1/ Cung tâm kế
Mặc dù gây nhiều tranh cãi trong việc xây dựng nhân vật, nhưng Cung tâm kế không chỉ là bộ phim có rating đứng đầu năm 2009 mà còn đứng đầu trong cả 10 năm qua trên màn ảnh nhỏ TVB. Điểm thu hút của phim đến từ việc bộ phim đầu tư rất mạnh tay để phục dựng phim trường lấy bối cảnh Đường triều cũng như tỉ mỉ chăm chút cho trang phục, trang sức… của các nhân vật.
Ngoài ra, dàn diễn viên gồm toàn những hoa đán, tiểu sinh hạng A lúc bấy giờ như Xa Thi Mạn, Dương Di, Trần Hào, Trịnh Gia Dĩnh cùng những cái tên gạo cội lão làng như Mễ Tuyết, Quan Cúc Anh, Tạ Tuyết Tâm cũng là một trong những yếu tố chủ lực mang đến thành công cho bộ phim. Hai tuyến vai phản diện của Dương Di và Tạ Tuyết Tâm cũng để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc, thậm chí khiến cho vai Lưu Tam Hảo “tốt một cách siêu thực, siêu cấp” có phần bị lu mờ dù A Xa vẫn diễn rất chắc tay.
Giám chế Mai Tiểu Thanh là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chinh phục thị hiếu khán giả, những mảng miếng xây dựng tình tiết của bà áp dụng cho Cung tâm kế tuy không mới lạ, nhưng nhắm trúng tâm lí người xem, khiến họ có thể dõi theo bộ phim đến mức quên ăn quên ngủ, đặc biệt là về sở trường phá án, như đã từng được thấy trong Bằng chứng thép.
2/ Xứng danh tài nữ
Xứng danh tài nữ nếu xét về mặt qui mô hay hiệu ứng từ dàn diễn viên thì lặng lẽ hơn Cung tâm kế nhiều, nhưng phim lại bất ngờ gây tiếng vang với cơn sốt Sài Cửu cùng câu nói: “Đời người có bao nhiêu lần mười năm” của Lê Diệu Tường. Sau hai mươi năm chìm nổi với hàng đống vai diễn phụ, Lê Diệu Tường cuối cùng cũng đã có cho mình vai diễn để đời, đăng quang ngôi vị Thị đế năm đó vô cùng xứng đáng. Đặng Tụy Vân sau nhiều năm kém duyên với vai Thị hậu, cũng công thành danh toại bằng nhân vật nữ cường nhân Khang Bảo Kỳ.
Giám chế Xứng danh tài nữ là Lý Thiêm Thắng vốn rất lão làng trong việc chọn diễn viên, biết cách xây dựng đường dây cốt truyện sao cho phù hợp với sở trường của mỗi người. Ông lấy cốt liệu dựng phim rất thực tế, hoàn toàn không có chỗ cho những câu chuyện cổ tích, hão huyền.
3/ Học cảnh truy kích
Học cảnh truy kích khác biệt so với hai phần trước đó của series Cảnh sát khi chuyển trọng tâm bộ phim từ môi trường các đơn vị cảnh sát sang tập đoàn xã hội đen Tiến Hưng cũng như những nhân vật đầu sỏ tại đây như Giang Thế Hiếu, Trình Nhược Tâm, và đặc biệt là Laughing Lương Tiếu Đường với rất nhiều plot twist dồn dập trong từng tập. Không ngoa khi nói, diễn xuất của cả ba đã lấn át cả hai nam chính quen thuộc là Ngô Trác Hy và Trần Kiện Phong.
Phải nói là, Tạ Thiên Hoa hóa thân thành Laughing qúa thuyết phục, anh lột tả xuất thần cái hồn cốt của một cảnh sát chìm chính nghĩa, can đảm, đầy chí khí mang vỏ bọc của một tên lưu manh bặm trợn, “ruột để ngoài da”, nhớt nhảm. Lâu lắm rồi, khán giả mới được trông thấy một nội gián cá tính, cool ngầu đến vậy.
Hai nữ diễn viên trẻ Giang Du Du của Giang Nhược Lâm và Hoa Nhược Bảo của Lương Gia Kỳ thì lại bị xây dựng quá mờ nhạt, không tạo hiệu ứng được như Dương Di hay Tiết Khải Kỳ khi đứng cạnh Ngô Trác Hy và Trần Kiện Phong. Đó cũng là một trong những lí do Học cảnh truy kích tuy có rating ở mức khá nhưng chưa cao được như đã từng chờ đợi.
4/ Anh hùng trong biển lửa 3
Là phần 3 của series Liệt hỏa hùng tâm, Anh hùng trong biển lửa 3 tiếp tục chứng tỏ tài năng lão luyện và sự mát tay của giám chế Vương Tâm Ủy. Có thể nói ba nam chính Vương Hỷ, Trịnh Gia Dĩnh, Huỳnh Tông Trạch đều rất thu hút, mỗi người đều có phong cách riêng. Tin đồn Trịnh Gia Dĩnh và Vương Hỷ bất hòa, tranh giành đất diễn trong thời gian quay phim cũng từng là điểm gây sốt của Anh hùng trong biển lửa 3. Khán giả xem phim chắc hẳn cũng sẽ thấy ai diễn tốt hơn ai. Những cảnh cháy nổ qui mô, mãn nhãn hơn hẳn hai phần trước, khiến người xem cảm thấy rất đỗi hồi hộp, căng thẳng khi theo chân những chiến sĩ cứu hỏa xông pha biển lửa.