Mới đây, nhà bán lẻ các sản phẩm làm đẹp xanh Credo đã thông báo ngừng bán mặt nạ miếng và các sản phẩm dùng một lần (như giấy ướt tẩy trang, miếng tẩy tế bào chết).
Mia Davis, giám đốc mảng Trách nhiệm Môi trường & Xã hội tại Credo, nói với ELLE rằng:
“Một sản phẩm có ích cho làn da của bạn sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu nó không an toàn với trái đất. Các sản phẩm như vậy góp phần gây ô nhiễm môi trường, làm suy giảm sức khỏe, làm da dần xấu đi, vậy là nhu cầu chăm sóc da bằng các nguyên liệu xanh càng tăng lên.
Một chiếc mặt nạ miếng đắp trong 20 phút được làm từ sợi có nguồn gốc dầu mỏ, đóng gói trong giấy bạc không thể tái chế, bao bì nhựa khó phân hủy, thấm đẫm trong nó là đủ loại hóa chất mỹ phẩm. Tôi cho rằng mặt nạ miếng giống nơi chứa chất thải hơn là một sản phẩm chăm sóc da.
Cấm bán mặt hàng này tại Credo sẽ giúp môi trường giảm đi 3.000 pound (1,360.78 kg) rác”.
Mia Davis cho biết sản xuất một pound (0,45 kg) bông hữu cơ cần 1320 gallon (4,996.74 lít) nước. Nghĩa là chúng ta lãng phí hàng trăm gallon nước lên một miếng mặt nạ cotton có thời gian sử dụng ngắn hạn.
Susan Stevens, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Made With Respect, giải thích: “Thường thì không có thành phần nào trong một miếng mặt nạ giấy có thể tái chế được. Sau khi bạn dùng xong, chúng trở thành rác và có lẽ là sẽ được thải xuống đại dương.
Các thành phần hóa mỹ phẩm tổng hợp đi qua cổng xử lý nước thải của các nhà máy, chảy xuống cống, chảy xuống đại dương gây ô nhiễm sinh vật biển và hủy hoại môi trường”. Những vật liệu này sẽ không phân hủy trong hàng trăm năm.
Chúng vỡ ra thành các hạt vi nhựa hoặc giải phóng khí nhà kính gây ô nhiễm không khí, nước, đất và cơ thể của mọi sinh vật (bao gồm cả con người).
Người đồng sáng lập bổ sung: “Nếu nhìn vào quy trình chiết xuất dầu thô thành monome hidrocacbon rồi thành nhựa, bạn sẽ thấy chúng ta đang trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
Dọc theo dây chuyền sản xuất đó, các chất độc hại tiềm ẩn như bisphenol và phthalate được thêm vào hỗn hợp. Chúng tôi nhào nặn chúng thành nhiều sản phẩm khác nhau, vải sợi nhỏ hoặc polyester, các loại bao bì và hóa dầu mỹ phẩm.
Chúng tôi đang gây ô nhiễm cho những người làm việc tại nhà máy và cả cộng đồng sống xung quanh đó”.
Liệu mặt nạ miếng có bị xóa sổ ngay lập tức?
Cũng giống như lệnh cấm đối với ống hút, chai lọ và túi nhựa, mặt nạ miếng sẽ không biến mất trong ngày mai. Credo là một nhà bán lẻ có quy mô nhỏ nhưng đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành động ngừng bán mặt nạ miếng của họ là tiếng chuông báo trước về sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng.
Jeannie Jarnot, người sáng lập hãng mỹ phẩm xanh Beauty Heroes cho biết: “Khách hàng cứ phàn nàn mãi vì chúng tôi không bán mặt nạ miếng”. Mia Davis cũng đã dự đoán được phản ứng này khi một sản phẩm quen thuộc đột nhiên không còn được sản xuất:
“Tôi biết quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nhiều khách hàng. Mà khách hàng không vui thì chúng tôi sẽ không có lợi nhuận. Tôi hy vọng các nhà bán lẻ lớn hơn, có tầm ảnh hưởng hơn, như Sephora, Ulta sẽ cùng thực hiện chiến dịch này để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Từ đó làm giảm tác động xấu của ngành lên trái đất”.