Chàng trai 9x chia sẻ kinh nghiệm phượt xe máy an toàn

Chia sẻ

Bạn cần xác định tinh thần chuyến đi là khám phá hay chỉ chăm chăm vào đích đến, cũng không nên theo đám đông và gọi đó là đi phượt.

Dưới đây là đúc kết sau những chuyến phượt an toàn của Phạm Quang Tuân - người từng đi xuyên Việt bằng xe máy. 

Xác định tinh thần

Nhiều người nói đi phượt, du lịch bụi để khám phá, biết thêm điều mới, nhưng tôi thấy họ chủ yếu “phóng xe cứ như đi để đến”. Trong khi đó, trên chính cung đường bạn đang đi cũng có biết bao nhiêu cảnh đẹp để tìm hiểu thì nhiều người lại bỏ qua. 

Vậy nên bạn cần xác định mục tiêu chuyến đi. Nếu muốn khám phá, hãy đi chậm lại, có thể chạy đoạn đường 10-30 km rồi lại nghỉ. Chính tôi đi 60 km mà mất gần 6 tiếng, và như vậy tôi mới khám phá được nhiều hơn. Khi chạy tốc độ chậm, bạn có thể nghỉ ngơi, tinh thần minh mẫn và an toàn hơn. 

phuot xe may

Một khúc cua vừa dốc hẹp vừa quanh co nguy hiểm ở Hà Giang. Ảnh: Hương Chi

Không cần thiết theo đám đông

Đi đèo Hà Giang đòi hỏi kỹ năng vượt xe, xin đường, vào cua…, thậm chí cả vào và ra số. Đối với tôi an toàn là trên hết nên mọi người cần biết lượng sức mình mà đi. 

Kể cả khi đi theo đoàn, mặc dù tuân thủ hiệu lệnh của trưởng nhóm bạn vẫn nên coi trọng sự an toàn. Ví dụ, bạn không chạy được 60km/h trong đêm tối (rất nhiều đoàn đi như vậy từ 18h đến 24h) thì hãy ý kiến với trưởng nhóm. Bạn mệt cũng phải nói để không ảnh hưởng đến đoàn cũng như an toàn của bản thân.

Trang bị kỹ năng lái xe 

Đầu tiên là đi chậm nếu bạn chưa kiểm soát được tốc độ khi phóng nhanh. 

Lên dốc số nào thì xuống số đó hoặc thấp hơn. Ví dụ lên dốc số 3 thì bạn xuống số 3, thấy lao nhanh quá thì phanh lại cho xe đi chậm chậm rồi lui về số 2 để ghì xe lại. Khi ấy bạn sẽ làm chủ tốc độ và không bị lao dốc.

Phải xi-nhan bóp còi xin vượt, và vượt bên trái. Khi thấy xe trước thực sự nhường đường mới vượt, và tuyệt đối không vượt lúc vào cua, khuất tầm nhìn xe đối diện.

Gặp ổ gà, ổ voi bất ngờ thì đừng lách tránh mà thật cứng tay lái bình tĩnh rồi chạy qua. Vì nếu bạn đi tốc độ cao mà lách không khéo, xe sau phi lên, tránh không kịp thì bạn sẽ nguy hiểm hơn. 

Nếu thấy cục đá nhỏ bằng 1/2 nắm tay, bạn cũng không nên chủ quan, bởi nếu đi không vững bạn sẽ dễ dàng bị lệch bánh xe. 

Đi đêm gặp xe đối diện bật đèn pha thì nhá đèn ra hiệu họ tắt đèn pha, đồng thời bạn cũng tắt đèn pha về cốt luôn.

Trang bị đồ bảo hộ

Đi đường dài bạn hãy mua mũ bảo hiểm có độ che chắn 3/4 hoặc cả mặt kèm kính chắn gió, vừa an toàn, vừa giúp bạn không bị khô mắt khi chạy xe. Bạn nên mua giáp tay, giáp chân để sử dụng trong những chuyến đi dài.

Bạn có thể thấy rất phiền với những đồ dùng bảo hộ này nhưng lỡ có tai nạn thì chúng sẽ phát huy tác dụng. Bản thân tôi, nhờ có bộ đồ bảo hộ mà có lần văng gần 5 m khi tông phải một con vật bất ngờ xuất hiện trên đường mòn Hồ Chí Minh nhưng vẫn không bị trầy xước gì.

phuot xe may 2

Mũ bảo hiểm chắc chắn và các bộ giáp tay, chân sẽ giúp hành trình của bạn an toàn hơn rất nhiều. Ảnh: Phạm Quang Tuân

Tối giản hành lý hết mức có thể

Nếu xe bạn còn chỗ, hãy buộc ba lô và đồ đạc ở đằng sau thật gọn gàng và không nên cắm bất cứ vật gì ở đằng sau xe. Đồ đạc đem theo cần tối giản để di chuyển dễ dàng. Tùy vào thời gian chuyến đi, thời tiết và nơi ăn, chốn ở mà bạn chọn đồ phù hợp.

Chia sẻ
Tin mới nhất