Chợ mắm Châu Đốc, hương vị riêng biệt của vùng sông nước An Giang

Trung Hiếu
Chia sẻ

Người ta cứ bảo, dân miền Tây là phải biết ăn mắm. Nhiều lúc tôi cũng hỏi: “Mắm cũng là một loại thức ăn, có người ăn được thì cũng có người ăn không được mà?”. Nhưng dần lớn lên, nhất là lúc đi học xa nhà, xa quê, tôi mới dần thấm thía được câu nói trên.

Cứ mỗi lần có dịp ghé ngang chợ, tôi cũng dành ít thời gian dạo sang khu bán các loại mắm. Mà tôi hay gọi là “vương quốc mắm”.

Khu bán mắm được “sinh” ra ngay từ lúc chợ thành lập, và được ưu đãi cho một không gian vô cùng lớn. Khu mắm nằm bên vách trái của chợ. Dù không có bản hướng dẫn nhưng du khách vẫn tìm được ngay. Bởi sự nổi bật rất riêng của khu bán mắm.

Chợ Châu Đốc là địa điểm bán các mặt hàng mắm, thủy hải sản khô lớn miền Tây Nam Bộ.

Chỉ cần bước chân vào khu chợ, bạn sẽ nhận được sự mời chào đầy niềm nở, đậm chất miền Tây của các chủ sạp. Được gọi là “vương quốc mắm” bởi khu chợ này có đầy đủ các loại mắm.

Các sạp mắm nhiều đến nỗi sẽ làm bạn chớp ngợp.. .

Tôi đã thử đi dạo đếm hai, ba lần vẫn không nhớ hết. Hình như sông Hậu, sông Tiền có bao nhiêu loại cá thì bấy nhiêu loại mắm được bày bán nơi đây. Khu chợ bán đầy đủ các mắm Thái, mắm lóc, mắm chốt,… đến các loại mắm theo mùa như mắm cá linh, mắm sặc, mắm cá mè,… Các thùng mắm được xếp “cao như núi”, sạch sẽ và có bảng giá rõ ràng.

Đa phần, những loại cá được nuôi từ những làng bè ngay ngã ba sông Hậu nổi tiếng.

Một trong những loại mắm được ưa thích nhất là mắm Thái. Bạn đừng nghĩ đây là loại mắm của người Thái. Đây là loại mắm chỉ có duy nhất ở vùng đất này. Mắm Thái được làm từ thịt con mắm lóc xé nhỏ cùng với đu đủ. Đu đủ được bào thành sợi mỏng, ép thật ráo nước rồi mới được trộn vào nước cốt mắm cho thật đều.

Mắm thái là đặc sản của vùng đất Châu Đốc (An Giang).

Vừa đi dạo, vừa “chộp choẹt” khá lâu, tôi dừng chân lại bên một sạp mắm để trò chuyện. Được chị Út, chủ sạp, chia sẻ mà tôi hiểu thêm về “đặc sản” quê mình như thế nào. Sau khi mua mắm sồi (cá mới được ủ), người bán sẽ xếp chúng vào từng lu, dùng một tấm rổ để gài (ép chặt) mắm, rồi đổ một lớp nước mắm cốt lên trên. Sau khoảng 2-3 tháng, khi lớp mắm cốt bên trên chuyển sang màu đỏ và trong, chứng tỏ mắm đã chín. Sau đó là công đoạn thính (chế biến từ gạo rang chín và xay thành bột) và tiếp tục gài mắm khoảng 3 tháng nữa là hoàn thành. Công đoạn quan trọng nhất để con mắm ngon là công đoạn chao đường. Chao đường sẽ giúp cho con mắm được thấm vị ngọt tự nhiên.

Chao đường nhiều và đều tay sẽ giúp con mắm lên màu đẹp.

Nói chuyện với chị Út khá lâu nhưng tôi thấy không hề có côn trùng đeo bám. Hiếu kì, tôi mới hỏi. Chị Út vừa chao đường, vừa nói là do dùng đường thốt nốt để chao nên không có côn trùng đeo bám.

Hóa ra, điều làm nên phần “độc nhất vô nhị” của mắm Châu Đốc cũng là nguyên liệu “độc nhất vô nhị” của vùng bảy núi. Chị bật mí là khi chao qua nước đường thốt nốt thì không được để ở ngoài lâu. Mắm sẽ bị hư. Và mắm ăn ngon nhất là từ 6 tháng đổ lại.

Mắm lóc được xem là loại “nữ hoàng” mắm.

Đi đâu thì cũng phải mua “đặc sản” để làm quà! Mỗi lần ghé chợ, tôi đều mua vài dăm ba loại mắm về cho gia đình. Mà tôi khoái nhất là mắm ba khía.

Nhớ hồi nhỏ, vì đi làm nên mẹ mua cả kí ba khía về cho tôi để dành ăn. Thấy mẹ làm mà tôi cứ bóc lén để ăn… vì nhìn đã thèm rồi. Mắm ba khía được ngâm cho bớt mặn rồi ướp cùng đường, tí mì chính, tỏi, chanh băm nhuyễn. Ngon nhất là ăn ba khía cùng với cơm trắng. Thịt ba khía vừa mặn, vừa ngọt ăn cùng cơm trắng là “bá cháy”.

Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ hoài mắm ba khía được làm từ những con cua nhỏ.

Mỗi loại mắm được chế biến thành vô vàn món ăn đậm chất miền Tây. Mắm Thái thì ăn chung với bún, thịt ba rọi luộc. Mắm cá linh, cá sặc để nấu lẩu. Mắm chốt, mắm lóc thì chưng với hột vịt, thịt ba rọi,…

Bên cạnh bị thu hút bởi “vương quốc mắm”, tôi cũng bị mất hồn trước sự “hoành tráng” của các sạp bán khô. Nơi đây có đủ từ khô cá lóc, khô mực, khô cá phồng (cá tra), tôm khô,… mà du khách có thể tha hồ lựa chọn. Những con khô treo lủng lẳng, sạch sẽ như đang mời gọi. Chính sự phong phú này lại làm cho tôi thêm tự hào về sự trù phú của vùng đất quê tôi.

Các loại khô được bán quanh năm.

Không những là mắm, chợ Châu Đốc còn chiêu đãi tôi những đặc sản khác. Trái thốt nốt là một đặc sản không nên bỏ qua khi ghé khu chợ này bởi vị ngọt tự nhiên. Những trái me đỏ âu được trộn đều trong muối ớt. Mua thử bọc quả xay rừng để nhăm nhi, tôi đã ghiền mãi vị chua, ngọt của quả.

Chỉ khi bạn đến vùng bảy núi, bạn mới thưởng thức được những đặc sản này.

Đa phần các chủ sạp đều gắn bó với chợ Châu Đốc từ lúc thành lập. Nhiều chủ sạp chia sẻ, có lúc bán chạy, lúc bán ế, nhưng không vì thế mà họ bỏ nghề. Có nhiều sạp được bán bởi ba, bốn đời trong gia đình như hiệu mắm Bà Giáo Khỏe, Bà Giáo Thảo,… Hình như, nó hình thành một tục lệ cho dân bán mắm nơi đây - nghề của gia đình.

Người ta cứ bảo, dân miền Tây là phải biết ăn mắm. Nhiều lúc tôi cũng hỏi: “Mắm cũng là một loại thức ăn, có người ăn được thì cũng có người ăn không được mà?”. Nhưng dần lớn lên, nhất là lúc đi học xa nhà, xa quê, tôi mới dần thấm thía được câu nói trên. Người dân Châu Đốc nói riêng, dân miền Tây nói chung, ăn mắm không phải vì mùi vị của nó mà còn ăn cả những tình cảm, những câu chuyện ẩn sâu phía sau ấy.

Chia sẻ

Bài viết

Trung Hiếu

tag-icon
Tin mới nhất