Ép cân bằng mọi giá
Thế giới thời trang không phải bao giờ cũng lung linh và ngập tràn màu hồng. Đằng sau sự hào nhoáng, đằng sau những ánh đèn hay những sàn catwalk là những góc tối sâu kín mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Một trong những nỗi ám ảnh đó chính là vóc dáng và cân nặng. Trước mỗi tuần thời trang, cácchân dài lại gồng mình “ép cân” bằng mọi giá, từ nhịn ăn, tiêm thuốc, thậm chí rửa ruột hàng ngày.
Thập niên 80, những cô gái chỉ cần có chiều cao lý tưởng, vóc dáng mảnh dẻ vừa đủ là có thể làm người mẫu. Thế hệ model thời bấy giờ có chế độ ăn uống bình thường, là những phụ nữ có da có thịt đầy sức sống.
Thế nhưng, vào cuối thập niên 90, kể từ khi siêu mẫu Kate Moss xuất hiện với phong cách “heroin chic”, vẻ đẹp xanh xao, gầy guộc, vật vờ như “con nghiện” của giới mẫu (đã từng thịnh hành những năm 1924-1928) lại lên ngôi và tồn tại cho đến bây giờ.
Nhiều nhà bình luận cho rằng giới người mẫu ngày nay không khác gì “móc treo quần áo” hay “ma-nơ-canh sống”. Hình ảnh của giới người mẫu quá xa rời tiêu chuẩn của hình thể phụ nữ thông thường.
Thế nhưng dường như các nhà thiết kế và các sàn diễn thời trang thì lại càng ưa thích những người mẫu được coi là siêu gầy và điều đó khiến hàng loạt chân dài phải lao vào cuộc chiến ép cân để có được vóc dáng “trong mơ”.
Trong cuốn tự truyện “Never Skinny Enough: the Diary of a Top Model”, cựu mẫu người Pháp Victoire Macon Dauxerre, người từng lọt top 20 người mẫu hàng đầu trên thế giới chia sẻ vể trải nghiệm ép cân của bản thân:
“Tôi bước chân vào nghề người mẫu năm 18 tuổi. Giấc mơ đó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi bởi chỉ vài tháng sau tôi đã bắt đầu mắc chứng biếng ăn tâm thần mà bản thân cũng không hề nhận ra”.
Trong quá khứ mỗi ngày, chân dài xinh đẹp này chỉ ăn 3 quả táo và chỉ uống nước soda để duy trì vóc dáng mảnh mai chuẩn mẫu. Mỗi tuần cô được phép ăn một miếng thịt nhỏ cá hoặc gà.
“Không ai nói với tôi rằng tôi buộc phải giảm cân nhưng họ sẽ nói kiểu như ‘vào tháng 12, em cần bắt đầu cho tuần lễ thời trang, kích cỡ thường là 32 -34 (2 - 4 cỡ Mỹ) và em phải vừa với những số đo này’. Lúc đó tôi cao 1m78, nặng 56 kg, chỉ sau vài tháng tôi đã giảm 4 cỡ quần áo, chỉ còn 47 kg. Bạn có thể tưởng tượng tình cảnh đó như thế nào rồi đấy”, Victoire Macon Dauxerre cho biết.
Cũng nhờ vóc dáng cò hương, Dauxerre trở thành một gương mặt ăn khách, cô có cơ hội được làm mẫu cho loạt thương hiệu nổi tiếng như Alexander McQueen, Celine…
Tuy nhiên, để có được sự nghiệp lên như diều gặp gió, Victoire đã phải đánh đổi không ít.“Không có ai hiểu. Mọi người đều nói với tôi rằng tôi có cuộc sống trong mơ nhưng thực tế là tôi đã phải sống rất khổ sở.
Chúng tôi phải diễn cảnh ăn ngon lành trước ống kính nhưng sau khi phóng viên đi khỏi chúng tôi phải chạy vào toilet để lôi sạch mọi thứ vừa ăn” - Cựu người mẫu nói.
Cuối cùng, Victoire Dauxerre đã phải từ bỏ công việc người mẫu vì không chịu nổi áp lực giảm cân. Cô đã quay lại cân nặng bình thường với kích cỡ 38. Cô cho biết những gì mình nói là sự thật và bản thân dám nói vì đã bước ra khỏi ngành công nghiệp này.
Trong khi đó, Laurel Stovall, một người mẫu 27 tuổi, phải lao vào công cuộc giảm cân tới mức mắc chứng biếng ăn để được ký hợp đồng với một công ty ở Mỹ. Chiều cao 1m8 nhưng chỉ nặng 52kg, ngày ký hợp đồng cũng là lúc Laurel thấy mình “ốm yếu và thê thảm nhất”.
Trái ngược với những gì trải qua lúc giảm cân, sau khi ký hợp đồng, Laurel nhận hàng loạt lời mời diễn từ các hãng lớn ở New York và Milan.
Cơ hội tiếp tục đến với Laurel Stovall khi cô được cử đi casting show của Calvin Klein. Thế nhưng, đại diện hãng thời trang danh tiếng này cho rằng Laurel Stovall quá gầy và yêu cầu phải tăng cân thì mới được diễn.
Kết quả, người quản lý cho phép Laurel tăng cân bằng cách… ăn bơ lạc. Không thể chịu nổi chế độ ăn uống kiêng khem khắc nghiệt, cuối cùng, người mẫu 27 tuổi đã quyết định nói lời tạm biệt với giới thời trang cao cấp ở New York.
“Mọi người đều sốc khi tôi nói rằng công việc người mẫu trước đây không hề hạnh phúc. Bản thân tôi không thể chịu đựng được việc mất kiểm soát. Đây là cuộc đời của tôi, tôi cần làm chủ được nó và tôi sẽ thay đổi mọi thứ”, Laurel nói.
Một trường hợp khác lại có suy nghĩ khác hẳn, đó là Anja Rubik - người mẫu gốc Ba Lan. Cô được nhớ đến với thành tích đáng nể trên bìa các tạp chí thời trang, những sàn diễn hay chiến dịch quảng bá danh tiếng.
Trên sàn catwalk, Anja Rubik đặc biệt tự hào với dáng vóc siêu gầy và không ngại chia sẻ bí quyết giữ dáng nhờ xà lách, trứng và quả sung.
Dường như chuyện giảm cân hết mức có thể trở thành một tiêu chuẩn vô hình tác động đến suy nghĩ một số người như Anja.
Tuy nhiên, nhiều khán giả theo dõi các fashion show cho rằng thân hình của cô hơi “phản cảm” vì không khác gì một “que tăm di động” và “dường như chỉ một cơn gió cũng quật ngã được cô ấy”.
Những cái chết đã được báo trước
Theo khảo sát năm 2012, có tới 68,3% người mẫu thừa nhận bị trầm cảm hoặc lo lắng quá mức. Sức ép của ngành công nghiệp thời trang đã khiến nhiều mẫu trẻ lao vào vòng xoáy ép cân như những con thiêu thân để đủ tiêu chuẩn “da bọc xương” cho các nhãn hiệu nổi tiếng.
Hiển nhiên, bi kịch không chỉ là hàng loạt bộ xương khô di động bị chứng biếng ăn mà đó còn là những cái chết đã được báo trước.
Câu chuyện người mẫu Isabelle Caro đến từ nước Pháp tử vong sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh biếng ăn là trường hợp nổi tiếng gây xót xa của thế giới người mẫu.
Ra đi vào tháng 11 năm 2010 ở tuổi 28, chứng hô hấp cấp vì suy nhược cơ thể đã khiến Isabella tắt thở. Trước khi vĩnh viễn rời xa cõi đời, Isabelle chỉ nặng 32kg với chiều cao 1m65.
Isabelle từng tiết lộ trong show truyền hình The Insider của đài CBS, cô bị chứng biếng ăn từ năm 13 tuổi và khi làm người mẫu, căn bệnh càng tồi tệ hơn. Tại thời điểm được cho là tệ hại nhất (năm 2006), cô chỉ nặng 25 kg. Cô ngất lên ngất xuống nhiều lần, tưởng chừng như không sống nổi.
Người mẫu đã chấp nhận để hình ảnh khỏa thân gầy guộc của mình được sử dụng cho các chiến dịch chống lại chứng chán ăn. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, hình ảnh này đã bị cấm không rõ vì nguyên nhân gì.
Các chiến dịch chống biếng ăn mà Isabelle Caro tham gia đã khiến giới thời trang nổ ra cuộc tranh luận về việc sử dụng những người mẫu siêu gầy. Sự ra đi bất ngờ của Isabelle là bài học cảnh tỉnh cho những cô gái muốn “gầy nữa, gầy mãi”.
Một trường hợp đau lòng khác, đó là Ana Carolina Reston, người mẫu trẻ đến từ Brazil. Từng được ca ngợi là “nàng thơ” sau các chiến dịch quảng bá của Dior và Armani, nhưng Ana đã không sống lâu để hưởng thụ sự ngọt ngào của danh vọng.
Tháng 11 năm 2006, Ana đã ra đi ở tuổi 21 sau khi trải qua vô số cuộc hành hạ cơ thể cực kỳ khắc nghiệt. Vì sức ép giảm cân ám ảnh, Ana bị mắc liên tục 2 chứng bệnh rối loạn ăn uống đó là biếng ăn và phàm ăn.
Cô chết trong tình trạng thận bị hỏng hoàn toàn, cơ thể suy nhược nặng vì một thời gian dài cô chỉ ăn táo và cà chua.
Mặc dù ngành công nghiệp thời trang những năm gần đây đang dần ưu tiên những người mẫu có thân hình đầy đặn, mập mạp hơn trước, tuy nhiên nhiều nhà thiết kế bảo thủ vẫn giữ nguyên mô tuýp chọn người mẫu siêu gầy.
Điều này được cho là để có lợi cho phần trình diễn trên sàn catwalk cùng các bộ ảnh. Thế nhưng không phải người mẫu nào cũng đủ tỉnh táo để không bị rơi vào vòng xoáy của quá trình giảm cân cấp tốc.
Thế mới biết, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, kể cả trong ngành công nghiệp luôn được cho là “tôn vinh cái đẹp”.