp dạy chuyên môn nào về ngành nghề nhà sản xuất.
Cùng nhìn lại năm nhà sản xuất mới nổi trong thị trường Việt Nam dạo gần đây: Ngô Thanh Vân (Ngày nảy ngày nay), Ưng Hoàng Phúc (Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc), Đàm Vĩnh Hưng (Hiệp sĩ mù), Thủy Tiên (Điệp vụ 3 lờ) và Trần Bảo Sơn (Hy sinh đời trai). Có đến ba người đầu tiên xuất phát điểm là ca sĩ, chỉ riêng Ngô Thanh Vân cùng Trần Bảo Sơn là có tham gia đóng phim.
Trong dịp Tết vừa rồi, “đả nữ Việt Nam” Ngô Thanh Vân đã chi đến 12 tỉ cho bộ phim Ngày nảy ngày nay có cô vào vai chính, Trần Bảo Sơn thì vừa thất bại cùng công ty TBS Production với bộ phim đầu tay có chất lượng chỉ như clip ca nhạc miệt vườn. Đàm Vĩnh Hưng, thì bị phàn nàn là can thiệp quá sâu vào kịch bản, đỉnh điểm là vụ lùm xùm giữa Mr. Đàm và Lưu Huỳnh về kịch bản cuối cùng của Hiệp sĩ mù, khi “thoại gì mà y như phim bộ!” (Một câu nói trong phim của nhân vật do Bình Minh thủ vai).
Riêng bộ phim Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc của Ưng Hoàng Phúc và Điệp vụ 3 lờ của Thủy Tiên chưa quay xong, nhưng nhìn cách đặt tựa đề thì khán giả đã phần nào nghi ngại về nội dung. Sắp tới, mỹ nhân Trương Ngọc Ánh vừa vào vai chính, cũng kiêm luôn vai nhà sản xuất của phim Truy Sát - một tác phẩm mới của đạo diễn Cường Ngô. Như vậy, dùng thành ngữ “mọc như nấm sau mưa” để nói về tình trạng phát triển của nghiệp vụ nhà sản xuất ở Việt Nam có lẽ không sai.
Do các nhà sản xuất Việt Nam vẫn còn non trẻ, nên chúng ta vẫn chưa biết được cái kết thực sự cho việc này. Tuy nhiên cứ thử tính trung bình thì năm 2014 có đến 30 phim Việt ra rạp, năm 2015 thì tăng số lượng gần như gấp đôi, nhưng chất lượng thì cũng thượng vàng hạ cám.
Có một sự thật đáng buồn là ở riêng Việt Nam thời điểm hiện tại, có vẻ như nhà sản xuất “nhúng tay” càng ít, phim… càng hay. Điển hình là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cùng nhiều phim khác của đạo diễn Victor Vũ, khi nhà làm phim gần như được quyền tự do sáng tạo, tự do để trí tưởng tượng của mình bay bổng. Nhìn chung, cái tài của diễn viên và đạo diễn giỏi, nhiều khi không chỉ là chọn kịch bản tốt, mà còn phải chọn được nhà sản xuất giỏi.