Chúng ta thường chẳng bao giờ thắc mắc sự tồn tại của chiếc cọ trang điểm, vì nó chỉ mang tính ‘đi kèm’ và ‘bổ trợ’ cho những thứ mĩ phẩm kia.
Nguồn gốc những “chiếc đũa thần”
Trước khi cả thế giới có bàn chải đánh răng, những năm 500-600 sau Công Nguyên, các cô gái Ai Cập đã tự trang bị cho bản thân những chiếc cọ trang điểm cán đồng như vật bất ly thân rồi!
Cũng chẳng ai biết cha đẻ của những cây cọ trang điểm là ai, nhưng trước khi gương soi được sản xuất hàng loạt và bán rộng rãi trên thị trường, cọ trang điểm chỉ dành cho giới thượng lưu vì họ luôn có những cô hầu gái kề cạnh giúp mình sửa soạn. Chỉ đến năm 1835, khi người Đức tìm ra cách sản xuất gương tráng bạc hàng loạt, cọ trang điểm được mở rộng thị trường và trở thành sản phẩm tiềm năng cho các thương hiệu mĩ phẩm.
Lấy cảm hứng từ cọ thư pháp của phương Đông - Nhật Bản, Đức là quốc gia châu Âu đầu tiên và đứng đầu về ngành thủ công sản xuất cọ. Dần dà, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bắt kịp và trở thành những quốc tổ làm cọ thủ công hàng đầu. Trên thực tế, bạn cũng có thể thay thế cọ trang điểm bằng cọ vẽ, nhưng chẳng ai lại làm thế.
Những sự thật bạn không thể ngờ tới
Rất hiếm có thương hiệu mĩ phẩm lớn nào thật sự sản xuất cọ của mình! Ví dụ, MAC hay Chanel không hề đặt một nhà máy sản xuất cọ trang điểm ở một vùng ngoại ô nào đó chỉ để sản xuất cọ. Cách thức họ làm chính là đặt hàng một nhà phân phối cọ trang điểm để làm ra những bộ cọ theo thiết kế, tiêu chuẩn, và tên nhãn hàng được in ngay trên đó. Xin đừng bất ngờ nếu như bạn phát hiện ra cọ MAC đắt tiền của bạn và cọ hàng drugstore của cô bàn bên nào đó đều ra từ một lò. Tuy nhiên, dù là của hãng nào, được sản xuất từ nhà máy đặt ở quốc gia nào, đa phần các loại cọ đều được làm bằng tay.
Như đã nêu ở phía trên, rất ít ‘ông lớn’ mĩ phẩm này có hẳn một nhà máy sản xuất cọ. Do đó, khả năng cao bạn có thể tìm thấy một bộ cọ với giá thành rẻ hơn với chất lượng tương tự từ một thương hiệu khác. Tránh mua cọ từ những thương hiệu mĩ phẩm luxury vì giá bị đội lên quá cao. Thay vào đó, hãy mua cọ từ những nhãn hàng chuyên sản xuất cọ mà tôi sẽ giới thiệu cho bạn ở bên dưới đây!
Hãy đọc bộ cọ như đọc quyển truyện tranh quen thuộc!
Cách tốt nhất để bạn trang điểm đẹp chính là am hiểu tường tận bộ cọ trang điểm của mình. Tôi sẽ không bàn đến công dụng và chức năng của từng cây cọ khác nhau, vì bạn có thể Google ra hàng đống tài liệu trên mạng hoặc hỏi ngay anh chàng bán hàng đỏm dáng. Liệu có ai quan tâm về loại lông cọ của mình là tự nhiên hay nhân tạo khi đi mua sắm (trừ phi bạn thuộc đội vegan thuần chay và chỉ sử dụng những sản phẩm không làm từ động vật). Nhưng ngoài vấn đề kinh phí và nhân đạo ra, bạn đã hiểu tại sao các nhãn hàng lại phân loại cọ nhân tạo và cọ tự nhiên chưa?
Lông cọ nhân tạo - được làm từ sợi nhựa polyester và nylon - chính là lựa chọn xuất sắc để đánh nền, concealer, son, và tất tần tật các mĩ phẩm dạng kem hoặc lỏng khác vì chúng có độ cứng và không thấm hút. Ngược lại, lông cọ tự nhiên - được làm từ lông dê, sóc hay ngựa - lại cực kỳ tốt để dùng cùng với phấn phủ vì độ mềm của nó. Hiểu rõ hơn về chất liệu và điểm cộng/trừ của chiếc cọ sẽ giúp bạn một bước tiến xa hơn vào thế giới làm đẹp đầy huyền cơ và bí ẩn.
Cọ oval- những chiếc muỗng đáng yêu
Sở dĩ gọi nó là cọ muỗng vì thật trông giống một chiếc muỗng. Thú thật lần đầu ngắm nhìn thiết kế chiếc cọ muỗng, tôi đã thảng thốt rằng: “Trời ơi, đây chính là tương lai của những chiếc cọ.” Khác hẳn với những chiếc cọ truyền thống với cán cọ làm từ nhựa hoặc gỗ, cọ oval có thiết kế metallic.
Artis Brush chính là thương hiệu tiên phong làm ra chiếc cọ muỗng lông nhân tạo, được bán với giá thành rất cao. Artis Brush tạo ra cơn sốt cho cái ‘tín đồ’ mĩ phẩm thế giới về thiết kế lẫn khả năng blending siêu việt.
Nên hay không?
Là một người yêu mĩ phẩm chân chính, tôi nhận ra chẳng có gì có thể ngăn cản mình cả thèm chóng chán, thay lòng đổi dạ nhanh một chút. Lần cuối bạn mua cọ trang điểm là khi nào? Thay vì dùng mãi đống cọ đại trà kia, hãy a lê hấp đổi mới cùng một lúc, tự nhiên buổi sáng thức dậy lại cảm thấy siêng năng trang điểm đẹp và kĩ lưỡng hơn nữa đó!
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn đắn đo về giá cả, hãy tìm đến những bản DUPE của Artis Brush.
1. MISSHA Artistool Foundation Brush #101 (Giá: 379K)
Có thiết kế gần giống với Artis Brush, chiếc cọ Artistool của MISSHA có thể dùng để đánh nền, highlight và tạo khối đó! Mua tại hệ thống cửa hàng Missha Việt Nam hoặc xem thêm tại trang https://misssha.vn
2. MAC Oval 6 Brush (936K) và Oval 3 Brush (713K)
Đến cả MAC cũng đã bắt kịp trào lưu và sản xuất cọ oval rồi đấy! Tuy chưa bán trọn bộ, nhưng chiếc cọ Oval 6 của MAC khá đa năng khi có thể đánh phấn phủ, nền, má hồng, và đánh khối. Oval 3 lại có thiết kế bề mặt nhỏ, phù hợp để đánh concealer và mắt. Giá của hai em này cao vượt trội hơn các dòng cọ khác của MAC, có thể đặt mua tại hệ thống cửa hàng MAC.
3. CAILYN O! Wow Brush (713K)
Cọ oval của Cailyn O! Wow Brush đã đoạt giải Beauty Awards của Allure vào năm 2016. Phù hợp để đánh tất tần tật các lạoi kem nền, má hồng, bronzer… . Có thể đặt mua tại Amazon.
4. My Beauty Tool Secret Brush 121 Skin (150K)
Etude House cũng bán lại cọ oval này với giá mềm hơn hẳn các thương hiệu khác. Có thể đặt mua tại các shop bán hàng xách tay của Hàn Quốc.
Nội dung hợp tác cùng tạp chí 2!